Cuộc phiêu lưu đầu tư chứng khoán của nhiều “tay ngang”: Loạt doanh nghiệp ngậm ngùi "ôm" lỗ vài chục tỷ, "tay chơi" đình đám từng lãi lớn lặng lẽ rút lui

Thị trường chứng khoán liên tục biến chuyển tăng giảm từ đầu năm 2023 khiến các quỹ đầu tư cũng như công ty chứng khoán gặp khó trong chiến lược của mình. Không chỉ các nhà đầu tư chuyên nghiệp, những doanh nghiệp "tay ngang" mang tiền đầu tư chứng khoán nhưng kém hiệu quả, thậm chí ôm lỗ "chỏng vó" là điều không quá bất ngờ.

Trong khi lĩnh vực cốt lõi là thép gặp khó, Thép Tiến Lên (TLH) rất “chịu chơi” trong cuộc phiêu lưu với chứng khoán. Thời điểm cuối quý 1, doanh nghiệp thép này "ôm" gần 90 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh tính theo giá gốc, giảm 15 tỷ so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, giá trị hợp lý của các khoản đầu tư này chỉ còn 40,2 tỷ đồng, tương đương mức tạm lỗ ghi nhận hơn 55%.

Các khoản đầu tư lớn nhất danh mục của TLH vẫn là SHB, VIX và IJC và đều đang tạm lỗ nặng từ 37-51%. Trong khi đó, doanh nghiệp thép này đã bán bớt khoảng 16 tỷ đồng các cổ phiếu IJC và cổ phiếu khác (tính theo giá gốc).

Cuộc phiêu lưu đầu tư chứng khoán của nhiều “tay ngang”: Loạt doanh nghiệp ngậm ngùi "ôm" lỗ vài chục tỷ, "tay chơi" đình đám từng lãi lớn lặng lẽ rút lui - Ảnh 1.

Danh mục chứng khoán kinh doanh Thép Tiến Lên, nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2023

Là doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, Coteccons (CTD) cũng dành hơn 254 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu và chứng chỉ quỹ (tính đến hết quý 1). Cụ thể, một số khoản đầu tư lớn trong danh mục bao gồm CCQ KIM GROWTH VN30 ETF (49,5 tỷ), FPT (hơn 31 tỷ), MWG (gần 24 tỷ), còn lại không được thuyết minh chi tiết. Coteccons phải trích lập dự phòng gần 61 tỷ, tương đương tạm lỗ 24% cho khoản đầu tư trên.

Cuộc phiêu lưu đầu tư chứng khoán của nhiều “tay ngang”: Loạt doanh nghiệp ngậm ngùi "ôm" lỗ vài chục tỷ, "tay chơi" đình đám từng lãi lớn lặng lẽ rút lui - Ảnh 2.

Chứng khoán kinh doanh CTD

Tương tự, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng khác là Đá Hóa An (DHA) dường như quen với thua lỗ và không mảy may cơ cấu lại lại danh mục. Thời điểm 31/3, khoản chứng khoán kinh doanh của doanh nghiệp không thay đổi so với thời điểm đầu năm, có giá gốc 88,5 tỷ đồng, trong đó có đến hơn 80 tỷ đầu tư vào HPG. Tuy nhiên, công ty đang phải trích lập dự phòng 35,7 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ hơn 40 tỷ đồng.

Cuộc phiêu lưu đầu tư chứng khoán của nhiều “tay ngang”: Loạt doanh nghiệp ngậm ngùi "ôm" lỗ vài chục tỷ, "tay chơi" đình đám từng lãi lớn lặng lẽ rút lui - Ảnh 3.

Chứng khoán kinh doanh Đá Hóa An (BCTC quý 1/2023)

Không quá nổi danh trong lĩnh vực bất động sản, Địa ốc Sacom (Samland) cũng thử sức với "bộ môn" đầu tư chứng khoán. Tại thời điểm 31/3/2023, Samland ghi nhận khoản chứng khoán kinh doanh có giá gốc gần 23 tỷ đồng, giảm 34 tỷ so với đầu năm và toàn bộ là khoản đầu tư vào Đầu tư Phát triển Đô thị và KCN Sông Đà (mã SJS). Hiện, khoản đầu tư này đang phải trích lập dự phòng trên 10 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ tới hơn 43%.

Trong quý đầu năm, Samland đã bán sạch các cổ phiếu HPG và SSI và không mua thêm cổ phiếu nào. Hai khoản đầu tư trên đều từng ghi nhận lỗ nặng tại thời điểm cuối năm 2022 khiến Samland phải dự phòng giảm giá đến 12,24 tỷ đồng, tương đương tạm lỗ gần 36%.

Bên cạnh đó, một doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản là CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) cũng đành “ngậm ngùi” thua lỗ khi đầu tư. Tính đến thời điểm cuối tháng 3, danh mục đầu tư chứng khoán của Vĩnh Hoàn có giá gốc 179 tỷ đồng, nhưng công ty lại phải trích lập dự phòng giảm giá gần 84 tỷ đồng, tương đương mức lỗ gần 47%.

Các khoản đầu tư cổ phiếu của Vĩnh Hoàn gồm NLG (Nam Long); DXS (Đất Xanh Services); KBC (Kinh Bắc) và các cổ phiếu khác. Trong đó, khoản đầu tư vào NLG có giá gốc 77 tỷ đồng và đang phải dự phòng 32,5 tỷ, tương đương lỗ 42%; DXS có giá gốc 57 tỷ đồng, đang phải dự phòng 39 tỷ, tương đương lỗ 67%; KBC giá gốc 32 tỷ đồng nhưng đang lỗ 23%. Như vậy, trong danh mục đầu tư cổ phiếu trên sàn, Vĩnh Hoàn đang có tỷ suất lỗ nhiều nhất khi đầu tư vào cổ phiếu DXS.

Cuộc phiêu lưu đầu tư chứng khoán của nhiều “tay ngang”: Loạt doanh nghiệp ngậm ngùi "ôm" lỗ vài chục tỷ, "tay chơi" đình đám từng lãi lớn lặng lẽ rút lui - Ảnh 4.

Chứng khoán kinh doanh Vĩnh Hoàn. (BCTC HN quý 1/2023)

Nhắc đến những “tay ngang” đem tiền đầu tư chứng khoán không thể thiếu các doanh nghiệp sách hay thiết bị trường học. Nổi bật là Sách giáo dục tại TP. Đà Nẵng (DAE) với khoản chứng khoán kinh doanh giá gốc 5,7 tỷ đồng thời điểm cuối quý 1/2023, trong khi tiền mặt chỉ còn chưa tới 900 triệu. Tại ngày 31/3, DAE phải trích lập dự phòng giảm giá hơn 3,7 tỷ đồng, tương đương mức tạm lỗ lên đến 65%. Công ty không thuyết minh cụ thể cho khoản mục này.

Thêm vào đó, Sách và Thiết bị trường học Long An (LBE) cũng được biết đến nhiều với danh xưng “tay ngang” đầu tư chứng khoán. Đến cuối quý 1/2023, khoản mục chứng khoán kinh doanh của doanh nghiệp này có giá gốc hơn 5,1 tỷ đồng trong khi tiền mặt (tiền và tương đương tiền) cùng thời điểm chỉ còn chưa đến 1 tỷ đồng.

Năm ngoái, LBE gần như “tất tay” vào cổ phiếu S55 của CTCP Sông Đà 505 nhưng thành quả thu về không đáng kể. Đến quý đầu năm nay, doanh nghiệp này đã bán gần hết số cổ phiếu S55 trong danh mục và mua mới nhiều cổ phiếu trong đó tỷ trọng lớn có VDL của CTCP Thực phẩm Lâm Đồng (2,7 tỷ đồng) và QTC của CTCP Công trình GTVT Quảng Nam (1,5 tỷ đồng). Tại thời điểm 31/3/2023, LBE đang tạm lỗ gần 85 triệu đồng cho toàn bộ danh mục.

Cuộc phiêu lưu đầu tư chứng khoán của nhiều “tay ngang”: Loạt doanh nghiệp ngậm ngùi "ôm" lỗ vài chục tỷ, "tay chơi" đình đám từng lãi lớn lặng lẽ rút lui - Ảnh 5.

Danh mục chứng khoán kinh doanh LBE

Một tay chơi khác cũng đem tiền đi đầu tư chứng khoán nhưng đang tạm thua lỗ là CTCP Đầu tư CMC (mã CMC) . Thời điểm cuối quý 1/2023, giá gốc và dự phòng khoản chứng khoán kinh doanh vẫn được giữ nguyên như hồi đầu năm. Doanh nghiệp ghi nhận lỗ 11,7 tỷ đồng cho khoản chứng khoán giá gốc gần 30 tỷ, tương đương lỗ 40%. Trong đó, mức lỗ lớn nhất thuộc về khoản đầu tư vào GEX, HPG…

Cuộc phiêu lưu đầu tư chứng khoán của nhiều “tay ngang”: Loạt doanh nghiệp ngậm ngùi "ôm" lỗ vài chục tỷ, "tay chơi" đình đám từng lãi lớn lặng lẽ rút lui - Ảnh 6.

Dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh CMC

Không dừng lại ở đó, một cái tên quen thuộc hoạt động lâu năm trong lĩnh vực vui chơi, giải trí là Công viên nước Đầm Sen (DSN) cũng dành gần 35 tỷ đồng để trở lại cuộc "phiêu lưu" chứng khoán. Trước đó, thời điểm đầu năm 2023, doanh nghiệp gần như không ghi nhận đầu tư khoản mục này.

Những khoản đầu tư cuối quý 1/2023 của DSN bao gồm DNP Holding (DNP, 21,5 tỷ đồng); Dược phẩm OPC (OPC, 9 tỷ đồng); Sudico (SJS, 4 tỷ đồng),..

Cuộc phiêu lưu đầu tư chứng khoán của nhiều “tay ngang”: Loạt doanh nghiệp ngậm ngùi "ôm" lỗ vài chục tỷ, "tay chơi" đình đám từng lãi lớn lặng lẽ rút lui - Ảnh 7.

Doanh nghiệp đình đám một thời "nghỉ chơi" chứng khoán

Đáng chú ý, doanh nghiệp bất động sản tay ngang đầu tư chứng khoán từng thắng lớn năm 2021 nhờ “full” CEO và DIG là Licogi 14 (L14) đã bán phần lớn các khoản đầu tư vào cuối năm 2022. Quý đầu năm nay, L14 không ghi nhận khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh nào trong khi đầu năm vẫn còn 14 tỷ đồng.

Cuộc phiêu lưu đầu tư chứng khoán của nhiều “tay ngang”: Loạt doanh nghiệp ngậm ngùi "ôm" lỗ vài chục tỷ, "tay chơi" đình đám từng lãi lớn lặng lẽ rút lui - Ảnh 8.

BCTC quý 1/2023 L14

Trước đó, vào thời điểm cuối năm 2022, khoản chứng khoán kinh doanh của Licogi 14 chỉ có giá gốc hơn 14 tỷ đồng, giảm gần 90 tỷ so với cuối quý 3/2022. Tại ngày 31/12/2022, Licogi 14 chỉ còn tạm lỗ gần 1,4 tỷ đồng trong khi con số này vào cuối quý 3 lên đến 68,7 tỷ đồng.

L14 nơi ông Nguyễn Mạnh Tuấn (hay còn được biết tới với biệt danh A7) đảm nhiệm vai trò Thành viên HĐQT báo doanh thu thuần quý 1 năm 2023 đạt 31 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lãi sau thuế vỏn vẹn 3,2 tỷ đồng giảm 64% so với cùng kỳ 2022.

Dù thua lỗ, song khoản cơ cấu danh mục trong quý 1 khá "mát tay"

Bên cạnh việc hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, Nhà Đà Nẵng (NDN) còn được biết đến là doanh nghiệp ưa thích đầu tư chứng khoán. Thời điểm 31/3/2023, khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh của Nhà Đà Nẵng có giá gốc lên đến 365 tỷ đồng, tăng 55 tỷ so với đầu năm. Doanh nghiệp tạm ghi lỗ 49 tỷ đồng, tương ứng 14% danh mục; giảm mạnh so với con số lỗ 28% hồi đầu năm.

Ngoài việc bán hết AMV và lượng lớn ABB, SHB, hầu hết các cổ phiếu trong danh mục của Nhà Đà Nẵng đều được tăng sở hữu trong đó cổ phiếu HPG được mua thêm mạnh tay nhất với giá trị hơn 43 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp bất động sản này còn mua mới cổ phiếu DGC (23,5 tỷ đồng), STB (9,6 tỷ đồng) và VND (14 tỷ đồng) trong quý đầu năm.

Cuộc phiêu lưu đầu tư chứng khoán của nhiều “tay ngang”: Loạt doanh nghiệp ngậm ngùi "ôm" lỗ vài chục tỷ, "tay chơi" đình đám từng lãi lớn lặng lẽ rút lui - Ảnh 9.

Danh mục chứng khoán kinh doanh NDN

Tính đến cuối quý 1/2023, VHM vẫn là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư chứng khoán của Nhà Đà Nẵng với giá gốc hơn 172 tỷ đồng. Tuy nhiên, VHM cũng là cổ phiếu khiến doanh nghiệp này phải dự phòng giảm giá lớn nhất với hơn 29 tỷ đồng. Trong khi đó, TCB đang là cổ phiếu lỗ nặng nhất trong danh mục với mức âm 45%. Ngược lại, Nhà Đà Nẵng khá “mát tay” với các cổ phiếu mua mạnh trong quý 1 khi HPG, DGC, STB và VND đều đang tạm lãi.

Hiếm hoi tay chơi "được" chốt lời cổ phiếu

Theo BCTC quý 1/2023 của Cơ điện lạnh (mã REE) , khoản đầu tư vào Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đã giảm hơn 42 tỷ đồng, tương đương khoảng 6% giá trị so với đầu năm, còn 696 tỷ đồng.

Khoản đầu tư này mới chỉ xuất hiện trên BCTC của REE vào quý 4 năm ngoái - thời điểm cổ phiếu VIB giảm mạnh xuống đáy 2 năm. Ước tính theo thị giá cổ phiếu VIB trong quý đầu năm, REE có thể đã bán ra hàng triệu đơn vị.

Đến thời điểm cuối quý 1/2023, công ty không trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào cổ phiếu VIB. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 hồi cuối tháng 3, bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT REE cho biết, công ty đã rót khoảng 700 tỷ đồng mua cổ phiếu của Ngân hàng VIB và đã lãi khoảng 20%.

Cuộc phiêu lưu đầu tư chứng khoán của nhiều “tay ngang”: Loạt doanh nghiệp ngậm ngùi "ôm" lỗ vài chục tỷ, "tay chơi" đình đám từng lãi lớn lặng lẽ rút lui - Ảnh 10.

Chứng khoán kinh doanh REE

Trên thực tế, thị trường chứng khoán phát triển, ngày càng nhiều doanh nghiệp hứng thú với đầu tư cổ phiếu là điều không quá bất ngờ. Không ít doanh nghiệp tay ngang mang tiền nhàn rỗi đi đầu tư kiếm lời ngắn hạn nhưng vẫn có cái tên gần như chấp nhận rời xa lĩnh vực cốt lõi để rẽ hẳn sang hướng đầu tư tài chính.

Trong bối cảnh thị trường vẫn tồn tại nhiều thách thức, những thông tin tốt xấu đan xen, "cuộc chơi chứng khoán" của những tay ngang chưa bao giờ là dễ dàng và còn xen lẫn không ít rủi ro có thể gây ảnh hưởng nặng nề tới kết quả kinh doanh của chính doanh nghiệp.

Xem thêm tại cafef.vn