Lợi nhuận ngân hàng nhỏ phân hóa mạnh

Trái chiều kết quả kinh doanh quý III

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2024, VietBank ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực với lợi nhuận trước thuế đạt 820,4 tỷ đồng, tăng 96% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 78% kế hoạch cả năm.

Năm nay, VietBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.050 tỷ đồng, tăng 29% so với 2023; tổng tài sản đạt 150.000 tỷ đồng; huy động vốn đạt 116.000 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay 95.000 tỷ đồng. Ngân hàng đặt mục tiêu mở rộng thị phần, tăng trưởng quy mô tổng tài sản cả về chất và lượng, kiểm soát nợ xấu dưới mức 3%.

Cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao trong quý III/2024 là VietABank với hơn 230 tỷ đồng trước thuế, gấp 3,6 lần cùng kỳ năm trước, qua đó nâng lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm lên hơn 793 tỷ đồng, tăng 34%. Như vậy, so với mục tiêu lãi trước thuế 1.058 tỷ đồng đề ra cho cả năm, VietABank đã thực hiện được 75% kế hoạch sau 9 tháng.

Trong kỳ, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VietABank đạt hơn 236 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Song song với đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng giảm mạnh 86%, chỉ còn hơn 6 tỷ đồng nhờ công tác xử lý nợ, đôn đốc khách hàng thực hiện hiệu quả, tình hình tài chính của khách hàng cho vay cải thiện…, từ đó tác động tích cực lên lợi nhuận của Ngân hàng.

Tương tự, BVBank đạt 182 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm 2024, qua đó hoàn thành 90% kế hoạch lợi nhuận cả năm nhờ kiểm soát tốt chi phí và duy trì nhịp độ tăng trưởng tín dụng tại nhóm khách hàng cá nhân.

Tính đến cuối quý III, tổng tài sản BVBank đạt gần 99.500 tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ năm trước; tổng huy động vốn đạt hơn 92.000 tỷ đồng, tăng gần 21%, trong đó huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và dân cư đạt 67.000 tỷ đồng.

Hoạt động tín dụng trong kỳ của BVBank cũng ghi nhận những kết quả tích cực, với tổng dư nợ đạt hơn 79.000 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm và tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dư nợ cho vay đạt hơn 64.000 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm.

Ở chiều ngược lại, cũng có nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh. Đơn cử, kết thúc quý III/2024, BaoVietBank đạt 7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.

Theo nhà băng này, lợi nhuận giảm chủ yếu do tổng thu nhập hoạt động trong quý giảm gần 26%. Các hoạt động ngoài lãi như hoạt động dịch vụ sụt giảm mạnh từ 403 tỷ đồng xuống còn 151 tỷ đồng, tương ứng giảm 62,5% và một số khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, hoạt động kinh doanh khác cũng tác động đến lợi nhuận Ngân hàng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế BaoVietBank chỉ đạt hơn 32 tỷ đồng.

Kết quả điều tra các tổ chức tín dụng quý IV/2024 của Ngân hàng Nhà nước mới công bố cho thấy, trong quý III/2024, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng bình quân toàn hệ thống không những chưa đạt được kỳ vọng “giảm nhẹ”, mà còn có xu hướng “tăng nhẹ”.

Tuy nhiên, xu hướng tăng này có biểu hiệu thu hẹp hơn so với quý trước đó. Bởi vậy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu có thể điều chỉnh giảm trong quý IV/2024.

Saigonbank cũng là ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận trong quý III/2024 với mức giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước.

Lãnh đạo Saigonbank cho biết, việc triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất đã khiến thu nhập lãi thuần giảm 3% trong 9 tháng đầu năm, kéo theo lợi nhuận sụt giảm 18%. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,2% nên phải trích lập dự phòng thêm 20% so với cùng kỳ.

Tương tự, báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 của ABBank thể hiện con số lỗ trước thuế hơn 343 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm trước lãi 30 tỷ đồng) do kết quả kinh doanh không mấy khả quan đi kèm tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, ABBank đạt 239 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm 66% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận giảm do tăng dự phòng, thu nhập hoạt động đi xuống

Hiện tại, các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2024. Trong đó, một nửa ghi nhận lợi nhuận quý III giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo lý giải từ các ngân hàng, nguyên nhân lãi giảm chủ yếu do tăng cường trích lập dự phòng, đồng thời hoạt động ngoài lãi giảm mạnh cũng tác động không nhỏ đến tổng thu nhập hoạt động ngân hàng.

Chẳng hạn, tại ABBank, lợi nhuận quý III/2024 tăng trưởng âm chủ yếu do tăng trích lập dự phòng rủi ro gấp 2,2 lần cùng kỳ, lên gần 526 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các nguồn thu ngoài lãi cũng đi xuống: Lãi từ dịch vụ giảm 57% còn hơn 82 tỷ đồng, trong khi các hoạt động kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư báo lỗ…

Tuy nhiên, nhờ kết quả tích cực 2 quý đầu năm mà ngân hàng này vẫn có lãi trong 9 tháng. Dù vậy, so với kế hoạch 1.000 tỷ đồng lãi trước thuế đặt ra cho cả năm, ABBank còn cách khá xa khi mới thực hiện được 24% sau 3 quý.

Báo cáo tài chính quý III/2024 của một số ngân hàng cho thấy, nợ xấu có xu hướng tăng nhẹ trong kỳ này, cho dù đã nỗ lực xử lý, thu hồi nợ.

Tại PGBank, số dư nợ xấu ở cả 4 nhóm nợ tính đến cuối tháng 9/2024 đều tăng, đạt 1.175 tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm, dẫn tới tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,85% lên 3,19%. Vì thế, chi phí dự phòng rủi ro 9 tháng đầu năm 2024 cũng tăng gần 3 lần so với cùng kỳ, lên 300 tỷ đồng.

Tương tự, tỷ lệ nợ xấu tại BaoVietBank dù ở mức dưới 3% tính đến cuối quý III/2023 nhưng vẫn thuộc tốp cao trong hệ thống, nên ngân hàng này phải tăng trích lập dự phòng rủi ro thêm 35% so với cùng kỳ năm trước.

Saigonbank cũng là một trong những ngân hàng quy mô nhỏ phải đối mặt với kiểm soát nợ xấu tăng trước bối cảnh thị trường còn khó khăn hiện nay.

Kết thúc quý III/2024, dư nợ tín dụng của Saigonbank tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và 2% so với đầu năm, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Huy động vốn tăng 8% so với cùng kỳ và 2% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,2% và trích lập dự phòng tăng thêm 20% so với cùng kỳ.

Theo ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigonbank, nói đến ngành ngân hàng không thể nào không có nợ xấu và có nhiều lý do dẫn đến việc này. Song, quan điểm của Saigonbank là đánh giá đúng tính chất khoản nợ từng nhóm.

Thực tế cho thấy, các ngân hàng đã nỗ lực kiểm soát, xử lý, thu hồi nhưng nợ xấu vẫn có xu hướng tăng, nên buộc phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, nợ xấu đang có xu hướng tăng là một vấn đề cần lưu ý, nhất là khi mức độ tăng cũng khá cao. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã tăng lên gần 5%, nếu bao gồm cả nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC... thì con số này vào khoảng 6,9%.

Theo Phó thống đốc, nợ xấu là vấn đề lớn cần quan tâm bởi đây là hệ quả của cả quá trình. Nhìn chung, đó là những khoản nợ sau 2 năm 2021-2022 xuất hiện đại dịch Covid-19 và năm 2023 là do yếu tố khách quan khó khăn của nền kinh tế, chứ không phải sự yếu kém của ngành ngân hàng.

Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép gia hạn nợ đến hết hết năm 2024 nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, nhưng việc nợ xấu tính đến cuối quý II/2024 tiếp tục tăng so với đầu năm là chỉ dấu cảnh báo sớm rủi ro cho hệ thống ngân hàng và các bên liên quan cần phải quyết liệt, tháo gỡ đồng bộ trong việc xử lý nợ xấu.

Theo PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP.HCM, hiện chưa thể tính chính xác nợ xấu thực tế tại các ngân hàng, nhưng chắc chắn cao hơn con số công bố. Do đó, khi thông tư này hết hiệu lực, nợ xấu sẽ tăng cao. Vì thế, trước mắt, các ngân hàng phải gia tăng trích dự phòng rủi ro.

Kết quả điều tra các tổ chức tín dụng quý IV/2024 của Ngân hàng Nhà nước mới công bố cho thấy, trong quý III/2024, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng bình quân toàn hệ thống không những chưa đạt được kỳ vọng “giảm nhẹ”, mà còn có xu hướng “tăng nhẹ”. Tuy nhiên, xu hướng tăng này có biểu hiệu thu hẹp hơn so với quý trước đó. Bởi vậy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu có thể điều chỉnh giảm trong quý IV/2024.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn