Lo cấp điện khi kinh tế tăng mạnh trở lại

Dự kiến nhu cầu điện cho sản xuất sẽ tăng cao trong năm 2024 khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục
Dự kiến nhu cầu điện cho sản xuất sẽ tăng cao trong năm 2024 khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục

Sản xuất tăng ca, nhu cầu điện tăng

Ông Chu Hữu Nghị, Phó tổng giám đốc Tổng công ty May Hưng Yên cho hay, Công ty đã ký được đơn hàng đến hết tháng 2/2024 và một phần tháng 3. Đơn hàng cho các tháng tiếp theo cũng được dự báo có triển vọng và sẽ tăng trưởng từ quý II/2024 trở đi. Điều này khiến doanh nghiệp phải tăng ca trở lại.

Tương tự, ông Đào Văn Cường, Giám đốc Công ty Giày Sao Vàng (Thái Bình) thông tin, sẽ tuyển thêm lao động mới khi đơn hàng trong nửa đầu năm 2024 đã được đảm bảo.

Theo báo cáo về thị trường lao động năm 2024 của Navigos Group, gần 60% doanh nghiệp được khảo sát có kế hoạch tuyển dụng thêm lao động trong năm 2024.

Ngoài Hà Nội và TP.HCM cần tuyển thêm 100.000 lao động, các khu công nghiệp ở nhiều địa phương cũng có kế hoạch tuyển dụng lao động số lượng lớn.

Tại Bắc Giang, các khu công nghiệp đều có kế hoạch tuyển dụng thêm lao động cả kỹ thuật và phổ thông. Thông tin được Giám đốc Trung tâm Dịch vụ lao động Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Huế đưa ra, trong quý I/2024, các doanh nghiệp cần thêm 22.000 lao động, cả năm lên tới 100.000 lao động.

Không ít doanh nghiệp cần tuyển lao động với số lượng lớn. Đơn cử, Công ty Luxshare ICT có kế hoạch tuyển dụng lao động cho nhà máy tại Bắc Giang và Nghệ An ngay sau Tết Nguyên đán và kéo dài tới tháng 8/2024, với số lượng lên tới 55.000 vị trí.

Nhìn vào tổng thể, năm 2023, Việt Nam đã thu hút được thêm 36,6 tỷ USD vốn FDI. Bước vào năm 2024, dòng vốn này sẽ bắt đầu giải ngân thông qua xây dựng nhà máy, tuyển lao động làm việc, đồng nghĩa cần điện để hoạt động.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho hay, năm 2023, tăng trưởng điện cho sản xuất công nghiệp tại EVNNPC ở mức âm, trong khi giai đoạn 2015-2019 và thậm chí cả khi phải đối mặt với Covid-19 (2020-2022), tăng trưởng điện cho công nghiệp vẫn ở mức 15-17%/năm, trung bình cũng 8-10%/năm. Tại khu vực mà EVNNPC quản lý, điện cho công nghiệp chiếm trên 55% tỷ trọng.

Đáng nói là, năm 2023 tăng trưởng phụ tải điện cho khách hàng công nghiệp âm, nhưng miền Bắc lại lâm vào cảnh thiếu điện, dẫn tới phải cắt điện luân phiên hồi cuối tháng 5 và đầu tháng 6.

Bởi vậy, khi thị trường thế giới có dấu hiệu tốt lên, sức mua tăng trở lại, kéo theo sản xuất của nhiều doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng cũng khiến nhu cầu dùng điện của bản thân các khách hàng đang có tăng lên so với năm 2023.

Đó là chưa kể phần tăng trưởng tự nhiên của các nhóm khách hàng khác (như sinh hoạt, quản lý…) và các khách hàng mới.

Khó khăn trong việc đảm bảo nguồn điện

Đại diện EVNNPC dẫn chứng, trong 27 năm, thu hút vốn FDI của Nghệ An đạt 4,9 tỷ USD, nhưng riêng năm 2023 thu hút được 1,6 tỷ USD. Dòng vốn này sẽ bắt đầu giải ngân từ năm 2024, kéo theo nhu cầu điện của Nghệ An tăng mạnh. Cụ thể, Pmax (công suất tiêu thụ điện cao nhất) luỹ kế tới năm 2023 chỉ ở mức 970 MW, nhưng dự kiến trong năm 2024 sẽ tăng thêm 700 MW, tức là bằng 70% của mấy chục năm qua.

Quảng Ninh, một tỉnh thu hút FDI mạnh, từng đề nghị trên diễn đàn tổng kết của Bộ Công thương việc tăng thêm nguồn cho mình, bởi nếu không có điện thì nhà đầu tư sẽ không đến.

Năm 2023, Quảng Ninh thu hút trên 3 tỷ USD vốn đầu tư. Hải Phòng cũng thu hút được hơn 3 tỷ USD. Các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, hay Phú Thọ cũng có những “đại bàng” dừng chân, khiến yêu cầu về điện vọt lên.

Thống kê của EVNNPC cho biết, phụ tải tăng thêm được nhóm khách hàng công nghiệp dùng điện ở mức 5 MW trở lên đăng ký trong năm 2024 là hơn 3.700 MW - tức là bằng 3 lần công suất xây mới của Nhà máy Điện Thái Bình 2.

Dù ngay lập tức các khách hàng này chưa đạt được con số 3.700 MW, nhưng bởi nguồn điện mới tăng thêm cho miền Bắc trong nhiều năm trở lại đây không có sự đột biến đáng kể, nên có thể nhìn thấy các khó khăn trong đảm bảo điện thời gian tới.

Theo thống kê của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2024, miền Bắc chỉ có nguồn điện mới từ Nhà máy Thủy điện Hồi Xuân (102 MW), nhưng lại vướng nhiều vấn đề, nên vẫn chưa huy động được. Dự kiến nguồn điện mua từ Lào và Trung Quốc cho mùa nắng nóng cũng chỉ được khoảng 400 MW.

Trong khi đó, dự kiến Pmax của EVNNPC sẽ đạt khoảng 17.200 - 18.000 MW, tăng 8,7-13,7% so với năm 2023, tương đương tăng 1.500 - 2.000 MW, chưa tính tới con số 3.700 MW nói trên.

“Giải pháp điện mặt trời mái nhà có thể giúp giảm bớt phần nào khó khăn về nguồn cung điện tại miền Bắc khi có thể bổ sung vài ngàn MW với thời gian rất nhanh và bằng nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, hiện cơ chế, chính sách chưa được ban hành, nên các nhà đầu tư còn quan sát. Nếu có thêm 2.000-3.000 MW điện mặt trời hòa lưới thì mức độ đóng góp của năng lượng tái tạo cũng mới chỉ đạt khoảng 30% mức phụ tải thấp nhất (Pmin) của miền Bắc, còn nếu so với Pmax thì chưa đến tỷ lệ đó”, bà Ánh nói.

Trên bình diện cả nước, có những lúc tỷ lệ đóng góp của năng lượng tái tạo đã đạt trên 40% và vẫn ổn định. 

Trong báo cáo tổng kết năm 2023 của EVNNPC có nhắc tới việc nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được lắp trước đây, nhưng chưa đủ giấy tờ để bán điện lên lưới quốc gia nên đã phải dừng lại. Thậm chí, điện đã bán lên lưới cũng chưa được thanh toán tiếp và chưa biết giải quyết thế nào vì chưa có hướng dẫn từ cơ quan hữu trách.

Xem thêm tại baodautu.vn