Lãi vay bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp xây dựng hạ tầng

Kết thúc quý 2/2023, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp mảng xây dựng hạ tầng khá ảm đạm.

Lãi vay bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp xây dựng hạ tầng

Kết thúc quý 2/2023, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp mảng xây dựng hạ tầng khá ảm đạm.

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý 2/2023 ngành xây dựng đã có sự phục hồi mạnh mẽ, nhất là so với quý trước đó. Nhóm doanh nghiệp mảng hạ tầng cũng không ngoại lệ. Dù vậy, kết quả kinh doanh chung vẫn giảm đáng kể so với cùng kỳ, phần lớn bị ảnh hưởng vì chi phí lãi vay.

Thống kê từ VietstockFinance, tổng doanh thu và lãi ròng của 45 doanh nghiệp xây dựng hạ tầng (trên HOSE, HNX, UPCoM) đã công bố BCTC quý 2/2023 đạt lần lượt hơn 13.6 ngàn tỷ đồng và gần 400 tỷ đồng, giảm hơn 1% và 75% so với cùng kỳ năm trước.

Dữ liệu cho thấy, có 12 doanh nghiệp giảm lãi, 8 doanh nghiệp lãi chuyển lỗ, 9 doanh nghiệp tiếp tục lỗ, trong khi 12 doanh nghiệp tăng lãi và 4 doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi.

Kinh doanh ảm đạm

Tuy khá hơn quý 1, nhưng so với quý 2 năm trước thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp xây dựng hạ tầng có kết quả kinh doanh giảm sâu.

Tổng công ty Sông Đà - CTCP (UPCoM: SJG) giảm lãi ròng hơn 90% so với cùng kỳ, chỉ còn 100 tỷ đồng. Nguyên nhân được doanh nghiệp đưa ra là do kỳ này không còn ghi nhận thu nhập từ khoản thoái vốn đầu tư.

Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII), Tập đoàn CIENCO4 (UPCoM: C4G) cũng không tránh khỏi khó khăn chung của thị trường. Cụ thể, CII lãi ròng chỉ còn hơn 36 tỷ đồng, bằng một nửa cùng kỳ năm trước. CII cho biết, do lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bất động sản giảm mạnh và Công ty không còn ghi nhận lãi thoái vốn công ty con cũng như chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính như cùng kỳ.

Tương tự, C4G báo doanh thu thuần hơn 622 tỷ đồng, lãi ròng gần 37 tỷ đồng, giảm lần lượt 21% và 17%; chủ yếu do lãi suất 6 tháng đầu năm 2022 thấp hơn cùng kỳ năm 2023, cùng với phí bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tiền tạm ứng 2023 cao hơn, dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm.

Riêng ông lớn Tasco (HNX: HUT), dù ghi nhận sự tích cực trong hoạt động thu phí đường bộ BOT và dịch vụ thu phí không dừng theo các hợp đồng ký mới cuối năm 2022, nhưng vẫn báo lãi ròng giảm 33%, còn gần 10 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do tăng chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí khác.

Doanh nghiệp xây dựng hạ tầng lãi ròng đi lùi trong quý 2/2023 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Thê thảm hơn, nhiều doanh nghiệp có lãi chuyển lỗ trong quý này. Đơn cử như Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (UPCoM: LLM) lỗ 37 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 39 tỷ đồng, dù doanh thu tăng 29%. LLM cho biết, do hoạt động kinh doanh các công ty con gặp khó khăn nên lợi nhuận giảm.

Tập Đoàn PC1 (HOSE: PC1) lỗ 26 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 64 tỷ đồng; chủ yếu do chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao.

Doanh nghiệp xây dựng hạ tầng lãi chuyển lỗ trong quý 2/2023 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Ảm đạm hơn là nhóm 9 công ty tiếp tục lỗ. Đứng đầu là Sông Đà 6 (HNX: SD6) với khoản lỗ ròng gần 33 tỷ đồng; nguyên nhân chủ yếu do các công trình không thực hiện đúng tiến độ, vì các chủ đầu tư thủy điện gặp vấn đề về vốn, dẫn đến phát sinh các chi phí trong khi doanh thu giảm.

Dù doanh thu tăng mạnh gần 7 lần so với cùng kỳ năm 2022, Đầu tư và Xây lắp Sông Đà (UPCoM: SDD) vẫn lỗ hơn 8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lỗ gần 2 tỷ đồng. Nguyên nhân do giá vốn tăng cao hơn doanh thu và tăng chi phí từ các khoản bị phạt.

Các doanh nghiệp như BOT Cầu Thái Hà (UPCoM: BOT), Xây dựng điện VNECO 1 (HNX: VE1), Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa (UPCoM: PVH) tiếp tục lỗ, dù khoản lỗ có phần giảm so với cùng kỳ năm trước.

Các doanh nghiệp tiếp tục lỗ ròng trong quý 2/2023 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Điểm sáng trong bức tranh tối màu

Dù toàn cảnh kết quả kinh doanh quý 2 sụt giảm rõ rệt, vẫn có 12 doanh nghiệp lãi ròng tăng trưởng.

Cụ thể, Sông Đà 9 (HNX: SD9) tăng mạnh nhất với lãi ròng 9 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ, dù doanh thu giảm 30%. Kết quả này nhờ tiết giảm chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Xây lắp Thành An 96 (HNX: TA9) có doanh thu gần 900 tỷ đồng, lãi ròng gần 7 tỷ đồng, lần lượt gấp 3 lần và 2 lần cùng kỳ, nhờ vào tăng doanh thu hợp đồng xây dựng.

Các khoản thu từ các dự án BOT và hoạt động xây lắp giúp ông lớn Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HOSE: HHV) tăng trưởng doanh thu lên 612 tỷ đồng, tăng 24% và lãi ròng đạt 95 tỷ đồng, tăng 18%.

Doanh nghiệp xây dựng hạ tầng có lãi ròng tăng trưởng trong quý 2/2023 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

4 doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi cũng là điểm sáng như Tổng Công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam (UPCoM: VIW) và Sông Đà 10 (HNX: SDT), cùng lãi khoảng 5 tỷ đồng; Đầu tư Kinh doanh Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (UPCoM: HTE) lãi 2 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Lãi vay ăn mòn lợi nhuận

Thống kê từ VietstockFinance cho thấy, có tới nửa (22/45) số doanh nghiệp chịu lãi vay tăng so với cùng kỳ. Tổng chi phí lãi vay hơn 1,341 tỷ đồng, tăng 30%. Một số công ty ghi nhận mức tăng bằng lần.

Cụ thể, Xây dựng Thủy lợi Lâm Đồng (HNX: LHC) có lãi vay tăng mạnh nhất, lên hơn 1 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ. Xếp ngay sau là Xây dựng điện VNECO 3 (HNX: VE3) với lãi vay hơn 1 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ.

Các ông lớn cũng có lãi vay tăng mạnh như C4G với 73 tỷ đồng, tăng 113%; CII gần 364 tỷ đồng, tăng 37%; PC1 hơn 219 tỷ đồng, tăng 54% và HHV hơn 171 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp có chi phí lãi vay tăng trong quý 2/2023 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Thanh Tú

FILI