Lãi suất huy động giảm mạnh, dòng tiền vẫn “ùn ứ” tại ngân hàng

Khảo sát trên thị trường lãi suất ngân hàng cho thấy, từ đầu tháng 9 đến nay đã có hơn 20 ngân hàng giảm lãi suất huy động, thậm chí có ngân hàng còn có 2 lần điều chỉnh giảm.

Mới đây, 2 “ông lớn” ngân hàng là Vietcombank và Agribank đã điều chỉnh giảm lãi suất 0,2-0,3% với các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 3 tháng trở lên. Động thái này đã đưa lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống còn 5,5%/năm - thấp nhất thị trường và về mức gần tương đương giai đoạn lãi suất thấp kỷ lục vì Covid-19. So với đầu năm, lãi suất huy động tại Vietcombank và Agribank đã giảm 1,5-2%.

Trước đó, một số ngân hàng như ACB, Eximbank, ABBank đã ghi nhận mức lãi suất ngang bằng hoặc thấp hơn cả nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước.

Theo dữ liệu từ báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán SSI, tính đến hiện tại, lãi suất niêm yết dành cho khách hàng tổ chức cho kỳ hạn 12 tháng tại nhóm ngân hàng TMCP nhà nước là 4,9%/năm, tại nhóm ngân hàng TMCP tư nhân lớn là 5,4%/năm và ở mức 5,7%/năm cho nhóm ngân hàng TMCP còn lại. Như vậy, mặt bằng lãi suất huy động đã thu hẹp khoảng cách giữa các ngân hàng thương mại và gần như đã về tương đương với giai đoạn 2021.

Theo đà giảm của lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng có xu hướng giảm sâu. Các ngân hàng còn tung ra nhiều gói vay ưu đãi lãi suất 6-7%/năm trong thời gian đầu.

Đại diện Agribank cho biết, từ đầu năm đến nay Agribank đã 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 1,3-2,5%/năm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, 2-3%/năm đối với lĩnh vực tiêu dùng; 3-4%/năm đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản... Đồng thời, Agribank cũng triển khai 7 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 2-3% so với lãi suất cho vay thông thường…

Tuy nhiên, tính đến 31/8/2023, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, mới tăng 2,4% so với đầu năm.

Tương tự, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cũng cho hay, trong 8 tháng năm 2023, ngân hàng đã 4 lần giảm lãi vay, trong đó, riêng trong tháng 8/2023, lãi suất các khoản cho vay mới đã giảm 1%/năm so với tháng trước. Tuy vậy, tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 8/2023 của ngân hàng cũng mới tăng 5,72% so với chỉ tiêu cả năm là 14%.

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 6, tiền gửi tiết kiệm của dân cư đạt hơn 6,38 triệu tỷ đồng, tăng 8,82% so với cuối năm 2022. So với tháng 5/2023, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tháng 6 đã tăng thêm 35,3 nghìn tỷ đồng. Lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt hơn 5,98 triệu tỷ đồng, tăng 0,51% so với cuối năm trước.

Thống kê báo cáo tài chính của 28 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, lượng tiền gửi vẫn ghi nhận đà tăng khá dù lãi suất huy động giảm sâu. Cụ thể, tính đến 30/6/2023, 28 ngân hàng ghi nhận tổng số dư tiền gửi khách hàng là gần 9,01 triệu tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cuối năm 2022.

Trong khi đó, theo thống kê từ NHNN, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đang tăng khá khiêm tốn, khi tính đến cuối tháng 6 tăng 4,7% so với cuối năm 2022 và đến cuối tháng 8 mới chỉ đạt 5,33%, thấp hơn nhiều so với mức 9,87% của cùng kỳ năm trước và cách xa so với mục tiêu 13-14% đã đề ra cho năm 2023.

Chênh lệch giữa huy động và cho vay như trên là do theo phản ánh của các doanh nghiệp, mặt bằng lãi suất nói chung đã giảm, song thực tế, lãi suất vay của một số ngân hàng vẫn neo ở mức cao từ 10-13%/năm, nhất là với những khoản vay cũ. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp và người dân phản ánh, mức lãi suất thấp chỉ được các ngân hàng áp dụng trong thời gian đầu rất ngắn (từ 6 đến 12 tháng) sau đó sẽ thả nổi và cộng với biên độ khoảng 3,5%/năm.

Do đó, dòng vốn tại các ngân hàng vẫn cần phải có nhiều giải pháp và nỗ lực hơn nữa để khơi thông. Tại cuộc họp về nâng cao khả năng tiếp cận vốn hồi đầu tháng 9 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đề nghị các cơ quan liên quan phải tìm điểm cân bằng, thiết kế lãi suất mặt bằng hợp lý… Đối với những gói hỗ trợ tín dụng đang còn hiệu lực thì tiếp tục cố gắng thúc thẩy, giải ngân tối đa có thể.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn