Lấy trải nghiệm khách hàng là thước đo cho chuyển đổi số ngân hàng

Theo NHNN, nhiều nghiệp vụ ngân hàng cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100%, nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn.

Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017-2023 đạt trên 100%/năm.

Ngày 8/5/2024, phát biểu tại sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024 do Thời báo Ngân hàng, Vụ Thanh toán (NHNN) và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, hoạt động chuyển số ngành ngân hàng đã ghi nhận những thành tựu rõ nét từ cơ sở pháp lý đến cơ sở hạ tầng.

Theo đó, các công nghệ số mới, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ để phục vụ nhu cầu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân, doanh nghiệp.

Chia sẻ về những thành quả đạt được về số hoá tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), ông Đỗ Quang Vinh, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc cho hay, sản phẩm “Dịch vụ thu hộ qua tài khoản định danh SLINK” của SHB giúp các giao dịch của khách hàng doanh nghiệp đảm bảo ba yếu tố: linh hoạt, nhanh chóng, hiệu quả… từ đó thuận tiện trong quản lý dòng tiền.

Còn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc cho biết, BIDV đã xác định “công nghệ và chuyển đổi số” là một trong 3 trụ cột chính trong chiến lược hoạt động. Vào cuối năm 2023, BIDV đã hợp tác với IBM ra mắt hệ thống BIDV Open API, được thiết kế theo các chuẩn mực quốc tế, bảo mật nhiều lớp. BIDV sẽ tiếp tục mở rộng các gói API mới cho các dịch vụ tài trợ thương mại, bảo lãnh, tài trợ chuỗi cung ứng...

Với Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), ngay từ năm 2018, OCB đã cho ra mắt phiên bản ngân hàng số OCB OMNI và tính đến cuối năm 2023 đã đạt 55 triệu giao dịch, tăng 25 lần so với năm 2018, tỷ lệ khách hàng gửi tiết kiệm online trên tổng khách hàng gửi tiết kiệm đạt 41%... OCB còn tập trung đẩy mạnh vào các sản phẩm số khác như nền tảng tìm, vay mua nhà Unlock Dreamhome, ngân hàng số Liobank dành riêng cho khách hàng trẻ...

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) đang tích cực phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp giấy phép cung cấp giải pháp xác thực người dùng bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip.

Theo đó, 48 TCTD đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chíp qua ứng dụng điện thoại; 24 TCTD đã ký kết với C06 (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an) triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng theo phương thức offline; 19 TCTD đang triển khai thử nghiệm ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID) vào một số nghiệp vụ...

Không chỉ các TCTD, nhiều doanh nghiệp công nghệ cũng đang “góp sức” vào công cuộc chuyển đổi số ngành ngân hàng – tài chính.

Ông Trần Đăng Hoà, Chủ tịch Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) cho biết, 76% tỷ lệ các cuộc lừa đảo hiện nay là nhằm vào lừa đảo tài chính. Với con số 11 tỷ giao dịch không dùng tiền mặt và sẽ không ngừng tăng trưởng, việc đảm bảo cho các giao dịch được xác thực an toàn, nhanh chóng, hiệu quả là vấn đề tiên quyết.

Vì thế, FPT đang song hành cùng Bộ Công an thúc đẩy mạnh mẽ Đề án 06 trong ngành tài chính - ngân hàng với hàng triệu giao dịch đã được xác thực trực tiếp với dữ liệu của Bộ Công An. Trong đó, FPT.IDCheck là công cụ hỗ trợ tổ chức và doanh nghiệp số hóa trải nghiệm xác thực định danh của người dùng trong các dịch vụ tài chính. Hơn nữa, FPT còn phát triển Hệ sinh thái tài chính số TradeFlat nhằm cung cấp nền tảng giao dịch toàn trình trong quy trình L/C nội địa và quốc tế, tài trợ chuỗi cung ứng và bảo lãnh điện tử nội địa, từ đó mở ra cơ hội kết nối toàn diện nền kinh tế số Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với đó, theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), các ngân hàng đã liên thông trong thanh toán các dịch vụ công như hải quan, thuế, y tế, giáo dục... vừa giúp quản lý dòng tiền, vừa tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên.

Với sự nỗ lực của các bên trong công cuộc chuyển đổi số ngành tài chính – ngân hàng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho rằng, xu hướng chuyển đổi số ngành ngân hàng thời gian tới cần được xem xét, thúc đẩy qua 4 khía cạnh là dữ liệu, ứng dụng công nghệ số, phục vụ sự phát triển nhanh bền vững và đảm bảo an toàn thông tin.

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá cao công tác chuyển đổi số quốc gia ngành ngân hàng. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, thể chế, chính sách vẫn còn nhiều vướng mắc, như nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt chưa được ban hành…

Ngoài ra, hạ tầng số, nền tảng số còn chưa theo kịp nhu cầu thực tế. Công tác bảo đảm an ninh an toàn, bảo mật thông tin còn nhiều thách thức, còn chưa ngăn chặn được các mã độc tống tiền đang ngày càng phổ biến (quý 1/2024 đã ghi nhận gần 2.400 cuộc tấn công mạng)…

Vì thế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện thể chế; tiếp tục nâng cấp, phát triển các hạ tầng thanh toán đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán đa dạng; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để triển khai liên thông dữ liệu, qua đó cung cấp ngày càng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; có chính sách thu hút, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường việc phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm và bảo đảm an ninh trên môi trường số; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục để nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân, doanh nghiệp nhằm hạn chế nguy cơ gian lận, lừa đảo.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn