Nợ 18 tháng BHXH, Tập đoàn Đua Fat làm ăn ra sao?

Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội mới công bố danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ 01 tháng trở lên trên địa bàn thành phố Hà Nội tháng 11/2023 (số liệu tính đến hết ngày 30/11/2023).

Trong danh sách này có tên CTCP Tập đoàn Đua Fat (MCK: DFF) có địa chỉ tại: Số 15 lền kề 10, KĐT Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) chậm đóng BHXH 18 tháng với số tiền hơn 4 tỷ đồng.

Được biết, CTCP Tập đoàn Đua Fat được thành lập từ năm 2009, doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực san lấp mặt bằng, xử lý nền móng công trình, phá dỡ các kết cấu công trình và cấu kiện xây dựng…

Theo báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2023, danh sách cổ đông lớn của Tập đoàn Đua Fat gồm ông Lê Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT sở hữu 47,5% vốn điều lệ; bà Trần Thị Hồng Nhung, vợ ông Lê Duy Hưng sở hữu 7,5% vốn điều lệ; ông Lê Văn Thịnh, em ruột ông Lê Duy Hưng sở hữu 8,5% vốn điều lệ; ông Nguyễn Cảnh Trung, Thành viên HĐQT sở hữu 7,5% vốn điều lệ; bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh, thành viên HĐQT sở hữu 6,4% vốn điều lệ.

Theo tìm hiểu, ông Lê Duy Hưng sinh năm 1979, ông từng theo học chuyên ngành Khoan, khoa dầu khí của trường Đại học Mỏ địa chất. Trước khi thành lập và lãnh đạo Tập đoàn Đua Fat năm 2009, ông từng là đội trưởng thi công tại CTCP Kỹ thuật Nền móng và Xây dựng 20 (Licogi 20) từ năm 2002 đến năm 2009.

Về tình hình doanh nghiệp, tại lần tăng vốn gần đây nhất vào tháng 3/2022, Đua Fat đã tăng vốn gấp đôi từ 400 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng.

Năm 2022, doanh thu thuần của Đua Fat ở mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, đạt 1.597,6 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm về mức thấp nhất kể từ năm 2019, từ lãi trên 20 tỷ đồng về chỉ còn gần 2 tỷ đồng trong năm 2022 do tăng mạnh chi phí lãi vay. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty tại thời điểm kết thúc năm 2022 âm gần 685 tỷ đồng. Trong 4 năm trước đó (2018 - 2021), dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này đã lần lượt âm 26,76 tỷ đồng, 18,3 tỷ đồng, 152,1 tỷ đồng và 68,2 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh bị thiếu hụt do ứ đọng ở phía khách hàng, đối tác chưa thể thu hồi hoặc nằm trong hàng tồn kho. Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân chính khiến dòng tiền hoạt động kinh doanh của Đua Fat thâm hụt lớn là do sự gia tăng của các khoản chiếm dụng vốn. Giá trị phải thu ngắn hạn của khách hàng và trả trước cho người bán ngắn hạn tài thời điểm kết thúc năm 2022 tăng gần gấp đôi so với thời điểm đầu năm, lên mức 1.598,7 tỷ đồng. Ngoài ra, cuối năm 2022, giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp này cũng tăng 1,8 lần, lên mức 875,2 tỷ đồng.

Chính vì thiếu hụt dòng tiền kinh doanh nên doanh nghiệp đã phải tăng vay vốn để bù đắp cho dòng tiền thiếu hụt này đã làm gia tăng gánh nặng lãi vay (tăng từ 79 tỷ đồng lên 142,8 tỷ đồng) đã khiến cho doanh nghiệp này dù có doanh thu lớn nhưng lợi nhuận đã bị bào mòn gần hết.

Sang năm 2023, ngay quý đầu tiên doanh nghiệp này lỗ kỷ lục hơn 20 tỷ đồng và có lãi 522 triệu vào quý II. Tuy nhiên, sang quý III/2023, Đua Fat lại lỗ sau thuế gần 17 tỷ đồng.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, Đua Fat ghi nhận doanh thu thuần đạt 83,9 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận gộp cũng giảm 75,4%, về mức 12,6 tỷ đồng. Các chi phí cũng có chiều hướng giảm như chi phí hoạt động tài chính giảm 25% về mức 27,5 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 32%, về mức 5,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi không đủ bù đắp chi phí dẫn tới doanh nghiệp đã lỗ tới 17 tỷ đồng trong quý này.

Luỹ kế 9 tháng năm 2023, Đua Fat đem về 593,6 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước và lỗ sau thuế 35,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi 7,2 tỷ đồng.

Sau 9 tháng năm 2023 dòng tiền kinh doanh của Đua Fat đã dương trở lại với 68,2 tỷ đồng (cùng kỳ âm 645,8 tỷ đồng).

Tại thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản của Đua Fat đạt 4.092 tỷ đồng, giảm 6,2% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là các khoản phải thu ngắn hạn ở mức 1.712,8 tỷ đồng, chiếm 42% tổng tài sản. Giá trị hàng tồn kho có giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao với 818 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp tại thời điểm kết thúc quý III được ghi nhận ở mức 3.230,5 tỷ đồng gấp 3,7 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, vay nợ tài chính ở mức 2.265,6 tỷ đồng, tăng 3,3% so với thời điểm đầu năm. Chủ nợ lớn nhất của Đua Fat là Ngân hàng SHB với dư nợ 1.075,4 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn nợ trái phiếu hơn 381 tỷ đồng.

Xem thêm tại cafef.vn