Phá tảng băng 'trì trệ' để tìm ra hướng đi mới, đường sắt Việt Nam thắng lớn

Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội (HRT) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt mức cao kỷ lục, hơn 710 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023, đây cũng là mức doanh thu cao nhất kể từ quý I/2015 đến nay.

Với kết quả này, công ty báo lãi sau thuế hơn 34 tỷ đồng, tăng 87% so với quý đầu năm ngoái. Thành tích này là một sự cải thiện đáng kể sau khoản lỗ gần 84 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm 2023.

Phá tảng băng 'trì trệ' để tìm ra hướng đi mới, đường sắt Việt Nam thắng lớn
Kết quả kinh doanh của Đường sắt Hà Nội qua các quý. Đơn vị: tỷ đồng

Tương tự, Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn (SRT) cũng ghi nhận doanh thu trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 556 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn doanh thu tăng là từ mảng vận tải hành khách và hành lý, với mức tăng gần 59 tỷ đồng. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất trong gần 5 năm qua của SRT. Kết quả là, SRT báo lãi sau thuế gần 33 tỷ đồng trong quý I.

Phá tảng băng 'trì trệ' để tìm ra hướng đi mới, đường sắt Việt Nam thắng lớn
Lãi sau thuế của Đường sắt Sài Hòn qua các quý. Đơn vị: tỷ đồng

Chỉ trong 3 tháng đầu năm, Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận của cả năm lần lượt khoảng 2,8 lần và 3 lần. Kết quả này cũng vượt xa mục tiêu mà Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đề ra với lợi nhuận sau thuế 5 tỷ đồng (mục tiêu doanh thu là gần 6.300 tỷ đồng).

Năm 2023 sau 3 năm thua lỗ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 8.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 95 tỷ đồng, vượt 15% so với kế hoạch.

Thành tích đáng kể này đạt được trong bối cảnh Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng do lo ngại về sự phục hồi của nền kinh tế, lạm phát, giá nhiên liệu tăng và sự cạnh tranh của các phương tiện khác, đặc biệt là ngành hàng không.

Nguyên nhân của sự cải thiện này một phần do sự đổi mới trong phương thức kinh doanh. Ban lãnh đạo SRT đã điều chỉnh kế hoạch chạy tàu phù hợp, phương án bán vé và giá vé hợp lý. Cùng với đó, nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao, đặc biệt trong và sau dịp Tết Nguyên Đán. Tương tự, HRT đã áp dụng các biện pháp kiểm soát chi phí, đặc biệt là chi phí tài chính, cùng với sự gia tăng doanh thu vận tải hành khách và hành lý.

Phá tảng băng 'trì trệ' để tìm ra hướng đi mới, đường sắt Việt Nam thắng lớn
Tàu SE19, SE20 được nâng cấp lên chấp lượng '5 sao'. Ảnh: Haraco

Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn là hai thành viên có quy mô lớn nhất thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). HRT quản lý các tuyến từ Hà Nội đi TP. HCM, Lào Cai, Đồng Đăng, Hải Phòng và hai tuyến Yên Viên - Quán Triều, Kép - Cái Lân. Công ty còn tổ chức vận chuyển hàng hóa, hành khách quốc tế qua hai cửa khẩu Hà Khẩu và Hữu Nghị. Doanh nghiệp này cho biết đang sở hữu 600 toa vận chuyển khách hàng, 3.300 toa vận chuyển hàng hóa với 5.000 lao động.

Trong khi đó SRT quản lý các tuyến từ TP HCM đi Hà Nội, Nha Trang, Tuy Hòa, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Lào Cai, Hải Phòng, Lạng Sơn... Công ty này còn kinh doanh tour du lịch tới các điểm danh lam, thắng cảnh. Ngoài ra, SRT còn sở hữu địa điểm kinh doanh tại những nhà ga lớn trên cả nước như Sóng Thần, Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng, Giáp Bát, Hà Nội, Lào Cai và Đồng Đăng.

Có thể thấy, đường sắt Việt Nam thực sự đã khoác lên mình 'chiếc áo mới' đầy sức sống, có những bước đột phá từ trong tư duy khi không chỉ nâng cấp chất lượng toàn diện mà còn mạnh dạn triển khai nhiều sáng kiến áp dụng linh hoạt cho từng thời điểm. Từ đó, ngành được sắt đã gặt hái được những thành công không nhỏ.

Theo ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ngành đường sắt không chỉ tập trung vào điểm đi và điểm đến mà còn hướng đến việc tạo ra những trải nghiệm đi tàu độc đáo, thúc đẩy du lịch và quảng bá hình ảnh của đất nước. Những nỗ lực này góp phần vào sự hồi sinh của ngành đường sắt sau nhiều năm gặp khó khăn.

Hạ tầng đường sắt hiện đang khai thác từ thời Pháp xây dựng nên còn nhiều hạn chế, tuy nhiên đây cũng là ưu thế khi cung đường này đi qua nhiều địa điểm du lịch của các địa phương với những phong cảnh dọc bãi biển, đường đèo kỳ vĩ… Hạn chế lớn nhất của vận tải đường sắt là tốc độ chạy tàu, vì vậy, VNR đã và đang hướng đến việc cung cấp các đoàn tàu du lịch hạng sang chạy chậm để hướng tới phân khúc khách hàng có thời gian, thích khám phá, trải nghiệm và tổ chức chạy tàu theo nhu cầu của khách…

Xem thêm tại nguoiquansat.vn