Hàng Việt ‘lên ngôi’ trong Tết Giáp Thìn 2024

Tết Giáp Thìn 2024, giỏ quà của gia đình chị Minh An (Hoàn Kiếm – Hà Nội) thay vì những hộp bánh kẹo, rượu thương hiệu ngoại đã được chuyển sang các mặt hàng đặc sản vùng miền do Việt Nam sản xuất chỉ có giá khoảng 300.000 - 500.000 đồng/giỏ.

Hàng Việt chiếm 90% trên kệ phân phối

Chị Minh An cho biết, việc lựa chọn thương hiệu Việt đã giúp gia đình chị tiết kiệm được 2 triệu đồng tiền mua các giỏ quà Tết để biếu tặng người thân. Quan trọng hơn giỏ quà cũng không kém phần sang trọng vì bao bì sản phẩm Việt hiện rất bắt mắt. Đây là việc làm rất cần thiết trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

-9906-1707179768.jpg

Những hộp quà Tết nông sản địa phương được người dùng ưa chuộng.

Nắm bắt xu hướng này, một số doanh nghiệp cũng cung ứng ra thị trường những giỏ quà Tết giá hợp túi tiền người dân khoảng 100.000 – 500.000 đồng. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản địa phương như hoa quả, mứt Tết, gạo, cà phê đặc sản, các loại hạt... cũng được siêu thị đưa vào giỏ quà.

Theo báo cáo từ Sở Công Thương Hà Nội, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn đạt khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với thực hiện Tết năm 2023.

Hiện nay, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7%-25% tùy từng mặt hàng so với cùng kỳ Tết năm 2023, trong đó trọng tâm là các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Tại các điểm bán, lượng hàng hóa được tăng cường 15-40% sẵn sàng phục vụ của người dân (trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm 90%).

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP.Hà Nội, các doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng đánh giá hàng Việt mẫu mã ngày càng đẹp, chất lượng tốt hơn và giá cả hợp lý. Hiện, hàng Việt đang chiếm đến 90% tại các hệ thống phân phối bán lẻ lớn.

Phân tích về nhu cầu sử dụng bánh kẹo trong dịp Tết Nguyên đán, đại diện Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho biết, dịp Tết người tiêu dùng có xu hướng chọn mua hàng ngoại nhập cao cấp để làm quà tặng. Để cạnh tranh với sản phẩm bánh kẹo ngoại nhập, một số doanh nghiệp Việt đã có nhiều cố gắng trong việc đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo ông Sameer Yadav, Giám đốc Marketing công ty Mondelez Kinh Đô, cùng với việc chú trọng bình ổn giá và gia tăng chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp này đã đưa hàng đến gần 100.000 điểm bán tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống… Các sản phẩm của doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh bán trên kênh online như sàn thương mại điện tử.

Tiêu thụ hàng Việt tăng từ 15-20%

Trong khi đó, công ty CP bánh mứt kẹo Hà Nội dự kiến đưa ra thị trường 350 tấn sản phẩm. Ngoài các loại mứt truyền thống, công ty giới thiệu nhiều sản phẩm mới như mứt mận, hồng bì, hibiscus... Các sản phẩm bánh, mứt năm nay cũng được thay đổi về mẫu mã, hình ảnh bao bì, bảo đảm tính thẩm mỹ và tiện lợi trong sử dụng.

-7775-1707179768.jpg

Nhiều người dùng có xu hướng lựa chọn hàng Việt thay vì hàng ngoại trong dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Ông Vương Trọng Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội, thông tin năm nay dù giá nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 5-12% so với cùng kỳ năm trước, song đơn vị vẫn cam kết không tăng giá bán sản phẩm để ổn định nguồn cung. Trong quá trình sản xuất, công ty luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội, đúng như dự báo của siêu thị, lượng khách hàng tăng thời điểm từ khoảng trước Tết 3 tuần. Đặc biệt, lượng khách hàng từ sau Tết ông Công ông Táo đến nay tăng khoảng 30%.

“Hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm OCOP… các nguồn hàng được siêu thị vận chuyển từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh/thành phố về phục vụ nhu cầu tiêu dùng Thủ đô dịp Tết này. Lượng tiêu thụ hàng Tết, đặc biệt là hàng Việt tại siêu thị tăng trưởng từ 15-20%. Cùng với đó, siêu thị luôn đề cao vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm”, bà Nguyễn Thị Kim Dung khẳng định.

Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá, những kết quả trên cho thấy các doanh nghiệp nội đang đi đúng hướng để đáp ứng thị hiếu của người dùng trong nước. Đến nay, có thể khẳng định nhiều mặt hàng "made in Việt Nam" đã đủ mạnh để chi phối thị trường Tết Nguyên đán. Không chỉ nhà sản xuất nỗ lực đầu tư, đa dạng sản phẩm, tạo nét mới trong tiêu dùng, mà quan trọng là thay đổi tâm lý "sính hàng ngoại nhập" của người tiêu dùng. Hàng nội được người tiêu dùng ưu tiên chọn mua bởi sự thay đổi căn bản về mẫu mã và chất lượng, chưa kể giá cả cũng hợp lý trong bối cảnh thu nhập ngày càng khó.

Nhật Linh

Xem thêm tại vnbusiness.vn