Danh mục đầu tư hàng chục tỷ USD của các công ty bảo hiểm đang được phân bổ thế nào?

Ngành bảo hiểm chứng kiến một năm kinh doanh tương đối ảm đạm. Theo báo cáo chiến lược năm 2024 của SSI Research, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ giảm 12,5% trong năm 2023. Điều này được giải thích bởi một số yếu tố như triển vọng thu nhập cá nhân không khả quan, người tiêu dùng mất niềm tin vào các sản phẩm bảo hiểm và việc tiến hành thanh kiểm tra các sai phạm trong hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm tại kênh bancassurance.

Năm 2023, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ chỉ tăng 3% so với năm trước. Các doanh nghiệp bảo hiểm tăng phí trong năm do tỷ lệ bồi thường cao trong năm 2022, rủi ro bảo hiểm cũng như chi phí y tế gia tăng. Việc tăng phí đã ảnh hưởng đến khả năng chi trả của cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn.

3 công ty quản lý quỹ của Prudential, Manulife, Dai-ichi Life nắm danh mục ủy thác hơn 310.000 tỷ đồng

Sự suy giảm trong hoạt động của các công ty bảo hiểm tác động đến danh mục đầu tư của họ. Theo quan sát, các công ty bảo hiểm nhân thọ lớn thực hiện ủy thác đầu tư cho công ty quản lý quỹ (QLQ) trong hệ sinh thái.

Tại cuối năm 2023, tổng giá trị ủy thác đầu tư tại 3 công ty QLQ của Manulife Việt Nam, Prudential Việt Nam, Dai-ichi Life Việt Nam đạt trên 310.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 12,8 tỷ USD và tăng 19% so với đầu năm.

Giá trị danh mục ủy thác đầu tư của 3 công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài tăng 19% trong 2023. Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC.

QLQ Eastspring Investments Việt Nam đang nhận ủy thác 144.473 tỷ đồng từ Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam, tăng 5% so với đầu năm 2023. Đây là công ty quản lý quỹ lớn nhất tại Việt Nam, tính trên tổng tài sản đang quản lý. Cơ cấu danh mục cuối kỳ bao gồm trái phiếu 54%, cổ phiếu 9%, tiền gửi dài hạn 28%.

Giá trị danh mục ủy thác của QLQ Manulife Investment Việt Nam và QLQ Dai-ichi Life Việt Nam tăng 33% và 35% trong năm qua, đạt lần lượt 122.208 tỷ đồng và 55.166 tỷ đồng cuối kỳ. Manulife Investment không thuyết minh rõ phân bổ danh mục tại báo cáo quý IV.

Danh mục QLQ Dai-ichi Life Việt Nam đang rót nhiều nhất vào chứng khoán nợ (trái phiếu) (82%), tiền gửi có kỳ hạn (gần 14%) và chứng khoán vốn (cổ phiếu/chứng chỉ quỹ) (hơn 4%). Công ty này duy trì tỷ trọng chứng khoán nợ trên 80% xuyên suốt năm.

Danh mục đầu tư chứng khoán của Bảo Việt vẫn chưa hòa vốn

Tập đoàn Bảo Việt (Mã: BVH) ghi nhận chứng khoán kinh doanh có giá trị hợp lý 3.061 tỷ đồng tại cuối năm. So với đầu năm, giá trị đầu tư đã tăng 17%, tương ứng với hơn 436 tỷ đồng. Danh mục bao gồm 2.301 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết, 33 tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết, 284 tỷ đồng chứng chỉ quỹ và 443 tỷ đồng trái phiếu. Bảo Việt đang trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán số tiền 206 tỷ đồng, giảm 1/3 so với đầu năm (300 tỷ đồng).

Thuyết minh báo cáo tài chính quý IV của Bảo Việt cho thấy danh mục gần như không có thay đổi thành phần đáng kể sau 1 năm. Nắm giữ cuối kỳ nhiều nhất vẫn tại 3 cổ phiếu niêm yết gồm VNR, CTG và VNM với tổng giá trị gần 970 tỷ đồng.

Trong đó, Vinare (Mã: VNR) cũng là đơn vị ngành bảo hiểm (kinh doanh tái bảo hiểm), với vốn điều lệ hiện đạt 1.507 tỷ đồng. Bảo Việt, Quỹ Đầu tư giá trị Bảo Việt (BVIF), Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh (Mã: BMI) đều là cổ đông lớn nắm giữ lần lượt 8,3% vốn, 7,3% vốn và 5,9% vốn tại VNR.

Các chứng chỉ quỹ nắm giữ đa số do Bảo Việt Fund (công ty con) quản lý (BVPF, BVBF, BVFED). Bên cạnh đó, tại cuối năm, vốn góp trực tiếp của tập đoàn vào Quỹ Đầu tư Giá trị Bảo Việt (BVIF) đạt 1.000 tỷ đồng (100% vốn). 

 Phân bổ danh mục đầu tư của Bảo hiểm Bảo Việt tại cuối 2023. Nguồn: BCTC quý IV của Bảo hiểm Bảo Việt.

Danh mục đầu tư của công ty bảo hiểm phi nhân thọ phân hóa

Ở diễn biến khác, nhóm bảo hiểm phi nhân thọ ghi nhận phân hóa về thay đổi danh mục năm 2023. Các đơn vị gia tăng giá trị sau 1 năm gồm Bảo Minh, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (Mã: BHI), Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (Mã: BIC). Trong khi đó, PVI (Mã: PVI), Bảo hiểm Petrolimex (Mã: PGI), Bảo hiểm Bảo Long (Mã: BLI) thu hẹp.

Xét 6 đại diện nêu trên, chứng khoán kinh doanh cuối năm đạt tổng cộng khoảng 1.600 tỷ đồng, giảm 29% so với mức 2.300 tỷ đồng vào đầu năm. Con số giảm đáng kể chủ yếu đến từ PVI (giảm 55%).

Giá trị chứng khoán kinh doanh cuối kỳ của một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC.

Danh mục cuối năm 2023 của PVI bao gồm cổ phiếu và trái phiếu, có tổng giá trị hợp lý 746 tỷ đồng; công ty đang trích lập dự phòng giảm giá 37 tỷ đồng.

PVI có 2 công ty con trong lĩnh vực quỹ gồm Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI (POF) và Quỹ Đầu tư Hạ tầng PVI (PIF). Số vốn góp của POF và PIF tại cuối 2023 là 2.000 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng, trong đó, PVI chiếm gần 1.350 tỷ đồng (tỷ lệ 41,4% tại PIF và 34,7% tại POF).

Giá trị đầu tư của Bảo hiểm BIDV tăng 58% so với cuối năm 2022. Đơn vị này không thuyết minh cụ thể tại báo cáo quý IV. Theo báo cáo soát xét bán niên, danh mục thời điểm 30/6/2023 trị giá 573 tỷ đồng đang tập trung nhất vào các mã FPT, VCB, VNM, VNR, PLX, CTG, SAB, IDC, ACV... và trái phiếu MBBL22229010.

Danh mục đầu tư của Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội gấp đôi so với đầu năm và tăng 33% so với thời điểm cuối tháng 6/2023. Trước đó tại thời điểm 30/6, công ty chủ yếu nắm cổ phiếu VIF (165 tỷ đồng) và POW (15 tỷ đồng), ngược lại đã thoái toàn bộ HPG, MBB, TCH với giá gốc 78 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm.

Loạt công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh thời điểm cuối 2023, trong đó Bảo Minh (42 tỷ đồng), Bảo hiểm BIDV (26 tỷ đồng), các đơn vị còn lại Bảo hiểm Petrolimex, Bảo hiểm Bảo Long, Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội trích lập số tiền 0-4 tỷ đồng.

Xem thêm tại vietnambiz.vn