Cổ phiếu vốn hóa lớn suy yếu, VN-Index chật vật giữ tham chiếu

Sau phiên xả hàng khá mạnh ở trụ lớn nhất thị trường VCB hôm qua, sự thận trọng đã bao trùm và không có nhóm dẫn dắt nào khác thay thế. Trong 10 mã vốn hóa lớn nhất của VN-Index sáng nay, chỉ có 2 mã tăng rất yếu là BID và VHM. Chỉ số đang phụ thuộc vào các cổ phiếu tầm trung nên chỉ có thể lình xình yếu.

VN-Index chốt phiên sáng tăng 1,08 điểm tương đương +0,09%. BID tăng 0,57%, VHM tăng 0,12% trong nhóm trụ thậm chí còn không bù nổi cho mức giảm 0,72% ở VCB. Nhịp tăng mạnh 3 phiên đầu tuần này của chỉ số hoàn toàn dựa vào sức mạnh của VCB, nên hai phiên trở lại đây VCB quay đầu, VN-Index lập tức chững lại.

Không có nhóm cổ phiếu hay trụ nào khác nổi lên để thay thế VCB, các cổ phiếu vốn hóa trung bình đang nỗ lực làm thay. FPT tăng 1,56%, PNJ tăng 5,31%, MWG tăng 1,52%, DGC tăng 2,32%, BSI tăng 6,99%, VND tăng 2,65% thậm chí còn lọt vào Top 10 mã kéo điểm tốt nhất phiên sáng nay. Nhiều mã trong số này còn không thuộc rổ VN30.

Dù vậy chỉ số không phản ánh hết diễn biến thị trường, giao dịch vẫn khá sôi động ở nhiều mã. VN-Index lúc hơn 10h giảm chạm đáy để mất hơn 4 điểm, độ rộng ghi nhận 169 mã tăng/250 mã giảm. Đến cuối phiên độ rộng khá hơn hẳn với 235 mã tăng/201 mã giảm. Rõ ràng phải có dòng tiền bắt đáy hoạt động tích cực mới có thể đảo chiều giá nhiều mã như vậy. Tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE sáng nay giảm 20% so với sáng hôm qua nhưng vẫn đạt mức cao trên 11 ngàn tỷ đồng.

Sàn HoSE đang có 63 cổ phiếu tăng trên 1% với nhiều mã thanh khoản rất sôi động. Nhóm chứng khoán đang nổi bật nhờ đà tăng của VND +2,65%, VIX +2,73%, SSI +1,08%, VCI +3,29%, HCM +2,15%, BSI +6,99% và thanh khoản các mã này đều trên 100 tỷ đồng. Thậm chí VND, VIX và SSI còn thuộc Top 5 thanh khoản cao nhất thị trường, đạt tương ứng 664,9 tỷ, 489 tỷ và 479,8 tỷ đồng. Toàn nhóm cổ phiếu chứng khoán tới 29 mã tăng trên 1% và duy nhất VFS là đỏ.

Ngoài cổ phiếu chứng khoán, những cổ phiếu thu hút dòng tiền khá tốt khác là DGW với 359,5 tỷ đồng, giá tăng 6,09%; GEX với 277,5 tỷ, giá tăng 1,57%; DGC với 162,9 tỷ, giá tăng 2,32%; HSG với 130,9 tỷ, giá tăng 1,32%; PVD với 69,2 tỷ, giá tăng 1,62%; VCG với 95,6 tỷ, giá tăng 1,23%... Tính chung nhóm tăng giá hơn 1% chiếm tới 51% tổng khớp sàn HoSE.

Cổ phiếu vốn hóa lớn suy yếu, VN-Index chật vật giữ tham chiếu - Ảnh 1

Phía giảm hiện đang có 40 mã rơi hơn 1% nhưng chỉ có 3 mã đáng chú ý là TCB giảm 1,42% giao dịch 148,4 tỷ đồng thanh khoản; ACB giảm 1,07% với 151,3 tỷ và TPB giảm 1,01% với 110,6 tỷ. Nhóm ngân hàng đang khá yếu sau khi VCB mất đà: Toàn bộ 27 mã nhóm này chỉ có 9 mã tăng. Mạnh nhất lại là các mã ít ảnh hưởng như BVB tăng 5,5%, KLB tăng 1,67%.

 Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay tiếp tục giữ đà bán ròng, với mức rút đi khoảng 122,3 tỷ đồng trên sàn HoSE. Đây đã là phiên sáng thứ 16 khối này bán ròng liên tục. Các mã bị xả nhiều là HPG -111,2 tỷ, VNM -69,9 tỷ, VHM -29,5 tỷ, KDH -27,5 tỷ, FRT -26 tỷ và chứng chỉ quỹ FUEVFVND -100,8 tỷ. Phía mua có VIX +99,2 tỷ, SSI +67,9 tỷ, VCI +66,3 tỷ, STB +55,4 tỷ, DGW +53,3 tỷ, VND +34,2 tỷ, DGC +22,5 tỷ, MWG +21,7 tỷ.

VN-Index bước sang phiên thứ 2 dập dình ngay tại vùng đỉnh trung hạn từ tháng 9/2023, đúng lúc trụ dẫn dắt VCB bị chốt lời sau các phiên bật mạnh đột biến. Thực ra chỉ số tăng lên đỉnh này cũng là nhờ VCB, còn các mã vốn hóa lớn khác tăng bình thường, thậm chí là yếu. Nếu VCB đưa chỉ số lên thì cũng có thể tác động ngược lại, nếu không xuất hiện sự hỗ trợ từ các cổ phiếu lớn khác. Nhóm vốn hóa trung bình dù tăng tốt cũng chưa bao giờ là trụ cột của chỉ số.

Xem thêm tại vneconomy.vn