Long Giang Land: Kinh doanh bạc nhược, nợ xấu vọt tăng

Long Giang – “Rồng” lạc ao tù

Long Giang Land từng là cái tên gây chú ý lớn trên thị trường bất động sản Hà Nội khi triển khai dự án Rivera Park 69 Vũ Trọng Phụng. Tuy nhiên, hào quang đã lùi xa đối với doanh nghiệp này trong nhiều năm qua.

Thống kê của VietnamFinance cho thấy, kể từ năm 2020 tới nay, tình hình kinh doanh của Long Giang Land sa sút nghiêm trọng so với giai đoạn trước đó. Cụ thể, trong vòng 16 quý trở lại đây, doanh thu mỗi quý của công ty này chỉ đạt vài chục tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế mỗi quý cũng chỉ “lèo tèo” vài tỷ đồng, thậm chí là vài trăm triệu đồng.

Ngoại lệ của Long Giang Land là quý IV/2020 với khoản lãi sau thuế 71 tỷ đồng và quý II/2023 với khoản lãi sau thuế 33 tỷ đồng. Nhưng ở cả 2 quý này, lợi nhuận của công ty đều đến từ hoạt động tài chính.

2023 có lẽ là năm sa sút nhất của Long Giang Land trong 10 năm qua. Trong năm này, công ty chỉ đạt 91 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 56% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời là năm có doanh thu thấp kỷ lục (thấp nhất 10 năm). Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp chỉ đạt 4,9 tỷ đồng, giảm 56% so với năm trước và là khoản lợi nhuận gộp thấp nhất trong vòng 18 năm qua.

Quý IV của năm 2023 thậm chí còn đi vào “lịch sử” của Long Giang Land khi là quý đầu tiên thua lỗ sau 12 quý liên tiếp có lãi.

Phải nhờ vào việc “bán con” – cụ thể là thoái vốn tại Công ty Cổ phần Xây dựng Hạ Long (nơi Long Giang Land chiếm 40% vốn từ năm 2019) vào quý II/2023 -  Long Giang Land mới có được khoản lãi sau thuế cả năm 2023 là 21,7 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm trước, lớn nhất 4 năm qua.

Mặc dù vậy, so với kế hoạch năm, Long Giang Land cũng chỉ hoàn thành được vỏn vẹn 20% mục tiêu doanh thu và 72% mục tiêu lợi nhuận.

Kết quả này cho thấy, Long Giang Land vẫn chưa thể kết thúc đà trượt dài trên con dốc suy thoái, đã kéo dài đến năm thứ 4.

“Rồng” mắc cạn

Kết quả kinh doanh bạc nhược của Long Giang Land xuất phát từ nhiều nguyên do, song có một nguyên do rất quan trọng là doanh nghiệp này bị “mắc cạn” với những quyết định kinh doanh của mình.

Cụ thể, từ năm 2018, Long Giang Land đã ký cam kết bán lại toàn bộ lô C dự án chung cư Thành Thái (tại phường 14, quận 10, TP. HCM) cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 10 với giá tạm tính là 252 tỷ đồng. Giá chính thức của thương vụ phải chờ UBND TP. HCM phê duyệt. Nhưng “đắng lòng” thay, từ 2018 tới nay, TP. HCM vẫn chưa phê duyệt giá trị đầu tư xây dựng công trình này. Điều này khiến Long Giang Land phải ghi nhận khoản tồn kho hàng hóa bất động sản lên tới 292 tỷ đồng, chiếm 21,6% tổng tài sản.

Bên cạnh đó, Long Giang Land đang ghi nhận khoản phải thu lên tới 154 tỷ đồng với ông Nguyễn Phan và ông Phạm Minh Trí trong việc chuyển nhượng phần Công ty Cổ phần Minh Phát. Liên quan Minh Phát, Long Giang Land có hợp tác đầu tư với công ty này tại dự án khu biệt thự Rivera Park Mũi Né (Phan Thiết, Bình Thuận) với tỷ lệ góp vốn 49%. Tại ngày 31/12/2023, Long Giang Land đã góp vào liên danh này đến 366 tỷ đồng. Điều trớ trêu là dự án được chấp thuận chủ trương từ năm 2018 này cho tới nay vẫn “án binh bất động” và chưa biết ngày nào, tháng nào mới có thể xây dựng, mang lại nguồn thu cho công ty.

Trong hoàn cảnh đó, Long Giang Land lại tiếp tục “ăn trái đắng” từ những khoản phải thu hóa thành nợ xấu từ hàng loạt đối tác. Công ty Cổ phần Tập đoàn Bách Việt – “chiến hữu” của Long Giang Land tại Rivera Park, công ty mẹ của BV Land (UPCoM: BVL) - là “quả đắng” đáng nói nhất khi vẫn đang nợ Long Giang Land 19 tỷ đồng từ năm 2020 tới nay không chịu trả. Đây là khoản Bách Việt nợ Long Giang Land khi mua lại cổ phần Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Dịch vụ Đồng Nai (Donatraco). Donatraco khi về tay Bách Việt (trực tiếp là thuộc BV Land) đã trở thành mảnh ghép rất quan trọng khi đóng góp lớn vào tổng doanh thu hàng năm của công ty này nhờ việc buôn bán xe máy và xăng dầu.

Xem thêm:BV Land: Đỉnh cao đã qua?

Nợ xấu từ Bách Việt mới được Long Giang Land trích lập 3,8 tỷ đồng. Và đi kèm với Bách Việt là một loạt cái tên như: Công ty Cổ phần Cơ điện và Xây dựng Việt Nam 21 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Xây dựng và Kỹ thuật Việt Nam 5,5 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Long Giang 4,7 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Long Việt 1,7 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Hà Nội 2,7 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Xây dựng Long Giang 8,2 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Địa ốc COMA 956 triệu đồng, Công ty Xây dựng số 1 725 triệu đồng, Công ty Delta 681 triệu đồng, Công ty Cổ phần Lilama Hà Nội 828 triệu đồng... cùng khoảng 23 tỷ đồng phải thu từ tổ chức, cá nhân khác.

Tổng số nợ xấu được trích lập dự phòng của Long Giang Land tại ngày kết thúc năm 2023 đã lên tới 77 tỷ đồng, tăng tới 34% so với đầu năm.

Với những diễn biến nêu trên, chất lượng tài sản của Long Giang Land trở xấu khá nghiêm trọng trong năm 2023. Theo đó, tại ngày 31/12/2023, các khoản phải thu của Long Giang Land đã đạt 766 tỷ đồng, chiếm 57% tổng tài sản; hàng tồn kho đạt 353 tỷ đồng, chiếm 26% tổng tài sản. Như vậy, tổng tỷ trọng của hàng tồn kho và các khoản phải thu lên tới 83% tổng tài sản – đây là tỷ trọng rất cao, cho thấy vốn của Long Giang Land đang bị “chôn” hoặc “chiếm dụng” rất lớn.

Triển vọng kinh doanh 2024 của Long Giang Land đang bị đặt dấu hỏi khá lớn khi cho tới thời điểm hiện tại, công ty này chưa công bố những thông tin làm an lòng cổ đông về tương lai của các dự án đang theo đuổi.

Còn trên báo cáo, khoản người mua trả trước ngắn hạn tới cuối năm 2023 chỉ có vỏn vẹn 13 tỷ đồng, giảm tới 96% so với đầu năm. Trong khi đó, dòng tiền kinh doanh năm 2023 âm tới 74 tỷ đồng, đánh dấu năm âm thứ 2 liên tiếp. Để có tiền hoạt động, Long Giang Land đã phải đẩy quy mô dòng tiền vay mượn tăng gấp đôi lên 126 tỷ đồng, trong khi giảm quy mô trả nợ gốc vay xuống 30% so với năm trước. Điều này khiến năm 2023, quy mô nợ vay đã tăng tới 35%, lên 240 tỷ đồng. Dầu vậy, kết năm 2023, quy mô tiền của Long Giang Land vẫn sụt giảm, chỉ còn chưa đến 10 tỷ đồng.

“Rồng không phải giống trong ao nhỏ/Cưỡi gió lên trời cũng có phen”, nhưng với Long Giang, cái ngày đạp gió tung mây hẳn còn xa ngái.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn