Lisa Su: Nữ CEO từng cứu AMD từ vực thẳm, tiếp tục đặt mục tiêu đưa AMD vượt qua Nvidia

Năm 2014, khi đã 53 tuổi, Lisa Su vẫn quyết định đảm nhiệm vị trí CEO của AMD (Advanced Micro Devices), thời điểm mà giá cổ phiếu của công ty sản xuất chất bán dẫn chỉ dao động quanh mức 2 USD. Đánh giá tình trạng công ty lúc đó, Cựu giám đốc điều hành của AMD, Patrick Moorhead mô tả AMD “gần như đã chết”.

Thế nhưng, tận dụng sai lầm của các nhà sản xuất chất bán dẫn khác, Su nhanh chóng giúp AMD ký kết thỏa thuận với các đối tác hàng đầu trong thị trường công nghệ như Lenovo, Sony, Google hay Amazon... Sau 9 năm tiếp quản, Lisa Su thành công đưa cổ phiếu của AMD tăng gần 30 lần. 

HÀNH TRÌNH CỦA LISA SU TẠI AMD 

Khi Su được đề bạt vào vị trí CEO của AMD vào năm 2014, các nhà phân tích gọi công ty là “không thể đầu tư được” với khoản nợ 2,2 tỷ USD. Thời điểm đó, gặp khó khăn mọi mặt, AMD không thể cung cấp đúng hạn các sản phẩm cho khách hàng, khi này, hai nhà sản xuất chất bán dẫn là Intel và Nvidia tiến lên, thay nhau thống trị các ngách của thị trường. Su thừa nhận: “Công nghệ của chúng tôi không đủ khả năng cạnh tranh vào thời điểm đó”.

Cuối những năm 90 và đầu những năm 2000. AMD, vốn chỉ là công ty sản xuất chất bán dẫn hạng hai, bắt đầu tạo ra lợi nhuận kỷ lục bằng cách xây dựng bộ vi xử lý của riêng mình để đánh bại ông lớn Intel về tốc độ.

Thế nhưng, đến năm 2014, những ngày huy hoàng của AMD chấm dứt, khoảng một phần tư nhân viên của AMD, bị người tiền nhiệm của Su, Rory Read, sa thải. Nếu AMD từng chiếm khoảng một phần tư thị trường chip máy chủ (trị giá 24 tỷ USD hiện nay), thì đến năm 2014, thị phần của họ đã giảm xuống còn 2%. Lúc đó với tư cách là Giám đốc điều hành, Su đã cổ vũ tinh thần nhân viên: “Tôi tin rằng chúng ta có thể xây dựng lại tất cả”. Lisa Su, nhà lãnh đạo nữ đã tạo nên huyền thoại sau này từng chia sẻ lại: “Hiển nhiên tôi phải nói điều đó, nhưng nó thực sự là điều khó xảy ra với công ty tôi vào thời điểm đó”. 

Lời kêu gọi này là bước đầu tiên trong kế hoạch ba hướng của nữ doanh nhân để khắc phục tình hình của AMD: Tạo ra những sản phẩm tuyệt vời, củng cố lòng tin của khách hàng và đơn giản hóa công ty. 

Những năm đầu lãnh đạo AMD của Su, thị phần của AMD trong thị trường sản xuất máy chủ tiếp tục giảm xuống còn nửa phần trăm. Các nhà nghiên cứu của AMD lúc này làm việc cật lực trong phòng thí nghiệm. Năm 2017, họ ra mắt chip mới có tên Zen với khả năng tính toán nhanh hơn 50% so với các thiết kế trước đây của công ty. Động thái này đã xoay chuyển tình thế của AMD trong ngành công nghiệp. Đến năm 2020, thế hệ thứ ba của Zen, được phát hành, chính thức dẫn đầu thị trường chip về tốc độ. Kiến trúc của Zen hiện vẫn là nền tảng cho tất cả các bộ xử lý của AMD.

Sản phẩm đột phá đã giúp AMD thành công ký kết các thỏa thuận với các gã khổng lồ công nghệ, vốn cần rất nhiều CPU để cung cấp năng lượng cho các dự án đám mây đang bùng nổ của họ. Tháng 2 năm ngoái, vốn hóa thị trường của AMD lần đầu tiên vượt qua Intel. 

CỰU CEO IBM: LISA SU LÀ MỘT TRONG NHỮNG NHÂN VIÊN XUẤT SẮC NHẤT  

Lisa Su sinh ra ở Đài Loan, vào năm 1969, cùng năm thành lập của AMD. Khi bà lên 3, gia đình bà di cư đến thành phố New York. Khi học đại học, bà chọn ngành kỹ thuật điện tại Học viện Công nghệ Massachusetts. Một bạn học từng nhận xét về Lisa Su: “Su rất hòa đồng, cô ấy luôn là người giữ hòa khí khi xảy ra bất đồng”. 

Năm 1995, bà làm nhân viên nghiên cứu tại IBM và đưa những con chip của IBM chạy nhanh hơn 20% bằng cách sử dụng chất bán dẫn với mạch đồng thay vì nhôm truyền thống. Cấp trên nhanh chóng phát hiện ra tài năng của bà: Năm 1999, một năm sau khi ra mắt công nghệ đồng, Giám đốc điều hành lúc bấy giờ của IBM, Lou Gerstner, mời bà làm trợ lý kỹ thuật của mình. Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên sau 20 năm, Gerstner nói với Forbes rằng ban đầu ông lo lắng Su còn quá ít tuổi so với công việc, nhưng những nghi ngờ của ông nhanh chóng bị dập tắt: “Cô ấy là một trong những nhân viên xuất sắc nhất mà tôi từng làm việc cùng. Lisa không tuân theo những khuôn mẫu bình thường, cô ấy đã thổi bay chúng trong toàn bộ sự nghiệp của mình”. 

AMD QUYẾT TÂM CẠNH TRANH VỚI GPU H100 CỦA NVIDIA 

Su đang đối đầu với Nvidia trong cuộc chiến AI với vũ khí bí mật là Instinct MI300, con chip kết hợp CPU truyền thống với bộ xử lý GPU thường được sử dụng trong chơi game   
Su đang đối đầu với Nvidia trong cuộc chiến AI với vũ khí bí mật là Instinct MI300, con chip kết hợp CPU truyền thống với bộ xử lý GPU thường được sử dụng trong chơi game   

Năm 2022, một siêu máy tính được hoàn thành tại Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge của Tennessee được đánh giá là siêu máy tính nhanh nhất cũng là dự án tâm huyết của Su. Cỗ máy đột phá này được chế tạo với sức mạnh xử lý ít nhất một triệu phép tính mỗi giây. Lisa Su cho biết bà đang có kế hoạch tung ra Chip MI300, kết hợp CPU với GPU nhằm đối đầu với siêu chip mới của Nvidia vào cuối năm nay.

Để tăng sức mạnh để cạnh tranh cùng Nvidia, Lisa Su quyết định để AMD thực hiện thương vụ mua lại Xilinx trị giá 48,8 tỷ USD vào năm 2022, một công ty chuyên sản xuất bộ xử lý lập trình giúp tăng tốc các tác vụ như nén video. 

Theo nhiều nhà quan sát, hiện nay, một số khách hàng của AMD hay các nhà sản xuất chất bán dẫn khác bắt đầu tự phát triển chip–một động thái được thiết kế để giảm thiểu sự phụ thuộc của họ vào các gã khổng lồ bán dẫn. Ví dụ, Amazon đã thiết kế chip máy chủ vào năm 2018 cho hoạt động kinh doanh AWS, Google đã dành gần một thập kỷ để phát triển chip AI của riêng mình, được gọi là Bộ xử lý Tensor, để giúp “đọc” tên của các biển báo được chụp bởi các camera Street View lưu động của họ và cung cấp mã lực đằng sau chatbot Bard của công ty. Ngay cả Meta cũng đang có kế hoạch xây dựng phần cứng AI của riêng mình.

Đứng trước những thông tin này, Su phủ nhận những lo ngại rằng một ngày nào đó khách hàng của bà có thể trở thành đối thủ cạnh tranh. Nữ doanh nhân nói: “Đó là điều tự nhiên khi các công ty muốn phát triển các thiết bị của riêng họ để tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng khách hàng của chúng tôi không đủ khả năng để thực hiện toàn bộ chu kỳ sản xuất”. 

Xem thêm tại vneconomy.vn