Lạc quan thận trọng

Vào cuối tháng 3 vừa qua, khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu GDP quý I tăng 5,66% - mức cao nhất trong các quý đầu năm từ năm 2020 trở lại đây, nhiều người tỏ ra bất ngờ vì một số động lực của nền kinh tế chưa thực sự "chạy" trong một quý có kỳ nghỉ Tết kéo dài.

Tuy nhiên, nhìn vào số liệu chi tiết, mức tăng trưởng này là có thể hiểu được với những con số nổi trội khi vốn FDI thu hút quý I tăng 13,4% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 17%; hoạt động dịch vụ, du lịch tăng trưởng ấn tượng với doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch tăng 15,3% so với cùng kỳ. Đặc biệt, ngành du lịch hứa hẹn sẽ là điểm sáng kinh tế năm nay khi lượng du khách quốc tế đến Việt Nam trong quý đầu năm tăng tới 72% so với cùng kỳ và thậm chí còn vượt 3,2% so với quý I/2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Xuất khẩu khởi sắc khiến các doanh nghiệp niêm yết nhóm ngành dệt may, thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, da giày… rất hào hứng, tự tin. Chẳng hạn, không chỉ vui với con số doanh thu quý I vượt 6%, lợi nhuận vượt 9% so với cùng kỳ; ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) còn phấn khởi cho biết rằng, hiện đơn hàng quý II đã xác nhận được 85%, quý III nhận được 80%.

Một doanh nghiệp khác trong ngành dệt may là Tổng công ty May 10 (M10) cũng chia sẻ kết quả kinh doanh quý I với tổng doanh thu đạt 1.128 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ; trong đó doanh thu xuất khẩu đạt 1.020 tỷ đồng, tăng gần 29%.

Những câu chuyện vui như của TCM, M10… ở các mức độ khác nhau được ghi nhận tại khá nhiều đại hội cổ đông các doanh nghiệp trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, không phải số liệu nào cũng phản ánh dấu hiệu tích cực hơn của nền kinh tế. PMI ngành sản xuất Việt Nam vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 4, khi giảm về mức 46,7 điểm so với 47,7 điểm của tháng 3. Chỉ số cho thấy các điều kiện kinh doanh giảm lần thứ năm trong 6 tháng qua và lần giảm này là mạnh nhất trong năm tính đến thời điểm này. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh hơn; Việc làm giảm tháng thứ hai liên tiếp; Chi phí đầu vào tăng chậm lại thành mức thấp của 35 tháng.

Một yếu tố khác là biến động tỷ giá thời gian gần đây qua sẽ thể hiện trên kết quả kinh doanh quý và bán niên của các doanh nghiệp. Tập đoàn Hòa Phát cho biết đã trích lập dự phòng tỷ giá 200 tỷ đồng trong quý I.

Vấn đề tỷ giá và các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước sẽ là vấn đề mà các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cần theo dõi tiếp theo…

Những thách thức cũ và mới chắc chắc còn phát sinh, nhưng đa số các nhà quan sát có uy tín đều cho rằng, xu hướng chung của nền kinh tế vẫn là phục hồi. Vì thế, dù vẫn còn những thận trọng nhất định, nhưng tâm thế phổ biến sẽ ngày càng lạc quan hơn và có những nền tảng cho tâm thế đó.

Lãi suất trên mặt bằng thấp vẫn nền tảng hỗ trợ tốt cho thị trường nội địa. Các doanh nghiệp niêm yết cũng là các doanh nghiệp đầu ngành hoặc có vị thế tốt trong ngành, lĩnh vực kinh doanh của mình. Vì thế, kết quả kinh doanh quý I được công bố tới đây cũng như các quý tới cơ bản sẽ là thông tin tích cực hỗ trợ giá cổ phiếu.

Với thị trường chứng khoán, có thể thấy, sau giai đoạn tăng mạnh, các chỉ số đang vào pha điều chỉnh. Tuy nhiên, nếu nhìn chu kỳ đầu tư trung hạn thì đó chính cơ hội để các nhà đầu tư chọn lọc các cơ hội đầu tư tốt trên nền các yếu tố cơ bản là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sáng hơn trong quý I và dự báo sẽ còn sáng lên trong các quý tới.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn