Lạng Sơn thu nội địa năm 2023 vượt 20% dự toán

Bà Nguyễn Hằng Nga - Phó Cục trưởng Cục Thuế Lạng Sơn cho biết, ước thu nội địa trên địa bàn tỉnh năm 2023 đạt 2.515 tỷ đồng, đạt 120% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 114,3% dự toán UBND tỉnh, bằng 85,8% so cùng kỳ.

Để phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu nội địa năm 2024, cục thuế sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thuế nhằm tăng thu ngân sách ngay từ những tháng, quý đầu năm.

Lạng Sơn thu nội địa năm 2023 vượt 20% dự toán
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới nằm ở vùng Đông Bắc Bộ

>> Lạng Sơn lên kế hoạch chi gần 8.000 tỷ xây dựng cửa khẩu sử dụng AI kết nối với Trung Quốc

Thông tin từ Cục Thuế Lạng Sơn, có 6/7 đơn vị hoàn thành đạt và vượt dự toán giao. Trong đó, có 9/14 khoản thu, sắc thuế đạt và vượt dự toán được giao như: Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 100% dự toán; thuế thu nhập cá nhân đạt 123,8% dự toán; lệ phí trước bạ đạt 100% dự toán; phí, lệ phí đạt 357,9% dự toán, do tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn diễn ra thuận lợi hơn năm 2022, cơ bản đã bình thường hóa các hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu.

Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 225% dự toán; thu từ hoạt động xổ số đạt 107,7% dự toán; thu cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 133,3% dự toán; thu khác ngân sách đạt 189,3% dự toán; thu cổ tức, lợi nhuận được chia đạt 800% dự toán.

Tuy nhiên, vẫn còn 5 khoản thu chưa đạt dự toán: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đạt 91,5% dự toán, nguyên nhân hụt thu ở khu vực này tập trung ở một số doanh nghiệp có số thu chiếm tỷ trọng lớn như: Tổng Công ty Mỏ công nghiệp Việt Bắc TKV-CTCP; Tổng Công ty Điện lực TKV-CTCP; Viettel Lạng Sơn; Công ty Điện lực Lạng Sơn; Công ty Bảo hiểm Bưu điện Lạng Sơn…

>> Cập nhật thông tin mới nhất về dự án khu công nghiệp hơn 6.000 tỷ đồng tại Lạng Sơn

Thu từ DNNN địa phương đạt 87,5% dự toán; thu từ DN đầu tư nước ngoài đạt 73,4% dự toán; thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước đạt 84,6% dự toán; thuế bảo vệ môi trường đạt 68,8% dự toán, nguyên nhân đạt thấp so cùng kỳ do ảnh hưởng việc áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15.

Ngoài thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên về di tích lịch sử, văn hóa, Lạng Sơn còn nổi lên như một điểm sáng đầu tư ở khu vực Đông Bắc với lợi thế về vị trí gần cửa khẩu, hạ tầng hoàn thiện nhiều dự án lớn và phát triển đồng bộ thương mại, du lịch.

Lạng Sơn được mệnh danh là “hòn ngọc phía Bắc của Tổ quốc”, điểm đầu của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đồng thời, là cửa ngõ của các nước ASEAN với thị trường phía Nam Trung Quốc trong khu vực mậu dịch tự do giữa ASEAN với Trung Quốc.

>> Thủ tướng phát lệnh khởi công tuyến cao tốc 14.000 tỷ đồng nối Cao Bằng – Lạng Sơn

Xem thêm tại nguoiquansat.vn