Hành trình tìm giá trị mới

Thay đổi, sáng tạo

Kết thúc năm 2023, Tập đoàn FPT tiếp tục ghi ấn tượng trên thị trường chứng khoán với việc công bố con số doanh thu hợp nhất 52.618 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.203 tỷ đồng, đều tăng trưởng khoảng 20% so với năm lieefn trước, vượt kế hoạch đề ra. Trong một năm được đánh giá là đặc biệt khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, là “mùa đông” của ngành công nghệ thông tin toàn cầu, FPT vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Lợi nhuận trên mỗi cổ phần đạt 4.666 đồng.

Khối công nghệ tiếp tục giữ vai trò chủ chốt khi đóng góp tới 60% doanh thu (31.449 tỷ đồng) và 45% lợi nhuận toàn Tập đoàn (4.161 tỷ đồng). Đặc biệt, các thị trường trọng điểm đều giữ được đà tăng trưởng cao, đặc biệt tại thị trường Nhật Bản.

Mức tăng trưởng mạnh mà tập đoàn này ghi nhận được là nhờ doanh nghiệp nỗ lực đổi mới, sáng tạo không ngừng. FPT luôn là ví dụ tiêu biểu về sự linh hoạt chuyển đổi, thích ứng với khó khăn cũng như tìm kiếm cơ hội mới, tạo ra giá trị mới. Tái cấu trúc, thu hẹp những mảng hoạt động kém hiệu quả, mở ra lĩnh vực kinh doanh mới, tiềm năng, mạnh mẽ bước ra thế giới, tìm kiếm cơ hội ở thị trường rộng lớn hơn, nâng cấp hệ thống quản trị…, từ những bước đi đó của FPT, thị trường đã chứng kiến sự phát triển không ngừng nghỉ của Tập đoàn qua từng quý, từng năm.

Năm 2023, doanh thu chuyển đổi số từ thị trường nước ngoài của FPT đạt 10.425 tỷ đồng, tăng trưởng 42% so với năm 2022, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud, AI/Data Analytics...

Nói đến năng lực đổi mới, sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung, khối doanh nghiệp niêm yết nói riêng, không thể không nhắc tới Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Từ một doanh nghiệp nhà nước, hậu cổ phần hóa, Vinamilk đã có những bước tiến xa, giữ vững vị thế là công ty sữa số 1 Việt Nam. Trong một giai đoạn dài, Công ty duy trì được mức tăng trưởng kép hai con số. Nằm trong ảnh hưởng chung của đại dịch Covid-19 và khó khăn của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng của Công ty chậm lại, nhưng Vinamilk vẫn duy trì hiệu quả kinh doanh cao.

Sau đại dịch Covid-19, người dân bắt đầu có xu hướng quan tâm hơn tới các sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Để bắt nhịp với xu hướng tiêu dùng mới, bên cạnh các sản phẩm sữa hộp truyền thống, Vinamilk ra mắt các sản phẩm sữa trái cây, sữa có nguồn gốc từ thực vật. Cùng với thay đổi về cơ cấu sản phẩm, Công ty thay đổi logo, tạo cảm giác mới mẻ, thu hút người tiêu dùng. Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk cho biết: “Một thương hiệu muốn tồn tại 100 hay 200 năm luôn phải thay đổi với điều kiện thực tế. Việc thay đổi nhận diện thương hiệu là nỗ lực tái định vị, đánh dấu bước đầu tiên trong quá trình hiện đại hóa trải nghiệm cho người dùng và tạo đà bứt phá trong tương lai”.

Mỗi doanh nghiệp có điều kiện về nguồn lực, vị thế, lợi thế, đặc thù kinh doanh khác nhau, vì vậy, họ phải tìm ra con đường đổi mới, phát triển phù hợp với doanh nghiệp mình. Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Rạng Đông, mã RAL) chia sẻ, Rạng Đông từng phải “dò dẫm tìm đường” và cuối cùng tìm được hướng đi mang tên “chuyển đổi số”.

Với ngành chứng khoán, chúng ta cũng nhìn nhận nhiều sự thay đổi. Từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, sự tham gia đông đảo của nhà đầu tư cá nhân vào thị trường và thói quen giao dịch online đã làm hầu hết các công ty chứng khoán thay đổi mô hình hoạt động. Thay vì mô hình cần nhiều chi nhánh, đầu tư cho khách hàng lên quầy, xu hướng quản lý tập trung, đề cao công nghệ và hướng đến phục vụ khách hàng bằng công nghệ được hướng đến. Các sản phẩm, dịch vụ cũng như các quy trình cũng được số hóa để phục vụ khách hàng.

Đổi mới, sáng tạo là điều luôn đòi hỏi với doanh nghiệp, dù ở bất cứ ngành nghề nào, nhất là trong giai đoạn thị trường khắc nghiệt mấy năm gần đây. Mỗi ngành nghề, doanh nghiệp đang có những thay đổi, ứng phó theo nhiều cách khác nhau. Như chia sẻ của lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG), trong giai đoạn vừa qua, thay vì mở rộng phát triển, Công ty đã nhìn nhận các nguồn thu khả quan nhất để tối ưu hóa dòng tiền, đồng thời xem xét lại các khoản chi tiêu cần thiết.

Tìm giá trị mới

Thông tin được ông Nguyễn Đoàn Kết chia sẻ, nếu như trước kia, tốc độ tăng trưởng trung bình của Rạng Đông chỉ từ 8 - 10%/năm thì sau khi thực hiện chuyển đổi số, Công ty đã đạt tốc độ tăng trưởng 15 - 20%/năm. Năm 2023, mặc dù nền kinh tế khó khăn, sức cầu ở cả thị trường trong nước và thế giới đều sụt giảm, nhưng doanh nghiệp này vẫn đạt mức tăng trưởng trên 20%.

“Chúng tôi phấn đấu đến năm 2025 đưa Công ty ở tầm khu vực với hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ dẫn dắt lĩnh vực chiếu sáng trong nước, từng bước đi ra nước ngoài và duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 20%”, ông Kết nói.

Theo lãnh đạo Rạng Đông, mỗi tiến trình chuyển đổi của doanh nghiệp cũng như một quá trình gồm nhiều vòng lặp, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Qua từng vòng lặp, năng lực trưởng thành và trình độ trưởng thành được nâng lên. Như việc áp dụng chuyển đổi số, gần như không có một hình mẫu chung, con đường chung cho tất cả các doanh nghiệp nên đầu tiên phải là ý chí của ban lãnh đạo, của những người đứng đầu, tìm kiếm ra con đường phù hợp với riêng mình, từ đó nâng cao giá trị doanh nghiệp.

Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (Xuân Mai Corp, (mã XMC) là doanh nghiệp được tái cấu trúc từ một công ty ngấp nghé bờ vực phá sản (Bê tông Xuân Mai, công ty con của Vinaconex). Ở thời điểm hiện tại, ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Xuân Mai Corp cho biết, ông đã tạm hài lòng với giá trị mới của Công ty. Đến nay, Xuân Mai Corp có thể thực hiện gần như toàn bộ các khâu trong chuỗi giá trị của một sản phẩm xây dựng, từ thiết kế đến thi công, giá trị các công việc do Công ty thực hiện đạt trên 90% giá trị tại công trường. Bên cạnh đó, do vừa là tổng thầu EPC, vừa là chủ đầu tư, Công ty có thể kiểm soát tốt hơn giá thành, cũng như tiến độ thi công.

Trong khi đó, theo ông Trần Xuân Ngọc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (Nam Long, mã NLG), thị trường bất động sản vừa trải qua một giai đoạn khó khăn chồng khó khăn nên những doanh nghiệp vẫn “sống khỏe” là doanh nghiệp có khả năng quản trị rất tốt. Ngoài sản phẩm, phương thức quản trị của Nam Long trong những năm qua cũng dần thay đổi hiệu quả hơn. Đặc biệt, khi doanh nghiệp đưa vào vận hành hệ thống quản trị doanh nghiệp ERP đánh dấu bước đầu thành công trên hành trình chuyển đổi số, đồng thời hoàn tất hệ thống quản trị rủi ro ERM, tái cấu trúc tổ chức theo định hướng của chiến lược tăng trưởng Dragon Growth Transformation. Dù là một năm khá nhiều sóng gió với các doanh nghiệp bất động sản, Nam Long vẫn vừa kinh doanh, vừa tích cực củng cố nội lực, không ngại áp dụng các tư duy mới trong vận hành.

“Ban lãnh đạo Nam Long từng đưa ra dự báo, năm 2023 cực kỳ khó khăn, nhưng lợi nhuận Công ty tăng trưởng. Kết quả lợi nhuận thuần túy đến từ hoạt động bán hàng và bàn giao sản phẩm dự án. Tín hiệu tích cực này củng cố thêm niềm tin về tiềm năng thị trường với phân khúc nhà ở thực mà công ty theo đuổi”, ông Ngọc chia sẻ.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn