Ngày 8/5: Giá tiêu ổn định, cao su tăng - giảm trái chiều, cà phê tiếp tục trượt dốc
Giá cà phê trên thị trường thế giới hôm nay duy trì đà giảm. Ảnh tư liệu

Giá tiêu duy trì ở ngưỡng 104.000 đồng/kg

Theo khảo sát, giá tiêu không có biến động mới. Trong đó, mức giao dịch 103.000 đồng/kg được ghi nhận tại Đắk Lắk, Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai. Hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước tiếp tục neo ở ngưỡng 104.000 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá tiêu đen Lampung (Indonesia) giảm 0,19%, giá tiêu đen Brazil ASTA 570 và giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA duy trì ổn định so với ngày 6/5; giá tiêu trắng Muntok giảm 0,19%, trong khi giá tiêu trắng Malaysia ASTA không có điều chỉnh mới.

Tính đến hết tháng 4/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 83.067 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 73.555 tấn, tiêu trắng đạt 9.512 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 352,0 triệu USD, tiêu đen đạt 298,0 triệu USD, tiêu trắng đạt 54 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu giảm 19,4%, tuy nhiên kim ngạch lại tăng 10,3%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 4 tháng đạt 4.065 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.678 USD/tấn, tăng lần lượt 19,4% đối với tiêu đen và 14,5% đối với tiêu trắng so với cùng kỳ năm trước.

Giá cao su biến động trái chiều

Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 5/2024 tăng 2,84% lên mức 318,3 yen/kg tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h ngày 8/5 (giờ Việt Nam).

Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 5/2024 ở mức 13.885 Nhân dân tệ/tấn, giảm 0,57%.

Trong quý I/2024, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) đã tiêu thụ 101.000 tấn cao su, với giá bán bình quân 36,7 triệu đồng/tấn, tăng 4,1 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm 2023.

Giá hiện hành với mủ cao su chủng SVR 3L (loại mủ phổ biến) đã lên đến 49 triệu đồng/tấn, tăng 12,5 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng giá trên là do yếu tố thời tiết bất lợi khiến nguồn cung khan hiếm và giá dầu tăng cao đã tác động đến giá cao su tự nhiên, trong khi đó nhu cầu thực tế không tăng nhiều.

Giá cao su còn ở mức cao ít nhất cho đến tháng 5 - 6, thời điểm tới mùa lấy mủ và nguồn cung tăng trở lại. GVR nhận định, giá cao tự nhiên trong cả năm nay sẽ đạt trung bình 34 - 35 triệu đồng/tấn, tăng 2 - 3 triệu đồng/tấn, tương ứng tăng khoảng 6-10% so với năm 2023.

Trong quý I/2024, xuất khẩu cao su tăng trưởng tích cực nhờ giá cao su tăng mạnh. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 414,31 nghìn tấn, trị giá 607,35 triệu USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 14,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Giá cà phê duy trì đà giảm

Theo ghi nhận mới nhất, giá cà phê trên thị trường thế giới duy trì đà giảm.

Cụ thể, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 7/2024 được ghi nhận tại mức 3.366 USD/tấn sau khi giảm 4,94%.

Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 tại New York ở mức 193,15 UScent/pound sau khi giảm 1,05%.

Giá cà phê thế giới được tổng hợp và theo dõi bởi ICO (I-CIP) đạt trung bình 216,9 UScent/pound trong tháng 4, tăng mạnh 16,4% so với tháng trước và tăng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương ứng với mức giá dao động trong khoảng 193,4 - 235,5 US cent/pound, mức cao nhất trong 13 năm qua.

Theo ICO, trong nửa đầu tháng 4, giá cà phê thế giới đã tăng tới 21,8% từ mức 193,4 Uscent/pound lên 235,5 US cent/pound do lo ngại mưa lớn ở bang Minas Gerais của Brazil có thể ảnh hưởng đến nguồn cung niên vụ 2024 - 2025 của nước này.

Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn về nguồn cung do sản lượng thu hoạch giảm liên tiếp trong hai niên vụ 2022 - 2023 và 2023 - 2024. Ngày 26/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết ​​sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023 - 2024 có thể giảm 20% xuống 1,47 triệu tấn, mức thấp nhất trong 4 năm, do hạn hán.

Thông tin này đã đẩy giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa Việt Nam tăng vọt lên mức hơn 132.000 đồng/kg trong phiên giao dịch ngày 26/4 từ mức trung bình 80.000 đồng/kg vào ngày 15/2 và 61.000 đồng/kg của giữa tháng 11/2023.

Tuy nhiên, giá cà phê thế giới sau đó đã đảo chiều và giảm xuống còn 218,1 UScent/pound vào cuối tháng 4, do chịu tác động bởi các yếu tố chính như: Sự phục hồi của tồn kho trên sàn ICE; chốt lời trên thị trường giấy (vị thế mua ròng của thị trường châu Âu trên sàn ICE đã giảm 5.042 lô trong khoảng thời gian từ ngày 16 đến ngày 23/4); và đồng USD mạnh lên thúc đẩy hoạt động bán ra, đồng nội tệ của Brazil đã giảm từ 5,3 Real/USD vào ngày 16/4 xuống còn 5,1 Real/USD vào ngày 30/4.

Dù vậy, nhìn chung giá của tất cả các nhóm cà phê đều tăng mạnh trong tháng 4 vừa qua. Trong đó, Arabica Brazil biến động mạnh nhất khi tăng tới 17,8% lên mức trung bình 218,8 UScent/pound. Giá của nhóm cà phê Arabica Colombia và arabica khác cũng tăng lần lượt là 15% và 14,8%, đạt 241,8 và 239,7 UScent/pound./.