Ông Nguyễn Duy Hưng chia sẻ lý do tham gia tham gia lĩnh vực tài sản số

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI Digital. Ảnh: SSI Digital.

"Tôi thuần túy là dân tài chính, tôi là chủ tịch công ty chứng khoán, tôi nghĩ rằng tất cả tài sản số là cái gì đó của thế hệ trẻ. Tôi không có ý định quan tâm hoặc xây dựng nữa.

Cho đến một ngày khi các anh lãnh đạo ở khu công nghệ trên Láng – Hòa Lạc gọi tôi lên và nói rằng giờ rất cần một doanh nghiệp tài chính, một người có thể tập hợp anh em tạo một cái hub để hỗ trợ các doanh nghiệp, những người trẻ có mong muốn phát triển startup công nghệ nói chung và các doanh nghiệp làm về công nghệ blockchain, digital nói riêng.

Tôi nhận lời, nhận lời tức là phải làm. Rất nhanh chóng khu công nghệ cao cấp cho chúng tôi một khu đất lớn đẹp trong khu R&D kèm theo cơ chế tốt theo Nghị định Chính phủ ban hành cơ chế cho khu công nghệ cao.

Loay hoay cả năm, việc xây một trung tâm với chúng tôi là rất dễ nhưng làm thế nào cho trung tâm sống được, phát triển được, đúng với chức năng, mong muốn của Chính phủ, khu công nghệ cao là vô cùng khó.

Cho đến một ngày tôi gặp các anh em khác ngồi lại, đây là những người có cộng đồng quan tâm và bỏ rất nhiều tiền vào đầu tư sản xuất, hệ thống cũng như “ôm” rất nhiều tài sản số ngồi lại, mong muốn cùng tôi để làm việc này. Đó là lý do tại sao SSI Digital ra đời, độc lập với SSI, vốn là một định chế tài chính thuần túy kinh doanh toàn bộ những gì mà đã có sẵn, hợp lý, từng có lịch sử ở Việt Nam, ít nhất là 24 năm nay.

Các bạn gần đây đọc báo và nghe các phương tiện thông tin thấy rằng là Việt Nam là một trong ba nước giao dịch tài sản số lớn nhất thế giới. Các trader (nhà giao dịch) Việt Nam là những người thông minh, mang lại hiệu quả đứng đầu thế giới. Tất cả điều đó chỉ là những con số.

Tại sao tôi nói đó là con số? Vì với cơ sở pháp lý như hiện nay thì có đấy (lợi nhuận từ giao dịch tài sản số - PV), rồi bao giờ mang về, đi về đâu, như thế nào là câu chuyện chúng ta cần có đề xuất để Chính phủ thừa nhận các tài sản số là tài sản được luật giao dịch dân sự chấp nhận. Khi được luật chấp nhận thì có sàn, có chợ để mua bán, chuyển nhượng tài sản mà chúng ta sở hữu.

Chúng ta nói với nhau về những cơ hội và vô cùng nhiều rủi ro đang chờ, rủi ro về pháp lý, rủi ro về cơ chế quản lý ngoại hối và rủi ro làm sao để không bị lừa đảo. Thị trường càng nhiều cơ hội thì càng nhiều lừa đảo. Khi thị trường không phân biệt được đâu là vàng đâu là thau thì những người càng ít hiểu biết sẽ càng khó phân định được tiền tài và tài sản của mình.

Dù là tiền của ai, nếu bị mất thì đâu đấy cũng sẽ bị thất thoát ra ngoài Việt Nam và chúng ta mất."

Xem thêm tại vietnambiz.vn