Doanh nghiệp lãi nghìn tỷ nhờ cơ cấu nợ

Giao dich Tien Coc tien 1

Nhiều doanh nghiệp báo lãi đột biến nhờ cơ cấu nợ. Ảnh minh họa: Trọng Hiếu

Lãi đột biến nhờ cơ cấu nợ

Theo BCTC quý IV/2023, nhiều doanh nghiệp ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến nhờ được cơ cấu lại nợ.

Quý IV/2023, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG) báo cáo lãi ròng kỷ lục 1.007 tỷ đồng, gấp 4,2 lần cùng kỳ năm trước. Nhờ vậy, lãi ròng cả năm đạt 1.709 tỷ đồng, tăng 52% so với 2022.

Tuy nhiên, kết quả này không đến từ hoạt động kinh doanh chính là đến từ việc được miễn giảm lãi vay 1.425 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Eximbank (mã: EIB).

Trong tháng 12/2023, HAGL công bố đã thanh toán đủ số tiền 750 tỷ đồng cho Eximbank để tất toán các hợp đồng tín dụng, bao gồm nợ gốc 587 tỷ và phần nợ lãi trong hạn 163,2 tỷ đồng. Qua đó, công ty được giảm lãi 1.425 tỷ đồng.

Đây được coi là bước tiến lớn trong hoạt động cơ cấu nợ - vốn được tập đoàn đặt trọng tâm - trong thời gian qua. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch công ty quyết tâm trả sạch nợ vào 2026.

Tương tự, Công ty cổ phần phân Đạm và Hóa chất Hà Bắc (mã: DHB) bị lỗ hoạt động kinh doanh chính 153 tỷ đồng nhưng nhờ khoản lợi nhuận khác 1.803 tỷ đồng mà lãi sau thuế đạt 1.649 tỷ đồng, gấp 19,4 lần quý IV/2022. Nhờ vậy, công ty có lãi 861 tỷ đồng trong cả năm.

Nguyên nhân do công ty ghi nhận thu nhập từ đề án tái cơ cấu các khoản vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam 1.803 tỷ đồng trong quý cuối năm. Cụ thể, doanh nghiệp cho biết đề án tái cơ cấu các khoản nợ vay đầu tư tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã chính thức được Chính phủ phê duyệt. Nội dung cơ bản gồm, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay tại ngân hàng về mức 8,55% từ 1/1/2022, xóa nợ tính lãi trên nợ gốc quá hạn và nợ lãi tính trên nợ lãi chậm trả phát sinh chưa trả đến thời điểm 31/12/2022, kéo dài thời gian vay vốn thêm 8 năm (từ 1/10/2023 đến 30/9/2031), dừng tính lãi đối với nợ lãi chậm trả kể từ ngày 22/12/2023.

Hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần Vận tải Biển Vinaship (mã: VNA) sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2023 khi giá cước tàu lao dốc và tình hình xuất nhập khẩu giảm, lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 11 tỷ đồng. Vào quý cuối năm, công ty có khoản lợi nhuận khác lên đến 56 tỷ đồng giúp cả năm có lãi ròng 36 tỷ đồng.

Hằng năm, VNA vẫn ghi nhận hơn 20 tỷ đồng tỷ đồng vào mục thu nhập khác từ xử lý cơ cấu nợ đối với khoản vay các ngân hàng sau khi chuyển giao cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), riêng 2022 và 2023 tăng vọt lên 61,3 tỷ và 59 tỷ đồng.

Công ty mẹ của Vận tải biển Vinaship - Tổng công ty mẹ Hàng hải Việt Nam – VIMC (mã: MVN) cũng báo cáo được xóa, cơ cấu nợ với ngân hàng 175 tỷ đồng, góp phần giúp lợi nhuận sau thuế quý IV gấp 2,4 lần lên 419 tỷ đồng.

Xem xét kéo dài thời hạn Thông tư 02

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, dòng tiền bị siết chặt, NHNN đã ban hành Thông tư 02 vào cuối tháng 4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Thông tư có hiệu lực đến hết 30/6/2024.

Nhóm nghiên cứu của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đánh giá Thông tư 02 giúp các doanh nghiệp, bên vay (gồm cả vay tiêu dùng) giảm áp lực tài chính, áp lực trả nợ và nợ xấu khi được cơ cấu lại và không phải chuyển nhóm nợ. Đồng thời, bên đi vay tiếp tục được tiếp cận vốn vay mới (do được giữ nguyên nhóm nợ), qua đó có nguồn vốn duy trì sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Theo số liệu của bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, đến cuối năm 2023 đã có gần 188.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, tổng giá trị nợ gốc và lãi cơ cấu là trên 183.500 tỷ đồng.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 diễn ra ngày 20/2, lãnh đạo nhiều ngân hàng bày tỏ nếu Thông tư 02 hết hiệu lực vào 30/6 tới đây sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc trả nợ và mong nguốn NHNN gia hạn thêm.

Tiếp thu ý kiến, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho rằng cần thiết để xem xét gia hạn thêm Thông tư 02, nhưng gia hạn thêm 6 tháng hay 1 năm thì cần được xem xét kỹ.

Xem thêm tại nhadautu.vn