Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cần cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp trong nước

Doanh nghiệp trong nước được ưu tiên tối đa

Tại cuộc tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao - Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt”, ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho rằng quan điểm của Đảng, Chính phủ là ưu tiên tối đa cho doanh nghiệp trong nước trên tất cả các lĩnh vực, từ tư vấn, thi công xây lắp, đến sản xuất vật liệu; công nghiệp đường sắt...

“Chính sách đã có, còn sự sẵn sàng của doanh nghiệp thế nào? Nếu đáp ứng đủ thì đương nhiên sẽ tham gia. Theo tính toán, sẽ cần khoảng 240 nghìn công nhân kỹ thuật cho thi công xây lắp hạ tầng và một số chuyên ngành đặc thù, 13.800 nhân lực vận hành và khoảng 2.000 chuyên gia tư vấn. Do đó, có thể thấy nhu cầu nhân lực là vô cùng lớn”, ông Phương nói.

ga đường sắt tốc độ cao
Doanh nghiệp trong nước được ưu tiên tối đa.

Về tài chính, ông Phương cho hay không thể chia nhỏ gói thầu, trong khi khảo sát cho thấy chỉ có ít doanh nghiệp vài nghìn tỷ. Đây cũng là bài toán cần giải quyết.

Ông Trần Cao Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung bày tỏ rằng vấn đề lớn nhất về sự liên kết của các nhà thầu.

"Mỗi nhà thầu có thế mạnh riêng nhưng chưa bao giờ ngồi lại, chia sẻ với nhau về thế mạnh riêng của mình. Do đó, trong dự án lớn như thế này, việc ngồi lại xem xét thế mạnh và cùng liên kết tham gia là rất cần thiết", ông Sơn nói.

Về cơ chế chính sách đối với nhà thầu tham gia dự án, ông Sơn cũng băn khoăn rằng doanh nghiệp phải huy động nguồn vốn lớn để tham gia, liệu có cơ chế chính sách nào để tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng khi chưa biết trước mắt thắng thua như thế nào? Có ưu đãi gì để doanh nghiệp dễ dàng thực hiện dự án này hơn?

Ông Văn Hồng Tuân, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cienco4 cũng đánh giá dự án đường sắt tốc độ cao là cơ hội và thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt nói chung. Do đó, để triển khai dự án “biểu tượng” này, cần có cơ chế đặc thù cho các doanh nghiệp tham gia.

“Mong rằng cơ quan quản lý có thể chia sẻ với các doanh nghiệp tham gia dự án này có thể có được cơ chế, đặc thù nào để các doanh nghiệp nắm bắt và nâng tầm doanh nghiệp”, ông Tuân nêu.

Lo ngại doanh nghiệp Việt khó tham gia đấu thầu

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết trong dự án đường sắt tốc độ cao, khối lượng xây lắp rất lớn, chiếm đến hơn 33 tỷ USD. Tại Việt Nam chưa bao giờ thực hiện một dự án nào có vốn và quy mô lớn như dự án đường sắt tốc độ cao.

Ông Hiệp cho rằng dự án đường sắt tốc độ cao có tốc độ 350km/giờ đòi hỏi mức độ khác hơn về công nghệ, do đó không thể chủ quan. Các nhà thầu Việt Nam cần ý thức đây là một trận địa công nghệ mới cần học hỏi, tiếp thu các kiến thức tiên tiến nhất về xây dựng để ứng dụng.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam không chỉ kết nối các đô thị lớn mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho các tỉnh thành dọc tuyến
Lo ngại doanh nghiệp Việt khó tham gia đấu thầu.

Về mặt chính sách, ông Hiệp cho hay theo Luật Đấu Thầu, khi lựa chọn nhà thầu có căn cứ xác định năng lực nhà thầu phải từng thực hiện 1-2 công trình ở mức độ quy mô tương đương. Tuy nhiên, đường sắt tốc độ cao là công trình đầu tiên tại Việt Nam. Nếu xét theo tiêu chí này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó tham gia đấu thầu.

“Như thời điểm làm công trình tòa nhà Landmark 81 ở Sài Gòn của Vincom cách đây 7-8 năm, lúc đó chưa có nhà thầu nào tại Việt Nam đạt tiêu chí đã từng thực hiện toà nhà 80 tầng. Tuy nhiên, Vincom vẫn quyết định chọn Coteccons nhờ đánh giá năng lực nhà thầu này có thể đảm đương được và quả thật dự án vẫn thành công. Cơ quan quản lý cần xem xét lại cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt phát huy khả năng của mình”, ông Hiệp nói.

Ông Hiệp tự tin khẳng định với năng lực, trình độ, các doanh nghiệp Việt hiện nay hoàn toàn có thể đảm đương được về mặt công nghệ, thi công. Vấn đề cần quan tâm chỉ là nguồn nhân lực lao động.

Ông Nguyễn Duy Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Trung Chính cho hay phần từ ray trở xuống là thi công móng, bệ, thân, dầm. Với thông tin 60% là cầu, tương đương 924km cầu thì những công nghệ này Việt Nam có thể thi công được. Vấn đề là làm sao nhà thầu trong nước hợp tác, liên kết lại để thực hiện dự án.

Đại tá Phan Phú, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) cũng trăn trở về sự hợp tác giữa các doanh nghiệp giao thông trong nước.

“Chúng tôi mong rằng đứng trước cơ hội thị trường xây lắp vô cùng lớn từ dự án đường sắt tốc độ cao, các doanh nghiệp trong nước sẽ bắt tay nhau thay vì triệt tiêu. Chỉ có hợp tác là cơ hội duy nhất để tham gia sâu vào dự án”, ông Phú nói.

Ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tổng công ty Công trình đường sắt (RCC) nhấn mạnh cần xác định đường sắt tốc độ cao là cuộc chơi bình đẳng và mong nhà nước hãy xem doanh nghiệp như đối tác.

Theo ông Phương, triển khai dự án đường sắt tốc độ cao sẽ có những gói thầu rất phức tạp. Đâu sẽ là thang điểm chuẩn về năng lực tài chính, tiêu chí tham gia hạng mục thi công xây lắp, đâu sẽ là cơ quan thẩm định… là những vấn đề doanh nghiệp rất quan tâm.

“Đây là cuộc chơi mới có khái niệm mới. Chúng ta cần xác định thang điểm, khái niệm nào là trọng tâm? Doanh nghiệp trong nước có thể tập trung cho sản xuất hay tham gia chuyển giao công nghệ? Tất cả những câu hỏi ấy cần sớm có câu trả lời, tránh trường hợp trong hai năm tới, chỉ có nhà nước chuẩn bị, doanh nghiệp không tập trung được vào các nhiệm vụ trọng tâm. Cần phải tạo một sân chơi bình đẳng và bình đẳng cả về thông tin”, ông Phương nói.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn