Nâng hạng minh bạch để nâng hạng thị trường

Đó là những chia sẻ của chuyên gia Hoàng Đức Hùng với VietnamFinance liên quan đến câu chuyện nâng cao tính minh bạch trên TTCK Việt Nam để đáp ứng yêu cầu nâng hạng. Ông Hoàng Đức Hùng hiện là Chủ tịch Phân viện Kiểm toán Nội bộ Quốc tế tại Việt Nam (IIA Vietnam Chapter), Phó Chủ tịch Hội Thành viên Độc lập HĐQT Doanh nghiệp Việt Nam (VNIDA), Thành viên HĐQT độc lập tại Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) và Công Ty Cổ Phần Dược Phẩm Imexpharm.

- Trước những yêu cầu của của MSCI và FTSE Russell về minh bạch thông tin để tiến tới nâng hạng TTCK, các cơ quan quản lý đã nghiên cứu, sửa đổi các quy định về công bố và minh bạch thông tin dần tiệm cận với chuẩn mực và xu hướng thế giới, đồng thời tăng cường giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm. Ông đánh giá thế nào về tình hình thực hiện các quy định về minh bạch thông tin của các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK thời gian vừa qua?

Nhìn chung, dưới nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc ban hành, đồng bộ các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn nhằm hướng tới nâng hạng TTCK Việt Nam, thời gian vừa qua, việc thực thi minh bạch thông tin của các doanh nghiệp niêm yết đang dần trở nên tốt hơn, gia tăng đáng kể chất lượng công bố thông tin cũng như số lượng các tổ chức thực hiện nghĩa vụ.

Trong đó, hoạt động minh bạch thông tin tài chính được thực hiện ở mức tốt nhất từ trước tới nay. Việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) bước đầu được nhiều doanh nghiệp niêm yết triển khai và ngày càng cải thiện.

Tuy nhiên, việc công bố các chỉ tiêu hiệu quả phi tài chính, trong đó có dữ liệu ESG (Environmental, Social and Governance – Môi trường, Xã hội và Quản trị) lại chưa được thực hiện một cách thực sự quy củ và chất lượng. Nguyên nhân là do yêu cầu công bố thông tin phi tài chính đối với doanh nghiệp vẫn còn giới hạn. Trong Thông tư 96 về hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, những quy định về công bố các chỉ số môi trường, xã hội,... trong báo cáo thường niên mới chỉ dừng lại ở những “gạch đầu dòng”, những yêu cầu tối thiểu về định lượng mà chưa được cụ thể hoá về các định chuẩn, các khung báo cáo theo thông lệ chung hoặc thông lệ ngành v.v. Do đó việc công bố thông tin theo luật định chưa thể hiện được những yếu tố định tính như kết nối và tuân thủ định hướng chiến lược, tác động/ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh và tới các bên hữu quan, lợi thế cạnh tranh, giá trị mang lại...

Đây là một vấn đề cần cải thiện, bởi lẽ hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ nhìn vào những con số trên báo cáo tài chính, những giá trị hữu hình như bất động sản, nhà xưởng, thiết bị mà còn quan tâm đến các dữ liệu tài chính với thông tin về những giá trị vô hình như năng lực quản trị, văn hóa doanh nghiệp, hình ảnh doanh nghiệp, nguồn nhân lực, dữ liệu khách hàng... Nếu như 40 năm trước, tài sản hữu hình chiếm đến 85% giá trị thị trường của doanh nghiệp thì hiện tại, con số này chỉ còn khoảng 15% và thay vào đó là các giá trị vô hình.

Trong bối cảnh đó, cần phải nhìn nhận rõ nỗ lực từ phía hai Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trong việc tổ chức cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết (Vietnam Listed Company Awards - VLCA). Mở rộng từ cuộc bình chọn báo cáo thường niên, VLCA còn có hệ thống giải báo cáo quản trị công ty, báo cáo phát triển bền vững, thúc đẩy việc áp dụng các thông lệ tốt nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công bố thông tin, tính minh bạch và khả năng truyền tải thông tin của doanh nghiệp tới các nhà đầu tư. Thông qua việc tôn vinh các doanh nghiệp đạt giải, cuộc bình chọn này đã khuyến khích các doanh nghiệp trên thị trường nâng cao chất lượng công bố thông tin vượt trội so với yêu cầu tối thiểu.

Một vấn đề khác về minh bạch thông tin cần được cải thiện có liên quan đến câu chuyện một số doanh nghiệp niêm yết không đủ chất lượng. Mặc dù đã có chuẩn mực kiểm toán về kiểm tra thông tin tài chính tương lai của doanh nghiệp nhưng chưa có yêu cầu kiểm toán bắt buộc đối với những thông tin này trong việc công bố thông tin khi đại chúng, niêm yết hoặc gọi vốn. Điều này dẫn tới việc một số doanh nghiệp khi nộp hồ sơ đại chúng/hồ sơ niêm yết “vẽ” ra các bức tranh tương lai rất sáng nhưng chưa thực sự dựa trên chất lượng tài sản cũng như hoạt động thực tế và đến khi lên sàn thì không đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Có thể thấy, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo hình thức, nội dung và tính minh bạch của thông tin vẫn còn hạn chế. Thực trạng nói trên đặt ra yêu cầu cần làm chặt chẽ trong khâu rà soát hoạt động niêm yết của các doanh nghiệp.

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, các quy định về công ty đại chúng, niêm yết đến nay vẫn còn nhiều “kẽ hở” hoặc mang nặng tính hình thức. Lợi dụng những “kẽ hở” này, một số những doanh nghiệp thiếu hoạt động thực chất, sở hữu cổ phiếu mang tính đầu cơ cao đã có hành vi lũng đoạn, niêm yết khống, tăng vốn ảo... Dù rằng trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và đưa nhiều vụ án ra ánh sáng như vụ thao túng giá cổ phiếu tại Tập đoàn FLC, nhóm cổ phiếu “họ” Louis, APEC… nhưng rõ ràng đây là khâu hậu kiểm, chủ yếu mang tính chất răn đe. Xử phạt cũng đồng nghĩa với việc sai phạm đã xảy ra rồi. Điều quan trọng hơn vẫn là “lấp kẽ hở” trong các quy định, từ đó hạn chế tình trạng “lách luật” và tăng cường tính minh bạch và đầy đủ  đối với thông tin được công bố.

Cuối cùng, tôi muốn nói tới một vấn đề cũng đang rất được quan tâm hiện nay là việc đảm bảo công bằng, không có sự phân biệt giữa đối với các đối tượng nhận thông tin công bố. Theo đánh giá của MSCI và FTSE Russell, các thông tin về TTCK Việt Nam thường không có bản tiếng Anh, hoặc không đủ chi tiết.

Liên quan đến vấn đề này, trong nỗ lực hướng tới nâng hạng thị trường, các cơ quan quản lý đã tích cực cải thiện tình trạng này thông qua việc ban hành, sửa đổi các quy định, thông tư hướng dẫn, đồng thời đưa nội dung công bố thông tin bằng tiếng Anh vào tiêu chí chấm giải báo cáo thường niên, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện.

Hiện tại, việc công bố thông tin bằng tiếng Anh đã được áp dụng đối với sở giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký chứng khoán. Về phía doanh nghiệp, đã có 100% doanh nghiệp trong nhóm VN30 thực hiện yêu cầu này. Đây có thể coi là một điểm sáng. Song bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ, có cơ cấu cổ đông cô đặc, sở hữu cổ phiếu có tính đầu cơ, ý thức tự nguyện khi thực hiện các yêu cầu mang tính khuyến khích, không phải bắt buộc, như công bố thông tin bằng tiếng Anh, hay áp dụng chuẩn mực kế toán IFRS là chưa cao.

- Cơ quan quản lý đặt mục tiêu kết thúc năm 2024, các doanh nghiệp niêm yết cơ bản phải công bố thông tin song ngữ Việt - Anh. Ông đánh giá thế nào về khả năng tuân thủ yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh của các doanh nghiệp niêm yết? Liệu có giải pháp nào để hỗ trợ các doanh nghiệp niêm yết thực hiện yêu cầu này hay không?

Theo tôi, yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh hoàn toàn không phải vấn đề khó và việc đầu tư nguồn lực để thực hiện yêu cầu này cũng vậy. Tuy nhiên, tại sao mới chỉ có số ít doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh? Tôi cho rằng “nút thắt” nằm ở sự ràng buộc trách nhiệm đối với người công bố thông tin, phải bảo đảm tính chính xác của nội dung thông tin khi chuyển ngữ cũng như tuân thủ đúng thời gian công bố.

Hiện nay, mỗi doanh nghiệp niêm yết đều có bộ phận quan hệ nhà đầu tư, phụ trách thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin. Họ hoàn toàn có thể thuê nhân sự chuyên môn thực hiện việc chuyển ngữ, cắt cử người có đủ năng lực tiếng Anh thực hiện khâu kiểm duyệt trước khi công bố thông tin ra ngoài để đảm bảo rằng thông tin sau khi chuyển ngữ không bị sai lệch. Đầu tư cho nguồn lực nhân sự này không hề khó và cũng không quá tốn kém. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, ràng buộc trách nhiệm thuộc về người ký quyết định công bố thông tin, cũng chính là lãnh đạo của doanh nghiệp. Sự e ngại “liệu rằng bản tiếng Anh đã ổn chưa?” có thể khiến họ nảy sinh tâm lý mất tự tin, đặc biệt là khi phải dựa vào các nguồn lực hỗ trợ.

Do đó, đối với vấn đề công bố thông tin bằng tiếng Anh, nếu hình thành quy định bắt buộc, e rằng sẽ gây áp lực cho doanh nghiệp. Theo tôi, trước hết, vẫn nên bắt đầu từ cơ chế khuyến khích, cung cấp tài liệu hướng dẫn cung cấp thông tin cơ bản, hỗ trợ doanh nghiệp. Ví dụ, có thể ban hành mẫu biểu thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, chuẩn hóa một số báo cáo cơ bản như: báo cáo thường niên, báo cáo biến động cổ đông...

Tôi cho rằng, công bố thông tin bằng tiếng Anh chưa thể bắt buộc nhưng sẽ là yêu cầu có tính tất yếu. Khi quy mô doanh nghiệp ngày càng lớn, nếu muốn nhận được lợi ích từ dòng vốn quốc tế, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường sẽ buộc phải chuyển đổi, bổ sung phương pháp công bố thông tin.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, công bố thông tin bằng tiếng Anh, hay rộng hơn là minh bạch hóa hướng tới nâng hạng thị trường, cần sự chung tay của nhiều bên, không chỉ là của các bộ, ngành, mà còn từ các thành viên tham gia thị trường. Nói cách khác, minh bạch phải xuất phát từ nhận thức của doanh nghiệp.

- Vậy làm thế nào để nâng cao/thay đổi nhận thức từ phía doanh nghiệp về vấn đề minh bạch thông tin?

Theo nguyên tắc về quản trị công ty, các thành viên HĐQT là những người được các cổ đông uỷ thác quyền cao nhất trong việc định hướng và giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, bàn về nhận thức của doanh nghiệp cũng là bàn về nhận thức của HĐQT.

Minh bạch không khó để thực hiện, quan trọng là bản thân nhà quản trị phải nhận thấy lợi ích mà doanh nghiệp nhận được từ sự minh bạch, cách thực hiện nó và định hướng cho cả bộ máy. Điều này đòi hỏi đội ngũ quản trị doanh nghiệp phải có năng lực về chiến lược, về tài chính, về ESG, về công nghệ thông tin... để đưa ra định hướng phát triển lành mạnh, bền vững. Có như vậy, minh bạch thông tin mới có thể trở thành ưu điểm hấp dẫn nhà đầu tư, cổ đông, làm tăng lợi thế cạnh tranh thay vì bị xem là điểm yếu có thể làm lộ các bí mật thương mại, hay các vấn đề mang tính nội bộ khác của doanh nghiệp.

Suy cho cùng, quản trị doanh nghiệp tốt sẽ thúc đẩy tính công khai, minh bạch thông tin của các doanh nghiệp niêm yết, từ đó góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa cơ sở trên TTCK.

- Như vậy, có thể nói, nâng hạng thị trường gắn liền với việc nâng tầm quản trị của doanh nghiệp niêm yết. Là người có “nghề quản trị”, ông đánh giá thế nào về chất lượng quản trị tại các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam trong những năm qua? Những vấn đề nào trong quản trị cho thấy doanh nghiệp niêm yết Việt Nam vẫn ở hạng “cận biên” và làm thế nào để cải thiện?

Tại Việt Nam, khi TTCK bắt đầu hoạt động, Chính phủ đã nhận thức rõ vai trò của quản trị công ty trong việc nâng cao tính minh bạch đối với môi trường đầu tư cũng như đối với các doanh nghiệp. Khi Luật Chứng khoán còn chưa ra đời, Luật Doanh nghiệp Việt Nam có hiệu lực từ năm 2000 đã quy định tương đối rõ về cơ chế quản trị có hiệu quả đối với cả 2 loại hình công ty cổ phần và công ty TNHH. Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện cho việc công khai thông tin và minh bạch hoá của doanh nghiệp, đồng thời ghi nhận lần đầu tiên pháp luật Việt Nam quy định cụ thể về quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên liên quan như cổ đông, HĐQT, giám đốc điều hành, trong đó đã chú ý bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số... Sau nhiều lần sửa đổi, với sự ra đời Luật Doanh nghiệp năm 2020, khung pháp lý về quản trị công ty tại Việt Nam dần được hoàn thiện, tiệm cận thông lệ và chuẩn mực quốc tế về quản trị công ty. Với việc khung pháp lý ngày càng được hoàn thiện, các doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng nhiều hơn chuẩn mực quản trị quốc tế, đặc biệt là doanh nghiệp niêm yết.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số vấn đề cho thấy chất lượng quản trị của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam còn ở hạng “cận biên”.

Trước hết là về chất lượng hoạt động của HĐQT. Để đánh giá, cần xem xét ba vấn đề trọng tâm, đó là Năng lực, Số lượng và Cấu trúc của HĐQT.

Thứ nhất, về năng lực, một HĐQT chất lượng cần bao gồm những thành viên có kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng phù hợp, bao gồm cả những người đa năng lẫn những người có chuyên môn sâu. Thành viên HĐQT phải sở hữu bộ kiến thức và kỹ năng “cốt lõi” liên quan đến luật pháp, tài chính - kinh doanh hoặc kỹ năng phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp (ví dụ như doanh nghiệp công nghệ cần thành viên có chuyên môn IT). Tuy nhiên, trên thực tế, do chưa có quy định cụ thể về khung năng lực của các thành viên HĐQT, phần lớn các doanh nghiệp vẫn thiếu cả nhân sự đa năng và nhân sự chuyên sâu. Đó là chưa kể đa phần những thành viên HĐQT được bổ nhiệm theo kiểu “đánh trống ghi tên” đều hạn chế về năng lực và không thực sự đóng góp vào hoạt động của HĐQT.

Thứ hai, về số lượng, quy mô trung bình của HĐQT các doanh nghiệp niêm yết là 6 thành viên. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chủ yếu vẫn là quy mô HĐQT 5 thành viên, còn quy mô HĐQT 3 thành viên chiếm tỷ lệ rất ít. Nếu so với các doanh nghiệp niêm yết tại các thị trường mới nổi, số lượng thành viên HĐQT của các doanh nghiệp Việt Nam còn ít. Điều này một phần là do tại nước ta, “thành viên HĐQT” vẫn chưa thực sự trở thành “một nghề”.

Thứ ba, về cấu trúc, chất lượng HĐQT còn được thể hiện ở việc tuân thủ tỷ lệ thành viên HĐQT không điều hành, thành viên HĐQT độc lập tối thiểu. Như đã nói ở trên, đôi khi các thành viên này được bổ nhiệm chỉ để đáp ứng nhu cầu luật định hoặc để “củng cố” lợi ích nên vai trò của họ chưa được thực sự phát huy, đặc biệt là các thành viên HĐQT độc lập. Cần biết, các thành viên HĐQT độc lập không liên quan đến hoạt động điều hành, tham gia với vai trò cân bằng, có trách nhiệm giám sát, kiểm soát hoạt động của HĐQT, bảo vệ quyền lợi của cổ đông, nhất là cổ đông thiểu số.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, các quy định hiện tại chỉ đề cập đến tiêu chuẩn của thành viên độc lập trong các mối quan hệ nhân thân và lợi ích kinh tế trong công ty mà chưa chú trọng đến các quy định về chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử. Do đó, vẫn có nguy cơ thành viên độc lập HĐQT có thể có sự thông đồng hoặc tư lợi để đạt được mục đích của nhóm lợi ích. Chưa kể, do chưa có những quy định tiêu chuẩn về năng lực cũng như chế tài ràng buộc đối với thành viên HĐQT độc lập, bản thân họ chưa chú trọng đến tư cách và tính chuyên nghiệp cũng như các kiến thức và năng lực chuyên môn cần thiết phải có để có thể thực hiện đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình.

Với vai trò là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các thành viên độc lập HĐQT, VNIDA với sự hỗ trợ chuyên môn từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã nghiên cứu và xây dựng khung năng lực với 20 năng lực cốt lõi, chia làm 3 nhóm chính là tố chất và phẩm chất, kiến thức và kỹ năng, làm thước đo năng lực nghề nghiệp của các thành viên độc lập HĐQT. Đây cũng là cơ sở để xây dựng các chương trình đào tạo năng lực phù hợp, hỗ trợ phát triển nghề nghiệp thành viên độc lập HĐQT và nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐQT.

Tại Việt Nam, các thành viên HĐQT gồm cả thành viên độc lập HĐQT đối mặt với rủi ro pháp lý cao nhưng chưa có cơ chế bảo vệ hiệu quả về trách nhiệm tài chính nên chưa đủ tự tin để tham gia ứng cử hoặc để có tiếng nói bảo vệ quan điểm của mình trong vai trò thành viên HĐQT. Để thành viên HĐQT yên tâm "hành nghề", các công ty có thể xem xét áp dụng bảo hiểm trách nhiệm nhà quản lý (Directors & Officers Liability Insurance, bảo hiểm D&O) - vốn đã được sử dụng từ lâu trên thế giới để chia sẻ rủi ro cho các nhà quản trị, quản lý trong quá trình điều hành doanh nghiệp.

Một vấn đề khác trong quản trị doanh nghiệp cho thấy doanh nghiệp Việt vẫn đang ở mức “cận biên” là quản trị rủi ro. Trong quá trình điều hành, dẫn dắt doanh nghiệp, để thực hiện được các mục tiêu, chiến lược cam kết với các cổ đông, HĐQT phải có cơ chế quản trị rủi ro. Việc nhận định rủi ro (những thứ chưa xảy ra nhưng có khả năng xảy ra) để ngăn chặn và ứng phó sẽ giúp HĐQT xây dựng và duy trì một môi trường quản trị doanh nghiệp hiệu quả. Do đó, Nghị định 05/2019/NĐ-CP về kiểm toán nội bộ đã ra đời, là một bước tiến lớn về quản trị công ty, hướng tới mục tiêu đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư và tính minh bạch của thị trường, cũng như chuyển đổi mô hình quản trị công ty tiệm cận thông lệ quốc tế. Theo nghị định này, các doanh nghiệp niêm yết cần thành lập chức năng kiểm toán nội bộ báo cáo về mặt chuyên môn lên cho HĐQT. Chức năng này được giao nhiệm vụ giám sát độc lập, khách quan các quy trình hoạt động và đưa ra ý kiến đánh giá về hiệu quả kiểm soát rủi ro và quản trị công ty.

Tuy nhiên, việc xây dựng và triển khai kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp lại là một bài toán lớn. Nội dung kiểm toán nội bộ ở nhiều đơn vị chưa đi đúng vào bản chất, trọng tâm và chức năng cơ bản của kiểm toán nội bộ là kiểm toán tuân thủ là chủ yếu, chưa có nhiều hàm lượng tư vấn và cũng chưa hướng tới các đối tượng là kiểm soát nội bộ hoặc quản lý rủi ro. Chưa kể, vẫn còn một số hiểu lầm kiểm toán nội bộ là kiểm toán báo cáo tài chính (việc của kiểm toán độc lập).

Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ việc các quy định về quản trị công ty chủ yếu vẫn nói về vai trò của HĐQT, thiên về quản trị công ty theo cấp độ thượng tầng và còn thiếu quy định pháp lý, hướng dẫn về định nghĩa cũng như các tiêu chí của một hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả, hoặc một hệ thống quản trị rủi ro hiệu quả.

Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chỉ đang thực hiện quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ một cách thiếu hệ thống, chủ yếu theo thói quen. Đây là điểm yếu nhất trong môi trường kiểm soát quản trị của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam hiện nay. Trong khi đó, thông lệ quốc tế đã có những khung quy định về quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ (như khung COSO) với những hướng dẫn và nguyên tắc rõ ràng, đầy đủ. Do đó, Phân viện Kiểm toán Nội bộ Quốc tế tại Việt Nam (IIA Việt Nam) cũng đang cố gắng làm việc với Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý nhà nước, kiến nghị đưa các nội dung trên vào các quy định về quản trị công ty và môi trường kiểm soát trong quản trị công ty.

- Các tổ chức quốc tế như OECD hoặc IFC đã đưa ra các thông lệ trong quản trị công ty để doanh nghiệp tham chiếu và thực hành. Theo ông, đâu là những xu hướng mới trong quản trị doanh nghiệp mà doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm để có thể đón đầu dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, được dự báo lên đến hàng tỷ USD mỗi năm khi TTCK Việt Nam được nâng hạng?

Theo tôi, Bộ Nguyên tắc quản trị công ty (CG Code) do UBCKNN và IFC ban  hành, gợi ý, khuyến khích có thể được xem là một cẩm nang “gối đầu giường” của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong xu thế toàn cầu đang chuyển hướng sang phát triển bền vững và thực hành kinh doanh có trách nhiệm, ESG đang là xu hướng mới trong quản trị doanh nghiệp. Đội ngũ quản trị doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu tích hợp các yếu tố này vào chiến lược phát triển lâu dài.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, bên cạnh việc nâng cao ý thức/nhận thức của các thành viên HĐQT, bản thân các cổ đông cũng cần củng cố nhận thức về tính công bằng với các cổ đông, minh bạch thông tin, cơ chế ra quyết định theo quy tắc cũng như quyền lợi của mình, qua đó phải thiết lập được môi trường kiểm soát chặt chẽ đối với HĐQT - những người đã được uỷ thác quyền định hướng phát triển doanh nghiệp.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Xem thêm tại vietnamfinance.vn