Ngân hàng 'đua' chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu

Việc các ngân hàng ghi nhận hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận trong quý đầu năm, và quyết định mạnh tay chia cổ tức được xem là tín hiệu tích cực tác động lên cổ phiếu "vua" vốn dĩ được đánh giá cao so với các nhóm ngành khác trong bối cảnh thị trường hiện nay.

Cổ đông ngân hàng sắp đón “mưa” cổ tức

Năm nay, để đảm bảo quyền lợi của cổ đông, nhiều ngân hàng không chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu mà còn chia bằng cả tiền mặt.

Cụ thể, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024, SHB thông qua phương án chia cổ tức đã được chốt tỷ lệ là 16%. Trong đó, 11% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt, tương ứng với khoảng 1.800 tỷ đồng.

Tương tự, tại ĐHĐCĐ, TPBank đã thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 25% bằng tiền mặt và cổ phiếu. Trong đó, bằng tiền mặt 5% và cổ phiếu 20%.

-6708-1714729815.jpg

Năm nay, Techcombank chia cổ tức bằng cả cổ phiếu và tiền mặt cho cổ đông.

Cụ thể, TPBank đề xuất chia cổ tức 5% bằng tiền mặt (1 cổ phiếu nhận được 500 đồng) từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2023.

Thay đổi lớn nhất trong chính sách cổ tức năm nay là Techcombank. Đây là lần đầu tiên sau 10 năm giữ lại toàn bộ lợi nhuận, Techcombank lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt và cả cổ phiếu. Cụ thể, Techcombank chia tỷ lệ 15% tiền mặt và chia tiếp cổ phiếu với tỷ lệ 1:1, nghĩa là cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 100 cổ phiếu mới.

Dự kiến, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu sẽ giúp Techcombank tăng vốn điều lệ từ mức 35.225 tỷ đồng lên 70.450 tỷ đồng.

Còn với việc chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ là 15% (1 cổ phiếu nhận 1.500 đồng), Techcombank dự kiến thực hiện trong quý II hoặc III năm nay. Với tỷ lệ chia cổ tức như vậy, ước tính Techcombank sẽ phải chi khoảng 5.284 tỷ đồng được lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng sau khi trích lập các quỹ.

ĐHĐCĐ của MB cũng đã thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ chi trả cổ tức là 20%, bao gồm 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu.

Cụ thể, ban lãnh đạo MB dự kiến chi hơn 2.600 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5%. Cùng với đó, ngân hàng cũng phát hành gần 796 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, qua đó tăng vốn điều lệ thêm gần 7.800 tỷ đồng.

Việc chia cổ tức bằng cả hai hình thức tiền mặt và cổ phiếu cũng được nhiều nhà băng khác áp dụng trong năm nay, như tại ACB tiếp tục trả cổ tức 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu; HDBank chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10% và bằng cổ phiếu 15%; Eximbank chia cổ tức tiền mặt 3% và 7% bằng cổ phiếu; VIB chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 12,5% và cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 17%.

Một số nhà băng khác như MSB, NamABank, OCB, SeABank… tuy không chia cổ tức bằng tiền mặt, nhưng cũng dự kiến chia cổ tức bằng hình thức phát hành cổ phiếu, với tỷ lệ từ 13% đến 30%.

Việc trả cổ tức bằng phát hành cổ phiếu bản chất là tách nhỏ cổ phiếu của cổ đông, song giúp ngân hàng đảm bảo được tỷ lệ an toàn vốn và có dư địa mở rộng danh mục tín dụng. Vì thế, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu cũng mang lại lợi ích cho cổ đông nắm giữ và kỳ vọng vào đà tăng giá dài hạn khi nhà băng kinh doanh hiệu quả.

Cổ đông lo cổ phiếu bị pha loãng

Thực tế, việc chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu đã được nhiều ngân hàng áp dụng vào thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Nhưng từ năm 2020-2022, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng hạn chế chia cổ tức bằng tiền mặt để dành nguồn lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp giai đoạn 3 năm Covid-19 (từ 2019 - 2021).

Tuy nhiên, từ đầu năm 2023, tại Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước không còn yêu cầu các nhà băng không chia cổ tức bằng tiền mặt. Như vậy, "vòng kim cô" đã được gỡ, làn sóng chia cổ tức tiền mặt bắt đầu quay lại trong 2 năm gần đây.

Dù được chia cổ tức cả bằng tiền mặt và cổ phiếu, song nhiều cổ đông của ngân hàng cũng băn khoăn về việc chia cổ tức để tăng vốn sẽ khiến cổ phiếu bị loãng, hay nói cách khác là giá cổ phiếu sẽ giảm.

Về vấn đề này, trả lời cổ đông, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank cho rằng giá cổ phiếu có thể giảm đôi chút nhưng đây cũng là cơ hội cho nhà đầu tư khác mua vào cổ phiếu TCB với giá phù hợp.

“Nếu là ngân hàng tốt thì giá cổ phiếu sẽ tăng trưởng trở lại. Quan trọng là đánh giá về giá trị của doanh nghiệp”, ông Jens Lottner khẳng định.

Còn ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB, cho rằng ngoài cổ tức bằng tiền mặt cần phải nâng cao "sức khỏe" của ngân hàng, như vậy ngân hàng mới phát triển bền vững.

Tăng vốn lên là để góp phần phát triển mạng lưới đầu tư kinh doanh, đem lại giá trị cho ngân hàng, giá trị cổ phiếu lại nâng lên. Cho nên cần phải song song và ưu tiên nâng cao năng lực của doanh nghiệp, đó là tầm nhìn chiến lược trung và dài hạn.

Thực tế, thời gian qua, một số cổ phiếu ngân hàng cũng đã ghi nhận hiệu suất sinh lời tốt và phản ánh kỳ vọng về mục tiêu kinh doanh trong năm 2024. Trong 26 mã cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên sàn chứng khoán có 5 mã gần đây xác lập đỉnh mới là VCB, BID, ACB, HDB và MBB. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu nhà băng như CTG và LPB cũng ở cận kề vùng đỉnh lịch sử.

Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng phân tích dữ liệu FiinGroup đánh giá, về dài hạn, ngân hàng là ngành đáng chú ý nhờ các yếu tố hỗ trợ. Kế hoạch chi trả cổ tức, dòng tiền ngoại, sự cải thiện về chất lượng tài sản khi tín dụng tăng trở lại và các tín hiệu hồi phục về vĩ mô trở nên vững chắc hơn sẽ giúp gia tăng dòng tiền và tạo động lực về giá với cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới.

Huyền Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn