Doanh nghiệp hôm nay: Bất ngờ thế lực đứng sau Mỹ Thủy - chủ đầu tư dự án cảng 14.000 tỷ

Ngày 23/2 vừa qua UBND tỉnh Quảng Trị đã kiểm tra công tác thực địa để chuẩn bị thi công cảng nước sâu Mỹ Thủy. Huyện Hải Lăng báo cáo đã giải phóng mặt bằng 124/133ha giai đoạn 1 của dự án. Ông Lê Đức Thịnh - Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cam kết đến ngày 15/3 sẽ bàn giao 133ha mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.

Dự án đình đám, nhiều lần trễ hẹn

Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy có quy mô diện tích lập quy hoạch là 685 ha, bố trí 10 bến cảng được phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 1/2019. Tổng vốn đầu tư 14.235 tỷ đồng. Chủ đầu tư là CTCP Liên danh cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP).

Quy hoạch khu bến cảng rất hiện đại nhằm tiếp nhận được tàu container cỡ lớn 100.000 DWT, tàu hàng rời 100.000 DWT, tàu tổng hợp 50.000 DWT. Công suất trung bình mỗi bến khoảng 3 triệu tấn/năm. Ngoài ra còn quy hoạch các bến cho tàu công vụ...

>> Cảng biển 14.000 tỷ đồng tại Quảng Trị 'lỡ hẹn' 4 năm, đã ấn định ngày khởi công

Theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn 1 từ năm 2018-2025 sẽ đầu tư 4 bến, diện tích 133,67ha tại xã Hải An (huyện Hải Lăng) với tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2 từ năm 2026-2031 đầu tư 3 bến với số vốn gần 5.000 tỷ đồng; và giai đoạn 3 từ 2032-2036 đầu tư 3 bến có số vốn trên 4.300 tỷ đồng.

Phối cảnh dự án cảng Mỹ Thủy

Ngày 27/2/2020, MTIP làm lễ khởi công dự án, nhưng sau đó thì dự án rơi vào cảnh án binh bất động.

Là dự án trọng điểm của tỉnh, lại rơi vào cảnh chậm tiến độ, đắp chiếu gần 3 năm trời, UBND tỉnh Quảng Trị đã liên tục đốc thúc và đưa ra cảnh báo thu hồi dự án đối với nhà đầu tư.

Tháng 12/2022, sau 3 năm hối thúc, UBND tỉnh Quảng Trị đưa ra “Tối hậu thư”, yêu cầu MTIP sớm hoàn thành việc thẩm định thiết kế cơ sở trong tháng 12 để triển khai thi công dự án chậm nhất trong tháng 1/2023. Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu nhà đầu tư MTIP tổ chức thi công dự án chậm nhất trước ngày 31/7/2021.

Tuy vậy, dự án tiếp tục “trễ hẹn” và đến nay, 4 năm sau ngày khởi công, dự án lại có “động tĩnh” mới.

>> Dự án cảng Mỹ Thủy hơn 14.000 tỷ "vướng" đủ đường, khó thi côngDự án cảng Mỹ Thủy hơn 14.000 tỷ "vướng" đủ đường, khó thi công

Chủ đầu tư dự án, CTCP Liên danh cảng quốc tế Mỹ Thủy, thành lập tháng 1/2015 với vốn điều lệ đăng ký 500 tỷ đồng. Danh sách cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH Đầu tư phát triển dịch vụ xây dựng Việt Nam (350 tỷ đồng - 70%); Công ty TNHH phát triển khoáng sản Duy Tân (125 tỷ đồng - 25%) và ông Trần Khánh Hưng (25 tỷ đồng - 5%). Công ty ban đầu do ông Nguyễn Minh Tân làm Tổng Giám đốc.

Một năm sau ngày thành lập, Cảng quốc tế Mỹ Thủy đón Tổng Giám đốc người Hàn Quốc, ông Cho Gilhyung. Ông Cho Gilhyung cũng là Tổng Giám đốc tại Công ty mẹ - cổ đông sáng lập sở hữu cổ phần lớn nhất tại Mỹ Thủy.

Đáng chú ý, bản thân công ty Mỹ Thủy cũng không mấy suôn sẻ trong quá trình hoạt động. Gần 3 năm sau ngày thành lập, cổ đông Công ty Khoáng sản Duy Tân đã không góp vốn theo cam kết, khiến Mỹ Thủy phải điều chỉnh giảm vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng xuống còn 375 tỷ đồng.

Cuối năm 2017 Mỹ Thủy nâng vốn điều lệ từ 375 tỷ đồng lên 750 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông ghi nhận công ty Xây dựng Việt Nam vẫn nắm 70%; còn số cổ phần ông Trần Khánh Hưng nắm giữ giảm xuống còn 2% và chuyển nhượng sang 1 cá nhân khác là bà Trần Mai Chi.

Tháng 8/2018 công ty tăng vốn điều lệ lên 2.250 tỷ đồng, trong đó Công ty xây dựng Việt Nam góp 1.575 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ 70%; bà Mai Chi giảm tiếp tỷ lệ sở hữu xuống 0,66% (không góp thêm vốn). Tổng Giám đốc sau đó liên tục bị thay đổi. Mới đây nhất, tháng 12/2023 ông Dương Viết Roãn lên tiếp nhận ghế nóng.

Cổ đông lớn của Mỹ Thủy - Công ty TNHH Đầu tư phát triển dịch vụ xây dựng Việt Nam có vốn điều lệ vỏn vẹn 100 tỷ đồng, thành lập tháng 5/2009 do ông Cho Gilhyung làm Giám đốc. Cơ cấu cổ đông ban đầu có ông Jung Tae Sung góp 49 tỷ đồng (49%); bà Đặng Thị Gầm góp 41 tỷ đồng (41%) và ông Nguyễn Quang Huy góp 10 tỷ đồng (10%).

Tháng 1/2022, cổ đông Jung Tae Sung chuyển cổ phần sang cho bà Lã Thị Lụa (29%) và bà Đặng Thị Du (20%).

Dự án cảng Mỹ Thủy khởi công năm 2020 rồi "án binh bất động"

Sự xuất hiện âm thầm của Sam Holdings tại Mỹ Thủy

Liên quan đến Mỹ Thủy, năm 2022 CTCP Sam Holdings (mã chứng khoán SAM) cho biết đã mua sở hữu đến 36% vốn cổ phần tại công ty Mỹ Thủy. Sam Holdings ghi nhận thời điểm tháng 1/2022 vốn điều lệ thực góp của Mỹ Thủy chỉ hơn 598,35 tỷ đồng. Ngày 10/1/2022 Sam Holdings đã mua 2.154.083 cổ phần của Mỹ Thủy (cổ phần có mệnh giá 100.000 đồng), giá trị theo mệnh giá hơn 215,4 tỷ đồng. Giá phí đầu tư cho thương vụ là gần 127,28 tỷ đồng.

Đến tháng 2/2022 khi Mỹ Thủy nâng vốn điều lệ lên 2.250 tỷ đồng, SAM Holdings đã góp đủ theo tỷ lệ sở hữu 36%. Mỹ Thủy trở thành công ty liên kết.


BCTC năm 2022 ghi nhận tổng giá trị đầu tư vào Mỹ Thủy gần 720 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nắm giữ 36%. Tuy vậy BCTC quý IV/2023 ghi nhận khoản đầu tư này giảm nhẹ về mức 671 tỷ đồng. Không chỉ đầu tư mua cổ phần, năm 2022 SAM Holdings còn mạnh tay chi tiền cho Mỹ Thủy vay gần 38 tỷ đồng trong năm, số này cũng đã được trả lại 36,1 tỷ đồng ngay trong năm.

>> Sam Holdings (SAM): Dự án cảng biển hơn 14.000 tỷ chốt ngày thi công sau 4 năm 'đắp chiếu'

Nói là sự xuất hiện “âm thầm” của SAM Holdings cũng không sai, bởi thông tin từ cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp chưa ghi nhận tên cổ đông SAM Holdings tại Mỹ Thủy. Tuy vậy dấu ấn của SAM Holdings đã xuất hiện, tháng 1/2022, ông Nguyễn Minh Tùng lên làm Tổng Giám đốc thay cho ông Cho GilHyung; ông Tùng là “sếp” của SAM Holdings.


Đổ tiền vào dự án quy mô chục nghìn tỷ “đắp chiếu” mấy năm, SAM Holdings đang có những gì?

SAM Holdings tiền thân là CTCP Đầu tư và phát triển Sacom, ban đầu hoạt động trong mảng dây cáp điện, là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE.

Hiện công ty có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh đã mở rộng ra 5 lĩnh vực gồm: cáp và dây cáp, bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, nông lâm nghiệp và đầu tư tài chính.

Về các dự án đầu tư: Ngoài Khu Mỹ Thủy quy mô 14.000 tỷ đồng đã đắp chiếu từ mấy năm nay, SAM Holdings còn có những dự án “đình đám” khác và cũng đang ở tình trạng “bị thúc” tiến độ như dự án Sacom Tuyền Lâm có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Dự án Sacom Tuyền Lâm phân khu chức năng số 7 và 8, khu du lịch hồ Tuyền Lâm (Sacom Tuyền Lâm) do công ty con của SAM Holdings là CTCP Sacom Tuyền Lâm làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 194,92ha.

>> Thông tin mới nhất về dự án hơn 2.000 tỷ đồng tại hồ nhân tạo lớn nhất thành phố Đà Lạt

Trước đó năm 2023 Sacom Tuyền Lâm có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị được chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc phân khu chức năng số 7, 8, khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm. Vị trí xin chuyển đồi là khu rừng thông ba lá, nằm tại một phần trong các tiểu khu 162B, 266B, TP Đà Lạt và tiểu khu 268, thuộc xã Hiệp An, huyện Đức Trọng. Các vị trí này nằm trong phạm vi ranh giới, diện tích đất công ty được thuê để thực hiện dự án. Theo quy hoạch trước đó, khu vực này là đất rừng phòng hộ môi trường cảnh quan thành phố Đà Lạt.

BCTC của Sam Holdings ghi nhận đến 30/6 doanh nghiệp cũng đã đổ hơn 250 tỷ đồng vào xây dựng cơ bản dở dang ở hồ Tuyền Lâm.

Phối cảnh một góc dự án hồ Tuyền Lâm

Sam Holdings còn có loạt dự án đang xây dựng dở dang, trong đó đã rót hơn 530 tỷ đồng vào Chung cư Samland Riverside; rót 135 tỷ đồng vào dự án khu công nghiệp Tam Thăng 2; 128 tỷ đồng vào dự án nông nghiệp công nghệ cao; 134 tỷ đồng vào dự án khu dân cư xã Long Tân và xã Phú Hội… Tổng chi phí đầu tư xây dựng dở dang hơn 1.200 tỷ đồng.

Dự án Samland Riverside cũng đã trễ hẹn nhiều năm so với kế hoạch. Lãnh đạo công ty từng giải thích do liên quan tới đất công ở TP. HCM bị dừng lại, công ty đang tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Dự án dừng thi công, cũng từng khiến nhiều người mua bức xúc.

Dàn trải đầu tư xây dựng, nhưng giá trị hàng tồn kho chưa đến 500 tỷ đồng, trong đó chỉ chưa đến 138 tỷ đồng là giá trị hàng thành phẩm; 232 tỷ đồng là nguyên vật liệu…

Kinh doanh ảm đạm: Năm 2017-2020 là “thời hoàng kim” khi lợi nhuận trên trăm tỷ đồng, doanh thu cao nhất năm 2018, đạt gần 2.900 tỷ đồng. Còn lãi sau thuế kỷ lục ở năm 2021 với 160 tỷ đồng.

Hai năm gần đây 2022 và 2023 lợi nhuận của SAM Holdings bốc hơi nghiêm trọng, quanh mức 7 tỷ đồng năm 2022 và đạt 34 tỷ đồng năm 2023 dù doanh thu vẫn duy trì trên 2.000 tỷ đồng.

Không có cổ đông lớn: Là một doanh nghiệp bất động sản tham gia nhiều dự án đình đám quy mô lớn, nhưng SAM Holdings đang khiến các nhà đầu tư không yên tâm khi doanh nghiệp không có cổ đông lớn, hoặc đúng hơn là cổ đông lớn đã “tháo chạy”.

Tháng 2/2023 Chứng khoán Quốc Gia (NSI), đơn vị có liên quan tới “sếp lớn”, Chủ tịch HĐQT Sam Holdings, ông Hoàng Lê Sơn, bán hết gần 8,9 triệu cổ phiếu SAM đang sở hữu ở ngay vùng đáy.

Ngoài việc không có cổ đông lớn, bất ngờ hơn, tại SAM Holdings, hầu như toàn bộ lãnh đạo, người nhà và các công ty liên quan đều không nắm giữ cổ phiếu SAM nào. Sự việc càng “lạ” khi dàn lãnh đạo lại khá “nổi tiếng” trên thương trường với nhiều tên tuổi quen thuộc.

Những vị lãnh đạo nổi tiếng gắn liền với SAM Holdings khá nhiều, trong đó ông Đỗ Văn Trắc, cựu Phó Chủ tịch, được xem là người gắn bó lâu nhất, khoảng 16 năm, và miễn nhiệm vào năm 2017.

Từ năm 2017, dàn lãnh đạo của SAM Holdings có thêm sự hiện diện của ông Đào Ngọc Thanh - một doanh nhân nổi tiếng trong giới bất động sản. Tuy vậy sự gắn bó của ông Đào Ngọc Thanh ở cương vị Phó Chủ tịch công ty cũng chỉ được gần 2 năm, đến tháng 10/2018.

Hiện tại, SAM Holdings đang hoạt động dưới sự lãnh đạo của ông Hoàng Lê Sơn, Chủ tịch HĐQT. Đáng chú ý, dù Chứng khoán Quốc gia (NSI) đã thoái hết vốn tại SAM Holdings, nhưng vẫn có những “điểm chung”. Ông Trần Việt Anh đang là lãnh đạo của cả SAM Holdings và NSI.

>> Lần thứ 6 liên tiếp, SAM Holding bảo lãnh vay 5 triệu USD cho công ty con

Xem thêm tại nguoiquansat.vn