Liên kết doanh nghiệp với hợp tác xã để nâng chuỗi giá trị

Khó khăn do thiếu năng lực, "bẻ kèo"

Hiện nay, cả nước có hơn 31.700 HTX, 158 liên hiệp HTX và 73 nghìn tổ hợp tác. Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, nhiều loại hình HTX liên kết trong sản xuất kinh doanh tạo nên chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững giữa các HTX với nhau và giữa HTX với doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, trong liên kết chuỗi giá trị, HTX nông nghiệp vừa đóng vai trò thúc đẩy liên kết ngang giữa các hộ nông dân thông qua các hoạt động kinh tế tập thể để tổ chức sản xuất, vừa thúc đẩy liên kết dọc với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Liên kết trong HTX sẽ giúp tổ chức sản xuất ra khối lượng sản phẩm lớn, đồng đều, chất lượng đảm bảo yêu cầu của doanh nghiệp, giảm chi phí sản xuất. Doanh nghiệp nông nghiệp là tác nhân trung gian chủ đạo, đóng vai trò khâu kết nối và thúc đẩy liên kết dọc với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tại Diễn đàn HTX Quốc gia 2024 vừa diễn ra, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, doanh nghiệp luôn xác định phục vụ bà con nông dân từ giống tới dịch vụ, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo yêu cầu… nhưng trong liên kết lại nảy sinh nhiều vấn đề từ tư cách pháp nhân, thuế, pháp lý đến tình trạng “bẻ kèo”…

Cụ thể là liên kết không chặt chẽ do tính pháp lý yếu dẫn đến nông dân không tôn trọng hợp đồng liên kết với HTX nên không thực hiện được đơn hàng lớn để duy trì hiệu quả hoạt động. HTX nhỏ, không có vốn tổ chức liên kết sản xuất lớn, không có năng lực cạnh tranh hoặc thế mạnh thương thảo với các đối tác cung ứng đầu vào. HTX không có nhân sự kỹ thuật và nhân sự quản lý nên không đáp ứng được các đơn hàng lớn đầu ra. HTX không có tài sản đảm bảo, không có uy tín vay ngân hàng và không có vốn sản xuất… Vì thế, ông Huỳnh Văn Thòn nhận định, đây là những rào cản lớn trong nỗ lực triển khai hiệu quả việc liên kết sản xuất giữa các HTX và doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) nhìn nhận, quy mô sản xuất và cung ứng của các tổ chức HTX dù có nỗ lực lớn để phát triển nhưng chưa có tính chuyên môn hóa cao. Việc liên kết giữa các HTX với các thành phần kinh tế khác bắt đầu hình thành nhưng còn ít, vì thế tính liên kết chưa cao…

Hình thành những mô hình liên kết hiệu quả

Thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích HTX tham gia liên kết chuỗi giá trị. Như về ưu đãi tín dụng, HTX được vay tín dụng ưu đãi để sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết tối đa bằng 70% giá trị của dự án theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, HTX còn được giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm khi tham gia mua bảo hiểm cho đối tượng sản xuất nông nghiệp hình thành từ nguồn vốn vay quy định. Cùng với đó, Chính phủ có thêm các chính sách ưu đãi về giao, cho thuê đất, ưu đãi thuế; hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo; hỗ trợ xúc tiến thương mại và ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; đầu tư kết cấu hạ tầng…

Tuy nhiên, do liên kết còn yếu nên nhiều chính sách ưu đãi chưa phát huy hết hiệu quả. Chẳng hạn, về ưu đãi tín dụng, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 2/2024, tín dụng đối với HTX, Liên hiệp HTX đạt 6.024 tỷ đồng (1.200 HTX, Liên hiệp HTX có dư nợ), giảm 1,69% so với cuối năm 2023. NHNN cho biết, tín dụng còn hạn chế do liên kết còn yếu, chưa hình thành các chuỗi liên kết hoàn chỉnh, cộng thêm các rủi ro thị trường, giá cả cũng như phương án vay vốn kém khả thi, không hiệu quả…

Vì thế, các chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp và HTX cần tận dụng những ưu đãi từ cơ quan quản lý và cơ hội từ thị trường để thúc đẩy liên kết, hình thành chuỗi giá trị. Ông Huỳnh Văn Thòn cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, bà con nông dân và HTX cần liên kết với nhau thật tốt để tổ chức nguồn nguyên liệu, sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Nhưng điều này cũng cần sự tham gia đầu tư sâu của doanh nghiệp với các HTX về thị trường, đầu tư cơ sở vật chất, cam kết chất lượng sản phẩm theo quy trình canh tác và yêu cầu của đơn đặt hàng.

Về phía HTX, ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc HTX Đầu tư Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (Hà Nội) cho rằng, chính bản thân lãnh đạo không ít HTX vẫn chưa hiểu thế nào là liên kết chuỗi nên cần nâng cao năng lực quản lý điều hành cũng như công tác dự báo thị trường cho các HTX. Ngoài ra, các HTX còn kiến nghị được hỗ trợ thêm về nguồn vốn, tạo điều kiện thông thoáng cho HTX vay vốn...

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến nghị, doanh nghiệp được xác định là đầu tàu của liên kết cần tạo điều kiện hình thành những mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp - HTX - nông dân gắn với ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, cần đẩy mạnh xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm sản xuất theo chuỗi gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm; rà soát và đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp và liên kết…

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn