Đơn hàng từ 'ông lớn' tăng trở lại, kinh tế Việt Nam ghi dấu ấn bất ngờ
Xuất khẩu hồi phục
Hoạt động xuất khẩu trong tháng 1/2024 của Việt Nam bất ngờ tăng mạnh 42% so với cùng kỳ và được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng nhanh trong những tháng tới. Nhu cầu tăng cao cho các sản phẩm “Made in Vietnam” hứa hẹn hỗ trợ kinh tế phát triển mạnh. Niềm tin của người tiêu dùng và nhu cầu tiêu dùng nội địa sẽ hồi phục sau khi suy yếu trong năm 2023.
Đây là nhận định của ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital.
Năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, xuất khẩu khởi sắc và tiếp tục đà tăng vào quý IV/2023, tăng mạnh tới 42% tháng 1/2024 so với cùng kỳ nhờ mức tăng 33% của xuất khẩu sản phẩm điện tử công nghệ cao (chiếm 1/3 tổng xuất khẩu của Việt Nam).
Trong năm 2023, Việt Nam ghi nhận xuất khẩu giảm là do doanh nghiệp Mỹ trước đó đã đặt hàng quá nhiều các sản phẩm “Made in Vietnam” trong thời điểm gián đoạn chuỗi cung ứng do COVID-19 và phải cắt giảm đơn hàng vào năm ngoái để giảm lượng hàng tồn. Tuy nhiên, xu hướng này sắp kết thúc nhờ hàng tồn kho giảm nhanh nhất trong hơn 10 năm.
Vì vậy, đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trở lại trong tháng 1/2024.
Điều tương tự cũng diễn ra ở Trung Quốc, khi các đơn đặt hàng mới cải thiện đáng kể.
VinaCapital kỳ vọng, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trong các tháng tới nhờ sự mạnh mẽ đáng kinh ngạc của nền kinh tế Mỹ.
Sự tăng trưởng mạnh của xuất khẩu Việt Nam trong tháng 1/2024 còn là do mức tăng gần 60% so với cùng kỳ trong mảng xuất khẩu máy tính và sản phẩm điện tử. Doanh thu điện thoại thông minh toàn cầu cũng tăng trưởng trở lại vào cuối năm 2023, lần đầu tiên trong 2 năm, dù mảng máy tính hồi phục không rõ rệt. Xuất khẩu điện thoại thông minh của Việt Nam tăng 16% nhờ sự kiện mở bán mẫu điện thoại Samsung S24 mới trong tháng.
Một lý do khác giúp số liệu về xuất khẩu của Việt Nam tháng 1/2024 tăng mạnh hơn cùng kỳ là bởi tháng 1 năm nay có nhiều ngày làm việc hơn so với tháng 1/2023 (do Tết Nguyên đán diễn ra từ 21-27/1/2023).
Kinh tế và chứng khoán sẽ tăng tốc
Trong tháng 1/2024, ngành sản xuất tăng 19,3% so với cùng kỳ. Như vậy, có thể thấy, tăng trưởng xuất khẩu vượt xa tăng trưởng sản xuất. Điều đó có nghĩa, hàng tồn kho của các nhà sản xuất đã giảm vào tháng trước (chỉ số PMI của Việt Nam vào tháng 1/2024 cũng xác nhận sự sụt giảm tồn kho hàng thành phẩm).
Sự kết hợp của sụt giảm hàng tồn kho và tăng đơn hàng mới đồng nghĩa với hoạt động sản xuất của các nhà máy tại Việt Nam cần đẩy mạnh để đáp ứng được nhu cầu tăng cao cho các sản phẩm “Made in Vietnam”.
Sản xuất chiếm gần 25% GDP của Việt Nam, việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP. Thêm vào đó, gần 10% lực lượng lao động của Việt Nam đang làm việc cho các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với mức lương tương đối cao.
Theo Tổng cục Thống kê, các công ty FDI đã cắt giảm nhân công vào đầu năm 2023, một lý do khiến GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,3% trong quý I/2023. Tuy nhiên, lao động trong ngành sản xuất đã phục hồi sau đợt cắt giảm năm ngoái. Lương nhân công nhà máy cũng hồi phục 5-7% sau khi chạm đáy vào năm 2023.
Vì vậy, năm nay, nền kinh tế sẽ được thúc đẩy từ việc tăng cường hoạt động sản xuất và mức tiêu dùng cao hơn, được hỗ trợ bởi việc gia tăng việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Niềm tin của người tiêu dùng và nhu cầu tiêu dùng nội địa, những điểm yếu trong năm 2023, sẽ hồi phục.
Ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Kiến Thiết CSI, cho rằng, xuất khẩu tăng mạnh trong tháng 1/2024 là do nền thấp năm trước, nhưng triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tươi sáng hơn trong cả năm 2024 khi nhiều dự báo các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ hồi phục, không rơi vào suy thoái.
Theo ông Kháng, xuất khẩu tăng cũng chưa hẳn đã kéo sản xuất tăng nhanh vì trong kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam nhóm FDI chiếm tới 70%. Nhưng nhìn chung, tăng trưởng kinh tế và cả thị trường chứng khoán trong năm 2024 sẽ tích cực hơn.
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc Môi giới CTCP Chứng khoán Nhất Việt, cũng đánh giá, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tích cực trong năm 2024 nhờ sức cầu hồi phục từ các nền kinh tế lớn. Tăng trưởng kinh tế và TTCK của Việt Nam cũng sẽ tươi sáng hơn năm vừa qua.
Với TTCK, ông Michael Kokalari kỳ vọng nhà đầu tư trong nước sẽ rót tiền nhiều hơn trong quý I và cả năm nay 2024 do lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức thấp. Bên cạnh đó, sự hồi phục kinh tế đang diễn ra trên diện rộng, qua đó sẽ thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp - đặc biệt là ngành ngân hàng và các công ty tiêu dùng.
Theo chuyên gia VinaCapital, định giá TTCK đang ở mức rất hấp dẫn, với chỉ số VN-Index đang giao dịch ở mức 10x cho năm tài chính 2024, dưới gần 2 lần độ lệch chuẩn so với P/E trung bình 5 năm và thấp hơn định giá của các thị trường mới nổi cùng khu vực 25%.
Thêm vào đó, ngành bất động sản cần nhiều thời gian hơn để phục hồi do phải chờ đợi các biện pháp giải quyết các vấn đề của thị trường. Vì thế, TTCK vẫn là kênh hấp dẫn nhất để người dân rót tiền trong thời gian tới.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn