Doanh nghiệp đóng cửa, khách hàng ngậm đắng ở chung cư 13 năm xây được 9 tầng

LTS: Trong khi quỹ đất ngày càng khan hiếm, nhu cầu nhà ở nhiều, nguồn cung trong vài năm qua hạn chế thì tại nhiều TP lớn như Hà Nội, TP.HCM... không ít các dự án chung cư, khu đô thị được đầu tư xây dựng lại rơi vào cảnh chậm tiến độ “đắp chiếu” dở dang. Hàng trăm khách hàng đã đóng tiền vào các dự án trên nhưng chưa thể nhận nhà trong suốt nhiều năm. Tài nguyên đất bị lãng phí, công trình “đắp chiếu” dở sống dở chết làm nhếch nhác bộ mặt đô thị…

Tuyến bài Hồi sinh những dự án nhà ở đắp chiếu của VietNamNet ghi nhận thực tế cũng như ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cơ quan quản lý... với mong muốn tìm lối ra cho những dự án đắp chiếu này.

13 năm xây được 9 tầng

Tháng 11/2023, CTCP Đầu tư PVR Hà Nội (tiền thân là CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam - PVR), nhận được giấy xác nhận từ Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội về việc tạm ngừng kinh doanh 1 năm. Lý do để doanh nghiệp sắp xếp lại nhân sự và tìm hướng kinh doanh mới.

PVR là doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án CT10 -11 Văn Phú (tên thương mại là dự án Hanoi Time Tower).

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích hơn 7.000m2, gồm 39 tầng nổi và 3 tầng hầm.

Trước đó, HĐQT PVR đã thông báo về việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh với lý do bị phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng theo quyết định của tòa án và năm 2023, doanh nghiệp không có kinh phí để duy trì hoạt động. Dự kiến năm 2024, PVR vẫn chưa có tiền để khôi phục hoạt động.

W-hanoi-time-towers-vietnamnet-1-1.jpg
Toàn cảnh dự án Hanoi Time Tower sau 13 năm triển khai xây dựng. Ảnh: Minh Hoàng

Theo phản ánh của khách hàng mua căn hộ, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2010 đến năm 2012, công ty này đã thực hiện các giao dịch liên quan đến dự án Hanoi Time Tower với khách hàng thông qua 3 hợp đồng là hợp đồng mua bán căn hộ, hợp đồng góp vốn và thỏa thuận đặt cọc.

Theo hợp đồng góp vốn, chậm nhất đến cuối 2013, chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà cho khách hàng. Theo hợp đồng mua bán thì chậm nhất đến cuối 2014, khách hàng sẽ được nhận bàn giao nhà.

Chị T.H. - một khách hàng - cho biết, năm 2012, gia đình chị đã đóng 1 tỷ đồng cho 2 căn hộ. Nhưng đến nay, dự án vẫn “đắp chiếu” không biết ngày về đích.

Ghi nhận tại công trường, dự án vẫn dở dang ở tầng 9 và bất động.

Liên quan đến tiến độ thực hiện dự án, tại báo cáo thường niên năm 2022, PVR cho hay, dự án được triển khai xây dựng từ năm 2010 và theo dự kiến sẽ bàn giao trong năm 2014. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn tạm dừng thi công.

Lý do là bởi PVR không thể thu xếp được nguồn lực tài chính do một số cổ đông cũ có liên quan đến Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank), dẫn đến dự án không thể thế chấp tại các tổ chức tín dụng để vay vốn.

Cũng theo công ty, việc khách hàng không tiếp tục nộp tiền, dự án thi công không đúng với quy hoạch được duyệt, chưa được thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy cũng khiến việc tiếp tục triển khai dự án gặp khó khăn.

Khách hàng có nên khởi kiện?

Theo tìm hiểu của PV. VietNamNet, tháng 8/2022, PVR đã có văn bản gửi đến khách hàng. Doanh nghiệp thông báo dự án Hanoi Time Tower chưa biết khi nào mới tái khởi động vì đang gặp rất nhiều khó khăn, như khách hàng ngừng đóng tiền, công ty không có kinh phí còn nguồn vốn tự có đã sử dụng hết vào việc thi công dự án đến tầng 9 như hiện tại.

Bên cạnh đó, UBND quận Hà Đông đã có văn bản đình chỉ hoạt động thi công xây dựng do có đơn khiếu kiện của một số nhà thầu thi công và khách hàng mua căn hộ tại dự án.

Sau một thời gian đàm phán, CTCP MHD Hà Nội đồng ý nhận chuyển đổi hợp đồng mua bán căn hộ chung tại dự án Hanoi Time Tower của khách hàng đã ký với PVR.

370258833 1102254617878976 6575325056802206824 n.jpg
Dự án đắp chiếu nhiều năm. Ảnh: Minh Hoàng

Điều kiện là khách hàng sẽ ký hợp đồng mua căn hộ chung cư tại dự án MHD Trung Văn theo giá mà MHD Hà Nội đang bán trên thị trường.

Quay lại thời điểm mở bán hơn 10 năm trước, các căn hộ tại dự án Hanoi Time Tower có giá bán trung bình khoảng 22 triệu đồng/m2.

Khách hàng Đ.Q. cho hay, giá căn hộ tại tháp A ông mua theo hợp đồng ký vào tháng 4/2012 là 21,5 triệu đồng/m2.

“Nếu so sánh với dự án Hanoi Time Tower, giá bán trung bình căn hộ tại dự án MHD Trung Văn cao hơn tới 14 triệu đồng/m2. Mức chênh quá cao khiến nhiều khách hàng mua căn hộ tại Hanoi Time Tower khó có thể đáp ứng”, ông Q. nói.

Vì vậy, việc chuyển đổi hợp đồng cũng lâm vào bế tắc. Doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động kinh doanh khiến nhiều khách hàng hoang mang khi "chôn" tiền tỷ ở dự án.

Trong báo cáo tài chính năm 2023, PVR thông tin đang tìm đối tác để chuyển nhượng dự án.

Trước việc PVR đã tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ 15/11/2023 đến 14/11/2024, trao đổi với VietNamNet, luật sư Nguyễn Hữu Toại, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hừng Đông, cho hay, theo luật doanh nghiệp có quyền được tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Thậm chí, sang năm có thể tiếp tục ra thông báo tạm ngừng vì luật không hạn chế thời gian tạm ngừng hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, luật sư đánh giá, công ty đã tạm ngừng kinh doanh thì nguy cơ rủi ro là rất lớn.

“Thực tế, doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động kinh doanh thì rất khó có thể tái hoạt động. Doanh nghiệp phải có tiền, có giao dịch thì các đơn vị thi công, nhà thầu mới thực hiện dự án. Nhưng giờ tài khoản bị phong toả thì gần như chắc chắn dự án sẽ không thể triển khai được” - luật sư Toại phân tích.

Về phía khách hàng mua nhà tại dự án, theo luật sư, trường hợp này có nhiều rủi ro. Nếu doanh nghiệp không có tài sản thì người dân dễ đi vào “ngõ cụt”.

“Quy định của pháp luật cho phép người dân có quyền khởi kiện đối với doanh nghiệp. Tôi cho rằng, thời điểm này, các chủ nợ - ở đây là người mua nhà nên làm việc, tham vấn ý kiến của luật sư để xem xét về năng lực tài chính, đưa ra lộ trình phù hợp, kể cả việc khởi kiện dân sự yêu cầu toà án tuyên bố phá sản doanh nghiệp để giải quyết quyền lợi của mình” - luật sư Toại nói.

Theo báo cáo tài chính năm 2023 của PVR, trong năm này, các khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác của công ty chưa đem lại hiệu quả. Bên cạnh đó, nguồn vốn để thực hiện các dự án gặp khó khăn dẫn đến một số dự án của công ty bị chậm tiến độ so với kế hoạch xây dựng ban đầu khiến công ty lỗ liên tục trong nhiều năm, dòng tiền âm và nhiều khoản nợ quá hạn...
Năm qua, công ty không thực hiện được hoạt động kinh doanh nào mang lại doanh thu. Do không có nguồn kinh phí chi trả lương nên đến nay, toàn bộ cán bộ nhân viên đã xin nghỉ việc.
Báo cáo tài chính quý III/2023 cho thấy, PVR không ghi nhận doanh thu trong khi vẫn phải trả chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp ghi nhận lỗ 77 triệu đồng trong kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2023, PVR lỗ 79 tỷ đồng.
Ngoài ra, PVR còn chịu rủi ro khi dự án Khu du lịch quốc tế Tản Viên bị thu hồi.

Dự án "đất vàng" Hanoi Time Tower đi về đâu khi chưa kịp triển khai doanh nghiệp đã dừng hoạt động?

Xem thêm tại nguoiquansat.vn