Ngân hàng tìm cách hút dòng vốn ngoại

Tại hội nghị nhà đầu tư vào tháng 2/2024, do HDBank tổ chức, đại diện ngân hàng này cho biết, việc thông qua chủ trương thành lập văn phòng đại diện tại Seoul (Hàn Quốc) là một phần trong chiến lược của ngân hàng nhằm mở rộng quan hệ quốc tế đối với các định chế tài chính, tập đoàn và doanh nghiệp nước ngoài. Hơn nữa, thời gian vừa qua, HDBank đã nhận được sự quan tâm từ một số đối tác nước ngoài. Do đó, HDBank đã “để dành” 10% room ngoại (hạn mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài) cho nhà đầu tư nước ngoài và kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn có thể triển khai khi điều kiện thuận lợi và ngân hàng tìm được đối tác phù hợp.

Tương tự, ngay sau khi đưa cổ phiếu NAB của Nam Á Bank chuyển sang niêm yết trên sàn HoSE, trao đổi với báo chí, ông Trần Ngọc Tâm, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Nam Á Bank cho biết, ngân hàng đặt mục tiêu tăng vốn lên 13.000 tỷ đồng trong năm 2024 thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu và mục tiêu đến năm 2025, vốn điều lệ Nam Á Bank sẽ đạt khoảng 16.200 tỷ đồng. Vì thế, Nam Á Bank đang trong quá trình đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài để tìm được nhà đầu tư phù hợp. Nam Á Bank sẽ sử dụng room ngoại cho phép ở mức tối đa 20% để thu hút thêm vốn ngoại.

Trước thềm đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) vào tháng 4 này, nhiều ngân hàng cũng đã rục rịch lên kế hoạch chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, LPBank đang triển khai các bước trong kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2023, cổ đông LPBank đã thông qua việc tăng vốn thêm tối đa 11.385 tỷ đồng thông qua 4 hình thức, trong đó có chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.

Vietcombank cũng dự kiến chào bán riêng lẻ 307,6 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược nước ngoài hiện nay là Mizuho Bank (46,1 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư khác (261,4 triệu cổ phiếu). Thực tế, kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% cổ phần đã được Vietcombank đưa ra từ năm 2019, song vẫn chưa thể hoàn tất do điều kiện kinh tế vĩ mô chưa thuận lợi. Tại ĐHĐCĐ vào năm 2023, ban lãnh đạo Vietcombank cho biết vẫn đang triển khai kế hoạch này và ngân hàng đang triển khai thuê tư vấn tài chính để hỗ trợ lựa chọn cổ đông nước ngoài, dự kiến kế hoạch sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2023-2024.

Báo cáo thường niên mới nhất của MB cho biết, hiện ngân hàng có 580 cổ đông nước ngoài, sở hữu tổng cộng 2,5 triệu cổ phiếu, tương đương 0,06% vốn điều lệ. Trong khi tỷ lệ sở hữu tối đa nhà đầu tư ngoại được phép tại MB là 23,23%. Vì thế, lãnh đạo MB cũng đã thông tin về việc ngân hàng tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược phù hợp để thực hiện chào bán thêm khoảng 60 triệu cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ.

Dù chưa công bố chi tiết kế hoạch chào bán vốn ngoại cho năm nay, nhưng vào năm 2023, BIDV đã có kế hoạch tăng vốn bằng cách phát hành thêm 455 triệu cổ phiếu theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ. Tuy nhiên, ĐHĐCĐ của ngân hàng này đã quyết định lùi thời gian thực hiện phương án tăng vốn sang năm 2024.

Theo các chuyên gia, ngân hàng nói riêng và tài chính nói chung luôn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế là đã có nhiều thương vụ thành công từ các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản… với các ngân hàng trong nước.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính (trường Đại học Kinh tế TPHCM) cho rằng, việc thu hút sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không chỉ giúp các ngân hàng tăng thêm nguồn lực tài chính mà còn là sự hỗ trợ về công nghệ, quản trị, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDirect, hệ số an toàn vốn (CAR) tại các ngân hàng Việt Nam đã cải thiện, tuy nhiên, “bộ đệm” vốn còn tương đối thấp so với tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, tăng vốn và tìm nguồn lực nước ngoài là một xu hướng tất yếu để có thể đáp ứng kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng, hướng tới các tiêu chuẩn quản trị quốc tế như Basel II, Basel III.

Tuy nhiên, kế hoạch tiếp tục bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài của nhiều ngân hàng trong năm 2024 còn rào cản và khó khăn, nhất là trước ảnh hưởng tiêu cực từ sự trầm lắng của thị trường vốn thế giới do chính sách thắt chặt tiền tệ. Ngoài ra, ông Dominic Scriven, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Dragon Capital đánh giá, rào cản lớn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn tham gia ngân hàng Việt vẫn là việc hạn chế room cho nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng. Theo quy định hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể sở hữu tối đa 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Mặc dù đã có nhiều ý kiến về việc nới room ngoại cho các ngân hàng nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng đã lên tiếng khẳng định, việc mở rộng và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài chỉ nên áp dụng với các tổ chức tín dụng yếu kém bởi hiện có 27/31 ngân hàng thương mại niêm yết trên thị trường chứng khoán ở tình trạng này, nên nếu có biến động lớn về kinh tế trong nước và thế giới thì nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng rút vốn, từ đó gây khó khăn trong công tác quản lý kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn