Ngân hàng lên kế hoạch mở rộng cho vay

Tăng cường cho vay

ACB mới đây đã dự thảo kế hoạch kinh doanh năm 2024 để xin ý kiến cổ đông, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay đạt 14%. Nếu hoàn thành mục tiêu này, dư nợ của ngân hàng sẽ lên mức 555.866 tỷ đồng. Theo ACB, mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 đặt ra phù hợp với bối cảnh thị trường và là chỉ tiêu NHNN giao. Năm 2023, ngân hàng này có mức tăng trưởng tín dụng 17,9%, huy động tăng 16,6%, tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu trong nhóm thấp trong hệ thống.

Trong khi đó, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 12%, huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tín dụng, nợ xấu dự kiến dưới 1,5%. Đáng chú ý là dư nợ của Vietcombank tính đến cuối năm 2023 đã lên mức 1,24 triệu tỷ đồng, qua đó 1% tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này cũng đồng nghĩa với việc đưa ra thị trường hơn 12.000 tỷ đồng, tương đương với quy mô tăng trưởng cả năm của một ngân hàng quy mô nhỏ và vừa.

Trong khi đó, năm 2024, Eximbank đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát mức 1,8%. Còn MB mong muốn mở rộng tín dụng hơn nữa so với mức chỉ tiêu NHNN phân bổ cho ngân hàng này năm 2024 là 16%. Nếu hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu phân bổ này, MB sẽ có quy mô dư nợ tín dụng vào khoảng 360.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024.

Để mở rộng hoạt động kinh doanh, các ngân hàng cũng đưa ra các kế hoạch tăng vốn. Trong đó, Vietcombank trình đại hội cổ đông năm 2024 kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế, phương án này đã được Vietcombank đưa ra từ năm 2022, tuy nhiên năm 2023 do thị trường chứng khoán không thuận lợi và các điều kiện khác chưa đủ chín muồi nên năm nay phương án này tiếp tục được trình trước cổ đông.

VietinBank cũng lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn phân phối lợi nhuận năm 2022 trên cơ sở cơ quan quản lý nhà nước phương án phê duyệt, dự kiến xấp xỉ 11.600 tỷ đồng. Năm ngoái, ngân hàng này đã hoàn thành tăng vốn lên hơn 53.700 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận để lại của năm 2020. Trong một diễn biến mới nhất, tại hội nghị đầu năm 2024, VietinBank tiếp tục kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 và lợi nhuận hàng năm giai đoạn 2024-2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng cho vay.

Ngoài ra, hàng loạt ngân hàng cổ phần cũng lên kế hoạch trình cổ đông về việc tăng vốn từ nguồn chia cổ tức bằng cổ phiếu. Chẳng hạn, Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 308 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức trong năm 2024. BAC A BANK cũng thông báo chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7,5%. Ngân hàng Quốc Dân (NCB) cho biết sẽ phát hành 620 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.200 tỷ đồng, nếu thực hiện thành công vốn sẽ được nâng lên 11.800 tỷ đồng. ACB sẽ trình cổ đông chia cổ tức với tổng tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu. LPBank cũng có kế hoạch xin ý kiến cổ đông tăng vốn trong kế hoạch năm 2024…

Tín dụng sẽ phục hồi tích cực

Theo của số liệu của NHNN, trong hai tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống giảm 0,72% so với cuối năm 2023, nhưng tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại khoảng 0,05% so với tháng 1. Tín dụng giảm do chịu tác động bởi yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán, cùng với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao do nhiều yếu tố trong nước và quốc tế tác động bất lợi đến cầu đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng...

Trong bối cảnh một số nguyên nhân kể trên có thể còn dai dẳng, hoạt động cho vay năm 2024 sẽ có sự khác biệt giữa các nhóm ngân hàng. Những ngân hàng lớn kỳ vọng ở các dự án đầu tư công giải ngân tích cực, trong khi nhóm ngân hàng quy mô nhỏ lại hướng đến cho vay tiêu dùng cá nhân, hộ kinh doanh…

Trong kế hoạch trình đại hội cổ đông của mình, ACB lý giải việc đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao là do kỳ vọng vào khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng hộ gia đình sẽ sớm phục hồi. Trong khi đó, ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MB tự tin với tệp khách hàng số lên đến 26 triệu tài khoản sẽ là một tiềm năng khai thác kinh doanh trong thời gian tới. Đặc biệt, một lượng khách hàng sử dụng các dịch vụ cơ bản của ngân hàng sẽ là cơ sở để ngân hàng này phát triển tín dụng bền vững trong tương lai.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất thấp cũng là cơ hội cho sản xuất kinh doanh, phục hồi từ đó lại tạo điều kiện cho ngân hàng mở rộng kinh doanh. Theo thống kê của NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm hơn 2,5 điểm phần trăm trong năm 2023 và tiếp tục giảm trong những tháng đầu năm 2024. Trong quý đầu năm 2024, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới giảm lần lượt khoảng 0,2 điểm phần trăm/năm và 0,7 điểm phần trăm/năm so với cuối năm 2023.

NHNN cũng cho biết sẽ giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, đồng thời chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay và thực hiện công bố lãi suất cho vay trên trang thông tin điện tử của TCTD. Cơ quan quản lý tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn cho vay đối với một số ngành hàng, nâng quy mô, đăng ký tham gia cho vay Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng để trở thành gói 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; tiếp tục chỉ đạo triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng; chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN tiếp tục được gia hạn sẽ trực tiếp hỗ trợ chi phí tài chính cho doanh nghiệp và cho vay mới.

Theo Hải Nam/thoibaonganhang.vn

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn