Gen Y & Gen Z: Thế hệ khách hàng tiềm năng bị các quỹ ETF nội “bỏ quên”

Ở nhiều thị trường trên thế giới, ETF là một sản phẩm tài chính được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ tiếp tục là xu hướng trong tương lai, bởi sự đa dạng và tốc độ tăng trưởng quy mô tài sản ấn tượng khi tăng trưởng kép (CAGR) đạt 22% trong giai đoạn 2016 - 2021.

Xét riêng nền kinh tế Việt Nam, tốc độ tăng trưởng GDP được ghi nhận rất tích cực trong khu vực. Theo ghi nhận Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ tăng gấp đôi vào năm 2026 tính từ thời điểm hiện tại, cho thấy sự thặng dư trong xã hội tăng thúc đẩy một nhu cầu về tìm kiếm các sản phẩm tài chính phù hợp.

Vậy tại sao tầng lớp lao động chính của Việt Nam, hai thế hệ rất năng động là Gen Y và Gen Z sở hữu một tư duy mở và hướng về tự do tài chính lại chưa đầu tư vào sản phẩm này. Là lạnh nhạt hay chưa biết tới?

ETF - Xu thế sản phẩm tài chính thế giới, điểm nhấn là khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Theo báo cáo mới nhất về ETF của PWC “ETFs 2026: Bước nhảy vọt” được đăng tải vào năm 2022, họ kỳ vọng tổng tài sản (AUM) ETF trên toàn thế giới sẽ đạt 20.000 tỷ USD vào năm 2026. Niềm tin này được củng cố bởi những con số ấn tượng trong quá khứ, khi trong giai đoạn 2016 - 2021, ETF thế giới tăng trưởng kép đạt 22%. Đặc biệt, khu vực châu Á - Thái Bình Dương dù quy mô vẫn đứng sau thị trường Mỹ và châu Âu, nhưng tốc độ tăng trưởng kép dẫn đầu trên thế giới, đạt 26,9%.

Bước nhảy vọt này của ETF không dừng lại ở mức tăng trưởng quy mô, mà còn là sự đa dạng hóa các loại ETF, trong đó có ESG ETF - một sản phẩm mới đang được chú ý ở thị trường châu Âu với mục tiêu đầu tư các doanh nghiệp có mô hình thúc đẩy sự phát triển bền vững cho môi trường và xã hội. Đặc biệt hơn là Crypto ETF hướng về đầu tư những đồng tiền ảo, lại là sản phẩm đang được giới chuyên môn chờ đợi sẽ tạo nên sự đột phá khi các rào cản về pháp lý và thể chế được thông qua. Sự sôi động của các thị trường phát triển, tạo nên kỳ vọng rất lớn vào các thị trường đang phát triển và ETF rất sơ khởi như thị trường tài chính Việt Nam.

Không những vậy, nếu so sánh ETF với các sản phẩm khác của quỹ tài chính thì đây là một sản phẩm sở hữu những đặc tính rất phù hợp với số đông nhà đầu tư mà không kén số tiền lớn hay nhỏ. Vì nhà đầu tư có thể mua bán ETF trực tiếp trên sàn chứng khoán mà không bắt buộc một số tiền tối thiểu. Đồng thời, sản phẩm này không yêu cầu nhà đầu tư hiểu quá sâu vào một mô hình kinh doanh của bất kỳ doanh nghiệp nào, mà chỉ cần nắm chắc chiến lược tạo nên rổ danh mục. Điều này luôn được công khai một cách rộng rãi và minh bạch - là một điểm cộng đối với các nhà đầu tư mới tham gia thị trường, hoặc những nhà đầu tư bận rộn muốn tìm một kênh đầu tư dài hạn.

Gen Y & Gen Z: Thế hệ khách hàng tiềm năng bị các quỹ ETF nội “bỏ quên” ảnh 1

Hiệu quả đầu tư của các quỹ ETF là khá rõ ràng

Những con số ấn tượng của ETF Việt Nam

Sau 9 năm kể từ khi ETF đầu tiên ra đời vào năm 2014, đến nay ETF Việt Nam đã được ghi nhận bởi các con số rất đáng kể khi tốc độ tăng trưởng kép của tổng tài sản đạt 33%/năm. Riêng năm 2023, quỹ ETF ngoại FTSE VN30 của nhà Fubon đến từ Đài Loan (Trung Quốc) thu hút 4.000 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán. Còn nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng thị giá ETF nội trên sàn của hai ngôi sao sáng làng ETF đến từ Quỹ Dragon Capital và SSIAM, bất chấp 2 năm Covid, thị giá ETF DC Diamond tăng 143% và ETF Finlead là 75%.

Không những vậy, nếu so sánh ETF với các sản phẩm của quỹ tài chính thì đây là một sản phẩm sở hữu những đặc tính ưu việt nhất “tiện”, “đơn giản” và “lợi suất cao”. Nhà đầu tư có thể mua bán ETF trực tiếp trên sàn chứng khoán mà không bị bắt buộc phải có một hạn mức tiền tối thiểu. Đồng thời, chiến lược tạo nên rổ danh mục khá đơn giản, dễ hiểu, được công khai rộng rãi, là một điểm cộng đối với các nhà đầu tư mới tham gia thị trường hoặc có một nền tảng hiểu biết tài chính chỉ ở mức cơ bản.

Chỉ có 7% nhà đầu tư tham gia ETF nội là nhà đầu tư đến từ nội địa, và gần như rất ít thế hệ Gen Y và Gen Z biết tới cũng như đầu tư vào ETF.

Tuy nhiên, chỉ có 7% nhà đầu tư tham gia ETF nội là nhà đầu tư đến từ nội địa, và gần như rất ít thế hệ Gen Y và Gen Z biết tới cũng như đầu tư vào ETF. Điều này cũng gần như dễ hiểu, trong những năm qua, số liệu về tăng trưởng GDP của Việt Nam cực kỳ ấn tượng, thúc đẩy cho việc thu hút các dòng tiền ngoại. Nhưng, để giải ngân vào một doanh nghiệp riêng biệt, quỹ cần phải thấu hiểu không những vĩ mô, đặc tính ngành và cả chân tơ kẽ tóc từng doanh nghiệp. Với sự kỳ vọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam, ETF chính là sản phẩm phù hợp nhất cho dòng vốn ngoại tham gia dễ dàng. Đồng thời, các quỹ quản lý các ETF Việt Nam lại là các quỹ có tên tuổi như Dragon Capital, Vinacapital, SSIAM… có kinh nghiệm và thực sự hiểu thị trường, là một điểm cộng để khối ngoại an tâm đầu tư.

Bên cạnh đó, ETF Việt Nam có quy mô tăng trưởng khá ấn tượng, nhưng sự đa dạng gần như chỉ dừng lại ở mức cơ bản so với các thị trường lân cận như Thái Lan và Đài Loan, khi họ đã có bán khống ETF, còn ở Việt Nam chỉ dừng lại ở ETF mô phỏng chỉ số ngành, thị trường và 2 ETF chỉ số đặc biệt. Gần như các sản phẩm ETF sinh ra dành cho khối ngoại và mục tiêu để thu hút dòng tiền ngoại, không thể không kể đến ETF nội có tổng tài sản lớn nhất thị trường tại thời điểm hiện tại là ETF Diamond của Dragon Capital có chiến lược đầu tư rổ danh mục là những cổ phiếu tốt hết room ngoại để nhà đầu tư khối ngoại gián tiếp sở hữu cổ phiếu này thông qua việc mua ETF.

Trong khi nhu cầu về đầu tư các sản phẩm tài chính của thị trường Việt Nam, nhất là hai đối tượng Gen Y và Gen Z ngày càng tăng và cũng là hai thế hệ rất cởi mở cho những điều mới mẻ, cũng dường như chưa được tiếp cận đầy đủ với sản phẩm tài chính này. Đây cũng sẽ là thách thức cho các quỹ ETF nội trong tương lai, khi dòng vốn ngoại chững lại và quay về tìm kiếm dòng tiền trong nội địa. Và cũng là thời gian hợp lý, khi các nhà đầu tư cá nhân sau khi trải qua nhiều đợt sóng trên thị trường, bắt đầu rút kinh nghiệm tìm kiếm các loại hình đầu tư phù hợp và hiệu quả tốt hơn.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn