![]() |
Khu vực tư nhân phát triển, số doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán có thể tăng lên, làm tăng sức hấp dẫn của thị trường. Ảnh: Dũng Minh |
Cơ hội mới cho thị trường vốn
Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành ngày 4/5/2025 đã mang lại một làn gió mới cho khu vực tư nhân và thị trường chứng khoán Việt Nam, với hiệu ứng lan tỏa tích cực.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Liên - Trưởng khối Phân tích từ Công ty Chứng khoán Phú Hưng, Nghị quyết 68 có thể trở thành một yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ, một cam kết của Đảng và Nhà nước trong việc tạo môi trường thuận lợi kinh doanh, từ đó thúc đẩy khả năng tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết.
“Khi khu vực tư nhân được thúc đẩy phát triển, số lượng doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán có thể tăng lên, nhà đầu tư sẽ có thêm nhiều lựa chọn đầu tư chất lượng, làm tăng tính thanh khoản và sức hấp dẫn của thị trường” - bà Liên cho biết.
Bên cạnh đó, việc nhấn mạnh tính minh bạch và cải thiện môi trường đầu tư trong Nghị quyết 68 sẽ giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước. “Sự phát triển của khu vực tư nhân không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn tạo ra động lực mới cho thị trường vốn Việt Nam, giúp thị trường chứng khoán tiếp tục là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp và là kênh đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư” - chuyên gia từ PHS nhận định.
Thúc đẩy vốn tư nhân
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân tại Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho rằng, Nghị quyết 68 là bước đi chiến lược nhằm mở rộng khả năng huy động vốn cho khu vực tư nhân, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp đã niêm yết hiện đang chiếm hơn 60% GDP theo vốn hóa thị trường năm 2024.
Ông Minh cho rằng, việc xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch đang tạo tiền đề để thị trường vốn trở thành một công cụ huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp. “Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã hình thành gần đầy đủ các yếu tố cần thiết để mở rộng quy mô huy động vốn ổn định, với chi phí hợp lý, đồng thời cũng đang đi theo một định hướng rõ ràng cả về chiến lược và mục tiêu dài hạn” - ông Minh đánh giá.
Tuy vậy, chuyên gia từ Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng lưu ý, điểm hạn chế lớn nhất hiện nay là hệ sinh thái sản phẩm tài chính còn đơn điệu, trong khi cơ cấu nhà đầu tư vẫn nghiêng mạnh về phía cá nhân trong nước. Điều này khiến thị trường dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý và các biến động ngắn hạn.
“Chúng ta cần thêm các tổ chức tài chính chuyên nghiệp, cả nội và ngoại, và phải đẩy nhanh việc phát triển các sản phẩm đầu tư mới để giảm phụ thuộc vào dòng vốn cá nhân. Có như vậy, thị trường mới có thể bước sang một giai đoạn phát triển ổn định và chuyên nghiệp hơn”, ông Minh nhấn mạnh.
Không dừng lại ở mặt chính sách, Nghị quyết 68 cũng đang tạo động lực cho nhiều doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn hơn trong việc niêm yết hoặc phát hành cổ phiếu ra công chúng.
“Đây là tín hiệu tích cực cho thấy khu vực tư nhân bao gồm cả doanh nghiệp vừa, nhỏ và các startup đang dần nhìn thấy cơ hội rõ ràng hơn trong việc tiếp cận thị trường vốn. Theo đó, thị trường chứng khoán cũng được kỳ vọng sẽ trở thành kênh huy động vốn chủ lực thay thế dần tín dụng ngân hàng, giúp tăng quy mô, thanh khoản và tiến gần hơn tới các tiêu chí nâng hạng” - ông Minh chia sẻ.
Chuyên gia Bùi Ngọc Trung từ Mirae Asset Việt Nam cho rằng, thời điểm ban hành Nghị quyết 68 mang ý nghĩa chiến lược, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vừa đối mặt với những tác động không nhỏ từ chính sách thuế quan của Mỹ.
“Việc ban hành một nghị quyết trọng điểm về phát triển khu vực tư nhân không chỉ thể hiện sự phản ứng kịp thời mà còn là cách Chính phủ khẳng định động lực phục hồi và tăng trưởng sắp tới sẽ đến từ chính sức mạnh nội tại mà khu vực tư nhân là trung tâm” - ông Trung khẳng định.
Sự đồng thuận của thị trường cũng đã sớm được thể hiện. Trong các phiên giao dịch từ ngày 13/5 - 15/5, nhóm cổ phiếu VN30 ghi nhận đà tăng tích cực, với các mã đầu ngành như Vingroup, FPT, Vinamilk và Viettel đều tăng giá. Đặc biệt, Vingroup nổi bật với mức tăng mạnh nhất trong nhóm, trở thành đầu tàu kéo VN-Index đi lên trong bối cảnh thông tin chính sách mới được công bố.
“Điều này cho thấy niềm tin vào khu vực kinh tế tư nhân đang được cụ thể hóa bằng hành động và phản hồi thực tế từ thị trường. Đây không chỉ là tín hiệu lạc quan trong ngắn hạn, mà còn mở ra triển vọng phát triển bền vững hơn cho cả thị trường vốn lẫn nền kinh tế trong trung và dài hạn”, ông Trung nhận định.
Mở lối cho doanh nghiệp Việt vươn tầm quốc tế Theo các chuyên gia, mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, được nêu trong Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, là tín hiệu tích cực. Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế doanh nghiệp trên thị trường quốc tế, đồng thời khẳng định tầm nhìn phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam. |