Khu kinh tế Vũng Áng – Hà Tĩnh: Thất vọng chờ 'đại bàng' làm tổ

Thất vọng

Cuối năm 2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định phê duyệt dự án xây dựng cơ sở đào tạo Cao đẳng nghề Vũng Áng - Hà Tĩnh nhằm mục tiêu đưa con em trong tỉnh vào học tập và làm việc tại các dự án ở Khu kinh tế Vũng Áng . Công trình do Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, với số vốn hơn 500 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách trung ương, địa phương và xã hội hóa).

Cơ sở đào tạo nghề Vũng Áng - Hà Tĩnh được xây dựng trên diện tích 16ha, tại phường Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Khi hoàn thành, cơ sở này dự kiến sẽ đào tạo 5.000 học sinh, sinh viên/năm.

Thế nhưng, sau hơn một thập kỷ đi vào hoạt động, thật khó hình dung ngôi trường đào tạo nghề lại èo uột học sinh, học viên học nghề như kỳ vọng ban đầu. Con đường nối từ Quốc lộ 1A vào cơ sở đào tạo nghề được đầu tư hàng trăm tỷ heo hút giữa những vườn keo, tràm.

Những tòa nhà học tập bốn tầng được xây dựng khang trang, thiết bị hiện đại song số lượng học sinh còn khá ít với quy mô khiến nơi đây trầm lắng. Bên trong khuôn viên trường rộng 16ha vẫn còn rất nhiều diện tích chưa được xây dựng, cỏ cây mọc um tùm.

Khu kinh tế Vũng Áng – Hà Tĩnh: Thất vọng chờ 'đại bàng' làm tổ- Ảnh 1.

Nhiều dự án ở Khu kinh tế Vũng Áng xây dựng, bỏ hoang hoặc thành nơi chăn thả gia súc

Ông Nguyễn Trọng Tấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh cho biết, cơ sở 2 của trường hiện đào tạo hơn 500 học sinh bổ túc văn hóa cùng với học viên học lái xe, số lượng đào tạo hơn 1.000 em.

“Giai đoạn 2016-2017, cơ sở đào tạo nghề Vũng Áng được chuyển đổi thành Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh - cơ sở 2. Quá trình đào tạo ban đầu trải qua rất nhiều khó khăn do số học sinh theo học bổ túc, học nghề chỉ đạt 100-200 em.

Sau khi có các chính sách ưu đãi trong đào tạo nghề, đến nay số học sinh mới có sự khởi sắc, song để tương xứng với quá trình đào tạo thì cần có thêm thời gian”, ông Tấn thông tin.

“Khó khăn tìm người học nghề là thực trạng chung của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn. Với quy mô cơ sở hiện có, đơn vị có thể đáp ứng đào tạo cho hàng nghìn học sinh, học viên, tuy nhiên số lượng đào tạo các năm không tăng trưởng nhiều khiến đơn vị không ít lo lắng”.

Ông Nguyễn Trọng Tấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh

Hiệu trưởng Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh cho biết, dự án này ban đầu được phê duyệt 500 tỷ đồng song quá trình xây dựng gặp vướng mắc về vốn nên đến khi quyết toán các hạng mục chỉ khoảng 183 tỷ đồng. Nhiều hạng mục theo thiết kế, quy hoạch ban đầu cũng bị cắt giảm.

Đến nay, nhà trường đang cố gắng duy trì và thu hút học sinh, học viên học nghề cũng như liên kết với các công ty, đơn vị ở Khu kinh tế Vũng Áng đào tạo nghề cho công nhân, người lao động. Tuy nhiên, mỗi năm, số lượng liên kết đào tạo chỉ khoảng 100 em.

“Khó khăn tìm người học nghề là thực trạng chung của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn. Với quy mô cơ sở hiện có, đơn vị có thể đáp ứng đào tạo cho hàng nghìn học sinh, học viên, tuy nhiên số lượng đào tạo các năm không tăng trưởng nhiều khiến đơn vị không ít lo lắng”, lãnh đạo Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh phân trần.

Khu kinh tế Vũng Áng – Hà Tĩnh: Thất vọng chờ 'đại bàng' làm tổ- Ảnh 2.

Dự án nhà ở, khu đô thị bỏ hoang ở Khu kinh tế Vũng Áng

Loay hoay xử lý

Cách đó khoảng 8km là dự án Nhà ở thí điểm cho công nhân và người lao động thuê của Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) được phê duyệt với thiết kế có thể đáp ứng 6.000 chỗ ở. Tuy nhiên, hiện dự án xây dựng mới chỉ đáp ứng chỗ ở cho 1.200 người nhưng đã sớm lâm cảnh ế ẩm, không có người thuê.

Theo Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, do ảnh hưởng sự cố môi trường biển vào năm 2016 nên một số dự án đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng bị chậm, hoặc giảm quy mô nên giảm số lượng công nhân. Dự án trước khi triển khai đã được khảo sát, lập kế hoạch khi công nhân làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng chưa có nhà ở. Sau này, một số doanh nghiệp được cấp phép xây dựng ký túc xá, hoặc nhà ở cho công nhân nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác dự án.

Dự án nhà ở thí điểm cho công nhân và người lao động thuê của Mitraco có tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng (2 giai đoạn) trên diện tích 16ha với quy mô 4 dãy nhà 10 tầng, 11 dãy nhà 5 tầng, cung cấp 1.600 phòng tương ứng 6.000 chỗ ở cho công nhân thuê.

Dự án gồm 3 hạng mục chính: Khu nhà ở cho thuê (vốn của doanh nghiệp); các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật (ngân sách trung ương và địa phương) gồm các công trình giao thông, nhà mẫu giáo, trạm xá, sân chơi thể thao, công viên, cây xanh,...

Tuy nhiên, do hiệu quả khai thác thấp, nhiều hạng mục vẫn chưa được triển khai. Trước thực trạng này, đơn vị quản lý từng kiến nghị với UBND tỉnh Hà Tĩnh xin cho phép hợp tác, liên kết với các đối tác để khai thác, vận hành các công trình hạ tầng xã hội tại dự án.

Hiện, việc khai thác 4 block nhà 5 tầng với 338 phòng của Dự án nhà ở thí điểm cho công nhân và người lao động thuê đã xây dựng, đưa vào khai thác từ tháng 5/2016 đến nay còn rất thấp, không tương xứng với mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng đã bỏ ra. Nhiều hạng mục đầu tư trong khuôn viên dự án không được sử dụng hết công năng.

Khu kinh tế Vũng Áng – Hà Tĩnh: Thất vọng chờ 'đại bàng' làm tổ- Ảnh 3.

Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh – cơ sở 2

Tại các phường Kỳ Trinh, Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Long,... (thị xã Kỳ Anh) cũng có hàng loạt dự án Khu đô thị, khu dân cư, nhà ở cho công nhân, người lao động được ngành chức năng địa phương cấp quỹ đất, chấp thuận đầu tư.

Thế nhưng, phần lớn các dự án xây dựng chưa hoàn thành, một số dự án sau nhiều năm triển khai vẫn chỉ là bãi đất trống, chỉ có bờ tường bao quanh, thành bãi chăn gia súc của người dân địa phương. Từng kỳ vọng các dự án đầu tư triển khai, đi vào hoạt động sẽ kéo theo nhiều dịch vụ khác cùng phát triển, nhưng nhìn những dự án gây lãng phí quỹ đất đầu tư, người dân và chính quyền địa phương không khỏi xót xa.

Ông Lê Văn Chương, Chủ tịch UBND phường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh) cho biết, các dự án trên địa bàn rất nhiều song triển khai chưa được bao nhiêu, gây lãng phí quỹ đất, nguồn vốn.

“Các dự án được quy hoạch và sử dụng diện tích lớn đất đai . Muốn có mặt bằng sạch, địa phương đã rất vất vả trong giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, việc các dự án chây ỳ triển khai hoặc không hiệu quả đã gây lãng phí quỹ đất và đi ngược với kỳ vọng của địa phương trong vấn đề tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động”, ông Chương nói.

(Còn nữa)

Xem thêm tại cafef.vn