LDG lấy tiền đâu để phát hành cổ phiếu ESOP?

Tuần này, có 22 doanh nghiệp thông báo chốt quyền để trả cổ tức, trong đó 20 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt và 2 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu.

TV2 bị phạt và truy thu hơn 2 tỷ đồng

Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (mã chứng khoán: TV2) vừa công bố thông tin về việc bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế qua kiểm tra thuế các năm 2020, 2021 và 2022.

Cụ thể, Tổng cục Thuế phạt hành chính TV2 hơn 400 triệu đồng; truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 là hơn 1,24 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân các năm 2020, 2021, 2022 là hơn 232,7 triệu đồng; thuế giá trị gia tăng năm 2021 là gần 56 triệu đồng và tiền chậm nộp thuế là 126,4 triệu đồng. Tổng cộng, TV2 bị phạt và truy thu thuế hơn 2 tỷ đồng.

LDG lấy tiền đâu để phát hành cổ phiếu ESOP? ảnh 1

TV2 khẳng định “không trốn thuế hoặc cố ý trốn thuế”.

Theo giải trình, TV2 có hoạt động sản xuất kinh doanh điện tại tỉnh Bình Thuận, thực hiện kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng tại tỉnh Bình Thuận. Trong năm 2021, do sơ sót, công ty chưa nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng vào tháng 12/2021 nhưng đã nộp tiền thuế vào tài khoản ngân sách nhà nước đúng hạn với số tiền gần 56 triệu đồng nên công ty đã được bù trừ số tiền nộp theo quy định.

Do đó, TV2 khẳng định “không trốn thuế hoặc cố ý trốn thuế”. TV2 đang làm việc với Cục Thuế tỉnh Bình Thuận và đề nghị HoSE xem xét chưa đưa cổ phiếu TV2 vào danh sách không được giao dịch ký quỹ.

Công ty CP Đầu tư LDG (mã chứng khoán: LDG) vừa thông qua kế hoạch phát hành 12,8 triệu cổ phiếu ESOP năm 2023 với giá 0 đồng. Theo đó, công ty dự kiến dùng nguồn tiền từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để phát hành cổ phiếu ESOP.

Như vậy, với việc người lao động không nộp tiền và phát hành bằng mệnh giá, công ty dự kiến sẽ phải chuyển hơn 128 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sang vốn điều lệ, tăng vốn tương ứng với số lượng cổ phiếu ESOP thưởng cho nhân viên.

Quý III, LDG kinh doanh không khởi sắc. Doanh thu thuần âm hơn 500 triệu đồng và không ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính. Chi phí tài chính tăng 42% so cùng kỳ, lên 49 tỷ đồng khiến LDG tiếp tục bị thua lỗ trong quý III.

Lũy kế 9 tháng, LDG lỗ ròng hơn 209 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 8 tỷ đồng. Tại thời điểm ngày 30/9, LDG có tổng giá trị tài sản gần 2.094 tỷ đồng, giảm 14% so đầu năm. Trong đó, khoản tiền và tương đương tiền 47 tỷ đồng (gấp 15 lần đầu năm), hầu hết là khoản tiền gửi ngân hàng.

LDG lấy tiền đâu để phát hành cổ phiếu ESOP? ảnh 2

LDG sẽ phát hành 12,8 triệu cổ phiếu ESOP trong năm 2023.

LDG có hàng tồn kho ở mức 1.228 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Cuối quý III, LDG còn hơn 4.558 tỷ đồng nợ phải trả, giảm nhẹ 1% so với đầu năm. Trong đó, khoản vay ngắn hạn 1.032 tỷ đồng và 300 tỷ đồng khoản vay dài hạn.

Người nhà lãnh đạo Thép Pomina tiếp tục bán cổ phiếu

Sau khi em gái ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thép Pomina (mã chứng khoán: POM) đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu ít ngày trước, tới lượt chị gái ông Thái cũng muốn thoái vốn.

Theo đó, bà Đỗ Thị Nguyệt đăng ký bán 3,5 triệu cổ phiếu POM từ ngày 22/11 đến 20/12 theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh. Nếu bán hết số cổ phiếu trên, bà Nguyệt sẽ giảm sở hữu tại POM từ gần 4,6 triệu cổ phần xuống còn gần 1,1 triệu cổ phần. Ước tính, bà Nguyệt có thể thu về hơn 17 tỷ đồng từ giao dịch trên.

Trước đó, từ ngày 15/11 - 14/12, bà Do Nhung (em gái ông Thái) đã đăng ký bán toàn bộ 6,57 triệu cổ phiếu POM sau nhiều lần đăng ký thoái vốn bất thành do không đạt được giá kỳ vọng.

9 tháng đầu năm 2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu 2.948 tỷ đồng (giảm 73,5% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ 647 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu POM đang trong tình trạng bị kiểm soát.

LDG lấy tiền đâu để phát hành cổ phiếu ESOP? ảnh 3

Người nhà ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thép Pomina liên tục đăng ký bán cổ phiếu.

Công ty CP Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán: BMP) thông báo 21/11 là ngày đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức tiền mặt đợt 1 năm 2023 với tỷ lệ 65% mệnh giá (cổ đông sở hữu 1 cổ phần được nhận 6.500 đồng).

Nhựa Bình Minh là một trong những doanh nghiệp có chính sách chia cổ tức ổn định nhất trên sàn chứng khoán. Năm 2022, BMP trích 99% lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức tiền mặt.

Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (mã chứng khoán: NCT) thông báo ngày đăng ký cuối cùng để nhận tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2023 là 22/11 và ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 21/11. Tỷ lệ thực hiện đối với lần trả cổ tức này là 30%. Với hơn 26 triệu cổ phiếu đang lưu hành, NCT sẽ chi ra hơn 78 tỷ đồng để chi trả cổ tức lần này. Trong đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: HVN) là cổ đông lớn nhất của NCT (với tỷ lệ sở hữu 55,13%) sẽ nhận về hơn 43 tỷ đồng cổ tức từ đợt tạm ứng này.

Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Mobifone (mã chứng khoán: MFS) cho biết, ngày 23/11 sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 30%. Với hơn 7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, MFS sẽ chi khoảng 21 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Đây là mức chia cổ tức cao nhất trong 5 năm qua. Các năm từ 2019 - 2021, MFS chia cổ tức 25% bằng tiền mặt mỗi năm. Năm 2018, con số này là 15%.

Xem thêm tại tienphong.vn