[Live] ĐHĐCĐ Nam Kim: Nhà máy mới ở Phú Mỹ vẫn đúng tiến độ, có thể sản xuất cả linh kiện ô tô

Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Nam Kim. (Ảnh:. X.N).
Thảo luận
-Ban lãnh đạo cho biết nhà máy mới ở Phú Mỹ khi nào đi vào hoạt động? Nêu thị trường mục tiêu và khi nào chạy hết công suất?
Nhà máy mới dự kiến đầu quý I/2026 đi vào hoạt động, vẫn đúng tiến độ đề ra. Hiện bối cảnh mới chiến tranh thương mại xảy ra, nhà máy mới sẽ tập trung vào nội địa, các sản phẩm mới. Kỳ vọng mở rộng thị phần nội địa.
Nhà máy cần thời gian 2-3 quý, kỳ vọng quý IV/2026 sẽ chạy 50-60% công suất. Kỳ vọng từ 2027 chạy hết công suất.
-Nhà máy mới sử dụng công nghệ ra sao? Nam Kim có tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện cho doanh nghiệp FDI ví dụ như Samsung hay không?
Nhà máy mới kỳ vọng sẽ đáp ứng cả nội địa và xuất khẩu. Nam Kim có hiểu biết nhất định về chuỗi cung ứng FDI cũng như phân khúc này. Công ty cũng xúc tiến cho nhà máy Phú Mỹ. Lĩnh vực này có những yêu cầu riêng, song công ty cho rằng không vượt quá so với định hướng của nhà máy. Công ty đặt mục tiêu đi sâu, đúng hướng vào lĩnh vực công nghiệp linh kiện này.
-Doanh nghiệp huy động qua kênh vay vốn bao nhiêu?
Công ty vừa huy động vốn để rót vào nhà máy mới, còn lại đi vay. Công ty xác định nhà máy sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
-Công ty có dự định mua cổ phiếu quỹ không?
Công ty vừa phát hành cổ phiếu để huy động vốn. Nếu mua cổ phiếu quỹ thì lại giảm vốn, sẽ bất cập, nên công ty chưa có ý định mua cổ phiếu quỹ.
Thuế đối ứng diễn ra trên toàn thế giới. Nam Kim có ảnh hưởng nhưng không phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Mỹ.
-Công ty nhận định gì về thép rẻ Trung Quốc?
Hiện các mặt hàng chính từ Trung Quốc đều đã có thuế chống bán phá giá rồi. Thuế mới áp dụng nên vẫn còn lượng hàng tồn kho.
-Cổ đông mua cổ phiếu NKG nhưng thị giá từ lúc mua đến nay đã chia đôi. Ban lãnh đạo có cam kết đồng hành với công ty không?
Rất buồn khi thị giá đã về lúc phát hành. Hội đồng quản trị và ban tổng giám đốc kỳ vọng đầu tư lâu dài sẽ có lời, nếu nói ngắn hạn sẽ không nói được. Thị trường, nền kinh tế bây giờ có nhiều bất ổn, khi Mỹ áp thuế đối ứng. Kỳ vọng khi nhà máy mới đi vào hoạt động tình hình kinh doanh sẽ khởi sắc.
-Nhận định về thị trường thép nội địa, xuất khẩu thời gian tới?
Hiện ngành tôn mạ canh tranh rất khốc liệt. Các doanh nghiệp Việt Nam (trừ FDI) tập trung chủ yếu cho lĩnh vực xây dựng trong nước. Thậm chí hàng xuất khẩu cũng đang cạnh tranh vào đây.
Dự án mới đang đầu tư công nghệ mới, nhằm sản xuất các sản phẩm mới. Những dải sản phẩm đa dạng hơn, dành cho linh kiện ô tô, trang trí nội thất… kỳ vọng sẽ giúp công ty phát triển thị trường này, ít cạnh tranh hơn, nhưng cũng khó tính hơn.
Nam Kim định hướng nhắm đến sản phẩm thị trường cần, chất lượng cao nhưng giá thấp.
-Nhận định về thuế đối ứng của Mỹ?
Thuế đối ứng (dự kiến 46%) thì thép không thuộc danh mục này, nhưng vẫn bị 25% từ section 232. Về mặt chính thức, thuế đối ứng không ảnh hưởng. Tôn mạ từ tháng 9/2024, Mỹ đã tiến hành điều tra chống bán phá giá, chống trợ chấp. Như vậy, thuế sơ bộ khá bất lợi, đánh giá đi thị trường Mỹ rất khó khăn. Xuất khẩu đi Mỹ không còn diễn ra trong vòng hai quý rồi. Không thể xấu hơn được.
Cổ đông nên bình tĩnh trong giai đoạn này, từ đó cổ phiếu sẽ khởi sắc hơn. Hiện thị trường Mỹ rất khó. Trong vòng 3-6 tháng tới kỳ vọng tình hình sẽ ổn định hơn.
Kế hoạch kinh doanh thận trọng
Cho năm 2025, Thép Nam Kim đặt mục tiêu doanh thu 23.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 440 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận giảm hơn 21% so với năm 2024. Công ty kỳ vọng tiêu thụ 1,05 triệu tấn thép, tăng nhẹ so với mức 1,02 triệu tấn đã đạt được.
Kế hoạch thận trọng được đưa ra giữa bối cảnh thị trường thép vẫn đối mặt với nhiều rủi ro. Ban lãnh đạo đánh giá ngành thép sẽ tiếp tục hồi phục nhưng mức tăng chưa có dấu hiệu tích cực chắc chắn.
Ngoài yếu tố suy thoái kinh tế toàn cầu, các rào cản thương mại cũng là thách thức lớn với ngành thép, nhất là khi nhiều quốc gia đang tăng cường chính sách phòng vệ, gần đây nhất là Mỹ.

(Nguồn: X.N tổng hợp).
Để ứng phó, Thép Nam Kim xác định chiến lược trọng tâm năm 2025 là nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết giảm chi phí, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu – đặc biệt là châu Âu và Bắc Mỹ, đồng thời đẩy mạnh phát triển các sản phẩm có biên lợi nhuận cao, như tôn mạ cao cấp cho ngành công nghiệp, ô tô và đồ gia dụng.
Về kết quả kinh doanh năm 2024, Thép Nam Kim đạt doanh thu 20.707 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ và hoàn thành gần 99% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế tăng gấp ba lần lên 558 tỷ đồng, vượt 133% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 453 tỷ đồng, tăng gần 286%.
Sản lượng bán hàng năm 2024 đạt 1,02 triệu tấn, tăng 18,8%. Trong đó, tôn mạ đạt 892.252 tấn (tăng 23,5%) và ống thép đạt 130.542 tấn (giảm 5,9%).
Năm 2024, giá thép cuộn cán nóng (HRC) trung bình chỉ còn 513,9 USD/tấn, giảm 11,3%, gây áp lực lên biên lợi nhuận ngành và buộc nhiều doanh nghiệp phải trích lập giảm giá hàng tồn kho. Tuy nhiên, biên lợi nhuận kinh doanh của Thép Nam Kim vẫn duy trì ổn định ở mức 2,7%, cao hơn đáng kể so với mức 0,95% của năm 2023.
Ban lãnh đạo tiếp tục đề xuất không chia cổ tức cho năm 2024, thay vào đó chỉ trích lập các quỹ: dự trữ bắt buộc (2%), đầu tư phát triển (3%) và khen thưởng phúc lợi (5%).
Phát hành 4,5 triệu cổ phiếu ESOP
Một nội dung đáng chú ý khác tại đại hội là việc trình thông qua phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2025, đồng thời hủy bỏ phương án ESOP 2024 đã được thông qua trước đó.
Theo đề xuất, Thép Nam Kim dự kiến phát hành tối đa 4,5 triệu cổ phiếu, tương đương 1% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, với giá phát hành 10.000 đồng mỗi cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên.
Tổng giá trị phát hành ước tính khoảng 45 tỷ đồng. Các cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng: 50% không được giao dịch trong 1 năm và phần còn lại bị hạn chế trong 2 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Tiếp tục cập nhật...
Xem thêm tại vietnambiz.vn