Dùng công nghệ để tuyển lao động, nhưng "giữ chân" cần phúc lợi tốt

Sử dụng công nghệ trong tổ chức, giới thiệu việc làm cho người lao động là xu hướng đang được các đơn vị cung ứng dịch vụ việc làm tích cực triển khai. Đặc biệt là việc kết hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối giữa các địa phương với nhau.

TĂNG CƠ HỘI VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG Ở NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG

Là đơn vị thường xuyên phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến với các địa phương, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết ngay từ đầu năm, đơn vị đã kết nối với 8 tỉnh, thành tổ chức phiên giao dịch trực tuyến, với số lượng cần tuyển dụng lên đến hơn 44.000 chỉ tiêu.

Thông thường mỗi phiên online được tổ chức sẽ có từ 8 địa phương trở lên tham gia, với hàng chục nghìn chỉ tiêu tuyển dụng đến từ các doanh nghiệp.

Theo ông Thành, thông qua hoạt động của phiên giao dịch việc làm trực tuyến, bản thân các Trung tâm Dịch vụ việc làm có sự liên thông, trao đổi, chia sẻ cơ sở dữ liệu, giúp thị trường lao động giữa các tỉnh, thành phố gần nhau hơn.

Đồng thời, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp có nhiều nguồn ứng viên để dễ dàng tuyển dụng, cũng như người lao động có thêm cơ hội tìm các vị trí việc làm với mức lương thỏa đáng, chế độ tương xứng.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó phòng Tổ chức hành chính, Công ty Cổ phần Dịch vụ giải trí Hà Nội, cho biết với việc tổ chức các sàn việc làm online sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được thị trường rộng hơn.

Bởi nếu chỉ đăng tuyển trực tiếp, người lao động sẽ phải đến tận nơi để phỏng vấn, nộp hồ sơ, còn thông qua sàn trực tuyến, doanh nghiệp ngồi đâu cũng phỏng vấn được ứng viên, từ đó tiếp cận được đa dạng các nhóm lao động.

Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Giám đốc Bộ phận tuyển dụng và đào tạo, Công ty Cổ phần Quản lý và Khai thác tòa nhà VNPT, cũng nhìn nhận hiện nay thông qua việc kết hợp sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến sẽ mang lại hiệu quả hơn, thông tin được lan tỏa rộng rãi đến người lao động ở các địa bàn khác nhau.

“Việc này tạo điều kiện cho người lao động ở các tỉnh, thành phố không thể đến trực tiếp đến sàn việc làm, cũng có cơ hội tiếp cận công việc ở các địa bàn phù hợp với nhu cầu của bản thân”, bà Lan cho hay.

THU HÚT TRƯỚC MẮT, "GIỮ CHÂN" MỚI LÀ LÂU DÀI

Nhờ hiệu quả đó, tại các thị trường lao động lớn, việc kết nối online trong tạo việc làm đang tiếp tục được đẩy mạnh. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành, thông tin hiện nay ngoài các phiên giao dịch việc làm hằng ngày được tổ chức đều đặn, đơn vị còn đồng bộ kết nối online sàn chính với 14 sàn vệ tinh trải khắp các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Người lao động ở các địa điểm khác nhau có thể tham gia phỏng vấn với doanh nghiệp mà không cần đến trực tiếp sàn việc làm. Ảnh: Nhật Dương.
Người lao động ở các địa điểm khác nhau có thể tham gia phỏng vấn với doanh nghiệp mà không cần đến trực tiếp sàn việc làm. Ảnh: Nhật Dương.

Thông qua các sàn giao dịch việc làm vệ tinh đã góp phần cung cấp thông tin, kết nối cung - cầu lao động, giải quyết được tối đa nhu cầu việc làm của nhiều nhóm lao động từ thanh niên, lao động bị thất nghiệp...

Doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo và người lao động được tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi. Qua đó, người lao động được tư vấn, định hướng về nghề nghiệp, có nhiều cơ hội tìm được việc làm, đào tạo nghề phù hợp.

Các chuyên gia cũng kỳ vọng, với việc tổ chức hiệu quả sàn việc làm online kết nối nhiều địa phương thông qua việc ứng dụng công nghệ, cũng sẽ là một trong những điều kiện quan trọng để tiến tới hình thành sàn việc làm quốc gia kết nối mọi tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ông Đỗ Đức Chí, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng nhân lực Nhân Kiệt nhìn nhận, khi có một sàn việc làm được kết nối đồng bộ trên toàn quốc, đây sẽ là một kênh chính thống để lực lượng lao động có thể tìm kiếm được doanh nghiệp mình mong muốn làm việc, phù hợp khả năng ở từng địa phương khác nhau.

Khi đó, mọi thông tin đều được đảm bảo và kiểm chứng, tránh tình trạng những tin tuyển dụng “fake” khiến người lao động bị lừa đảo, vốn bị biến tướng trên các trang mạng tuyển dụng.

Cùng với ứng dụng công nghệ để tăng hiệu quả kết nối việc làm, chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất để thu hút và giữ chân người lao động vẫn là chế độ đãi ngộ. Bởi khi sử dụng các công nghệ, đa dạng hình thức tuyển dụng, trước mắt doanh nghiệp có thể thu hút được một lực lượng lớn lao động quan tâm, song để làm việc lâu dài thì đó là các ưu đãi về quyền lợi.

Theo ông Đỗ Đức Chí, khi việc kết nối tuyển dụng giữa các địa phương được thực hiện thuận tiện nhờ công nghệ, cũng đặt ra sự cạnh tranh trong thu hút lao động ở các địa bàn. Thực tế có địa phương đã đưa ra các ưu đãi như hỗ trợ tiền thuê nhà, hay chi phí đào tạo lại lao động cho doanh nghiệp để thu hút người về làm việc.

“Như vậy, câu chuyện cần quan tâm là cần cân bằng trong thu hút lao động, không đưa số lao động quá lớn dồn về một địa phương, bởi đây là câu chuyện còn liên quan đến an sinh xã hội, an ninh chứ không chỉ đưa người vào nhà máy”, ông Chí chia sẻ.

Hơn hết, các doanh nghiệp khi tuyển dụng cần đảm bảo chế độ, chính sách cho người lao động, như được tham gia bảo hiểm xã hội.

"Bởi nếu người lao động bị thiệt thòi họ sẽ dịch chuyển sang các nhà máy khác, từ đó doanh nghiệp sẽ không giữ được nguồn lao động dù đã mất công đào tạo họ. Trong khi đó, để đào tạo một lao động ở mức giản đơn cũng mất vài tuần, khó hơn thì vài tháng", ông Đỗ Đức Chí lo ngại.

Đây là thực tế đang diễn ra với người lao động. Thông qua khảo sát, thu thập thông tin từ phía người lao động, ông Vũ Quang Thành cũng cho biết bên cạnh mức lương, hiện hầu hết người lao động khi tìm kiếm công việc đều tìm hiểu cặn kẽ các chế độ an sinh như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các khoản phụ cấp, điều kiện, môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến…

“Đây là sự thay đổi khá lớn trong xu hướng tìm việc của người lao động, nhất là với những lao động có kỹ năng, trình độ chuyên môn”, ông Thành nói thêm.

Xem thêm tại vneconomy.vn