Đại hội Vincom Retail: 'Nóng' chuyện cổ đông mới, chưa bàn chia cổ tức

z5374444103295_a0d47c2d0eb80392e7f71cf4a1595c7d

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của VRE sáng 23/4.

Sáng ngày 23/4, CTCP Vincom Retail (VRE) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 với tất cả tờ trình được thông qua.

Báo cáo tại đại hội, bà Phạm Thị Thu Hiền-Tổng giám đốc VRE cho biết năm 2023, doanh thu của công ty đạt hơn 9.700 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu cho thuê bất động sản đầu tư và cung cấp các dịch vụ liên quan đạt 7.796 tỷ đồng, doanh thu chuyển nhượng bất động sản đạt 1.772 tỷ đồng và doanh thu khác đạt 223 tỷ đồng. Lãi ròng đạt 4.409 tỷ đồng, tăng 59% so với năm trước đó. Tính đến hết ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Vincom Retail đạt 47.654 tỷ đồng, sở hữu và vận hành hệ thống 83 TTTM Vincom trên cả nước với tổng diện tích mặt sàn bán lẻ là 1,75 triệu m2.

Sang năm 2024, công ty này đặt mục tiêu doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp ước đạt 4.420 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cũng đề ra kế hoạch sẽ khai trương 6 trung tâm thương mại (TTTM) mới, bao gồm 2 TTTM Vincom Mega Mall và 4 TTTM Vincom Plaza, với tổng diện tích mặt sàn bán lẻ khoảng 171.000 m2, nâng tổng số lên 89 TTTM tại 48/63 tỉnh thành tới cuối năm 2024. Ngoài ra, các mảng kinh doanh liên quan đến giáo dục sẽ được Vincom Retail bỏ khỏi đăng ký kinh doanh do không hoạt động trong lĩnh vực, gồm: Giáo dục mẫu giáo; Giáo dục tiểu học; Giáo dục nhà trẻ; Giáo dục trung học cơ sở; Giáo dục trung học phổ thông; Đào tạo sơ cấp; Đào tạo trung cấp; Đào tạo cao đẳng.

Một nội dung đáng chú ý được thông qua tại đại hội là miễn nhiệm bà Thái Thị Thanh Hải thôi giữ chức vụ thành viên HĐQT, miễn nhiệm bà Lê Mai Lan thôi giữ chức vụ thành viên HĐQT, đồng thời bầu bổ sung ông Nguyễn Hoài Nam là thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028.

Sinh năm 1970, ông Nguyễn Hoài Nam tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh – Đại học Nam California. Năm 1992, ông Nam bắt đầu sự nghiệp tại 3C Corporation, trong vai trò giám đốc kinh doanh. Sau đó, ông lần lượt lượt chuyển sang làm Giám đốc tài chính TTT Corporation và Giám đốc điều hành tại Viet Au Investment. 

Đến năm 2006, ông đầu quân cho Tập đoàn Berjaya - một trong những tập đoàn kinh doanh đa ngành lớn nhất Malaysia thuộc sở hữu của tỷ phú gốc Hoa Vincent Tan, làm Tổng giám đốc Berjaya Việt Nam. 

Bên cạnh đó, ông Nam từng có nhiều năm làm Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SaigonBank Berjaya (SBBS), Chủ tịch HĐQT CTCP Truyền thông và Đầu tư Nam Hương (Nam Hương), CTCP Đầu tư Kinh doanh NP, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH JVA Thành phố Hồ Chí Minh (Jeep Việt Nam).  Ngoài ra, vị doanh nhân sinh năm 1970 từng được biết đến là lãnh đạo cấp cao tại: Công ty liên doanh TNHH Berjaya - Hồ Tây (chủ khách sạn Sheraton Hà Nội), Công ty TNHH Berjaya – Handico 12, Công ty TNHH Berjaya – D2D.

Động thái bầu ông Nam vào HĐQT Vincom Retail diễn ra trong bối cảnh Vingroup vào ngày 17/3 đã ký thỏa thuận bán phần vốn góp lên tới 100% vốn điều lệ trong công ty SDI – đơn vị đang sở hữu trên 99% vốn điều lệ của CTCP Kinh doanh Thương mại Sado, cổ đông lớn nắm 40,5% vốn Vincom Retail. Như vậy, cả Sado và Vincom Retail không còn là công ty con của Vingroup. Tuy nhiên, tập đoàn này vẫn còn sở hữu trực tiếp 18,37% vốn cổ phần Vincom Retail và vẫn sẽ là cổ đông lớn thứ hai.

Trong ngày 4/4 vừa qua, theo bản đăng ký kinh doanh mới được cập nhật của công ty SDI, có 4 doanh nghiệp tại TP.HCM đã mua tổng cộng 55% cổ phần công ty. Khoảng 45% cổ phần còn lại hiện vẫn do Vingroup và các công ty con nắm giữ. Trong đó, Vingroup nắm giữ trực tiếp (15,7%) và công ty Ngọc Việt (doanh nghiệp do Vingroup sở hữu 99% vốn) nắm giữ 29,2%. Ngoài ra, công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ Vincom nắm 0,006% vốn, Vinbus nắm 0,006% vốn. 

Các cổ đông mới của SDI gồm 4 công ty mới được thành lập. Trong đó, Đầu tư kinh doanh và Phát triển Thiên Phúc nắm giữ 16% vốn; Đầu tư kinh doanh và Phát triển Falcon nắm 12,5% và Đầu tư kinh doanh và Phát Triển Emerald nắm 10,5% vốn. Cuối cùng là tư Kinh doanh và Phát triển NP nắm 16% còn lại. 

Phần thảo luận

HĐQT có thể chia sẻ về thời điểm khai trương các trung tâm thương mại (TTTM)?

Bà Phạm Thị Thu Hiền-Tổng giám đốc VRE: Trong năm 2024, VRE sẽ khai trương 6 TTTM, trong đó 4 TTTM dự kiến khai trương trong tháng 6. Trong quý I chúng tôi đã tập trung chạy thuê và tỷ lệ lấp đầy hiện khá tốt, với Vincom Plaza đã trên 60% và Vincom Mega Mall gần 90%.

Kết quả kinh doanh quý I/2024?

Bà Phạm Thị Ngọc Hà-Giám đốc tài chính: Quý I ghi nhận tăng trường doanh thu 16% nhờ bàn giao một số căn shophouse ở dự án Đông Hà Quảng Trị. Còn lãi ròng đạt hơn 1.084 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Cả doanh thu lẫn lợi nhuận đạt 20-25% kế hoạch đề ra.

Công ty bao giờ chia cổ tức và có phương án đảm bảo quyền lợi cổ đông không?

Bà Phạm Thị Ngọc Hà: Công ty sẽ để lại toàn bộ lợi nhuận lũy kế đến năm 2023 cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện tại chúng tôi có kế hoạch chi trả cho các khoản vay, bên cạnh đó từ 2024-2027, dự kiến phát triển mạng lưới dự án với diện tích khoảng 800.000m2, do vậy cần nguồn lực để chi trả các khoản đầu tư. Việc phát triển dự án trong tương lai sẽ đem lại sự tăng tưởng bền vững, nên đồng hành dài hạn với VRE sẽ đem lại lợi ích cho cổ đông.

Chiến lược phát triển TTTM khi có nhóm cổ đông mới tham gia? Liệu có ảnh hưởng đến lợi thế của công ty?

Bà Trần Mai Hoa-Phó Chủ tịch HĐQT: Tờ trình của HĐQT đã nêu đầy đủ chiến lược của VRE trong thời gian tới. Về cơ bản, tờ trình này cũng đồng nhất và xuyên suốt với chiến lược của chúng tôi đã chia sẻ với cổ đông trong gần 8 năm qua, năm nay có làm rõ hơn kế hoạch triển khai của ban điều hành.

Với dự án của VRE đã thông tin ra thị trường về tổng diện tích mặt sàn dự kiến “bung” trong các năm tới thì kế hoạch trung dài hạn không thay đổi, tiến độ triển khai sẽ được rà soát theo từng năm, tuy nhiên chiến lược tổng thể vẫn được giữ vững và đây là kim chỉ nam hoạt động của công ty.

Trong các dự án mà VRE đã đặt cọc với chủ đầu tư là Vinhomes và Vingroup thì các chính sách vẫn được giữ nguyên như giữ được giá trị cũng như lợi ích các dự án đã đặt cọc. Vingroup vẫn tiếp tục song hành với VRE, chuỗi TTTM của Vincom Retail vẫn sẽ song hành với hệ sinh thái của Vingroup, hai bên sẽ có hợp đồng quản lý trong thời gian tới để đảm bảo việc củng cố cũng như phát triển bộ máy công ty.

Nhóm cổ đông chiến lược mới sẽ đóng góp như thế nào cho VRE?

Bà Trần Mai Hoa: Chúng tôi cho rằng các cổ đông mới có kinh nghiệm bán lẻ và đã có những mô hình bán lẻ thành công. Các nhà bán lẻ là một yếu tố quan trọng làm nên sự thành công cho các TTTM. Chúng tôi tin rằng kinh nghiệm mà ông Nam và các cổ đông có được sẽ chia sẻ cho VRE. Ngoài ra, các cổ đông mới cũng là những người có nhiều kinh nghiệm điều hành ở HĐQT, nên đây sẽ là lợi thế giúp chúng tôi có thêm sức mạnh.

Tương lai có đổi tên và bỏ chữ "Vin" không?

Bà Trần Mai Hoa: Thương hiệu Vincom là thương hiệu TTTM đầu tiên của người Việt. Vincom Retail đã gắn bó với người dân 20 năm, cái tên này cũng là niềm tự hào và phải trải qua khổ luyện để có hệ thống như ngày hôm nay. Tôi nghĩ rằng nhiều khách hàng cũng có được cảm xúc này, cảm xúc về một thương hiệu đã trải qua 20 năm thăng trầm, khó khăn và nhiều bài học. Về việc thương hiệu Vincom có giữ được chữ Vin không thì đây là thỏa thuận sau này trong HĐQT, nếu có bất kỳ một thay đổi nào chúng tôi sẽ có thông báo.

Bà Phạm Thị Thu Hiền-Tổng giám đốc VRE: Công ty hiện tại không có ý định đổi tên, bên cạnh đó Vincom Retail là thương hiệu có giá trị cao.

Xem thêm tại nhadautu.vn