Quý kinh doanh kém sắc của doanh nghiệp thủy sản: Lợi nhuận "bốc hơi" quá nửa

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, quý 1/2023, ước xuất khẩu quý thuỷ sản đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với quý 1/2022.

Trong quý 1/2023, xuất khẩu tôm giảm 40% so với cùng kỳ, đạt 577 triệu USD, xuất khẩu cá tra cũng giảm 32%, đạt 447 triệu USD, và xuất khẩu cá ngừ giảm 31%, đạt 179 triệu USD. Xuất khẩu mực, bạch tuộc cũng thấp hơn 8% so với cùng kỳ, đạt 54 triệu USD.

Trong bối cảnh các mặt hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực sụt giảm mạnh trong quý đầu năm do chịu tác động nặng nề bởi lạm phát thế giới khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản suy yếu, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng trở nên kém khởi sắc với doanh thu và lợi nhuận "đi lùi" hàng chục % so với cùng kỳ.

Lợi nhuận quý 1 "bốc hơi" hơn một nửa

Cụ thể, trong quý 1/2023, CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.222 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp giảm từ 23,8% xuống 17,3%.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của công ty tăng 17%, lên 83 tỷ đồng chủ yếu từ lãi tiền gửi (34,2 tỷ đồng) và lãi chênh lệch tỷ giá (41,6 tỷ đồng). Kỳ này công ty không ghi nhận lãi chứng khoán kinh doanh (trong khi cùng kỳ lãi 7,8 tỷ). Thậm chí, tại thời điểm 31/3/2023, công ty đang phải trích lập dự phòng chứng khoán gần 84 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 46,9% trong tổng giá trị danh mục 179 tỷ đồng.

Quý đầu năm, chi phí tài chính của Vĩnh Hoàn tăng 113% lên 90 tỷ đồng chủ yếu từ lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 17% lên 69 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm 40% xuống 50 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí, công ty báo lãi sau thuế 226 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ. Như vậy, hết quý 1, công ty đã hoàn thành gần 22% trong kế hoạch đạt LNST 1.000 tỷ đồng năm 2023 và đạt 19% trong chỉ tiêu doanh thu thuần 11.500 tỷ đồng cả năm.

Với CTCP Nam Việt (mã ANV), quý 1 vừa qua, doanh thu thuần của công ty cũng giảm 5% so với cùng kỳ, xuống 1.155 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn lại tăng 10%, lên 982 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp của công ty chỉ đạt 203 tỷ đồng, giảm 43% so với quý 1 năm ngoái.

Các chi phí đều ghi nhận tăng so với cùng kỳ, trong đó chi phí tài chính tăng 51% lên 36,3 tỷ do chịu chi phí lãi vay hơn 32,5 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ. Chi phí quản lý tăng 34% lên 18,4 tỷ đồng song chi phí bán hàng lại được tiết giảm gần 44%, xuống gần 55 tỷ đồng.

Kết quả quý 1, Nam Việt chỉ lãi trước thuế 108 tỷ đồng và lãi sau thuế 92,4 tỷ đồng, đều giảm 55% so với cùng kỳ.

Năm 2023, Nam Việt đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 500 tỷ đồng. Như vậy, hết quý 1, công ty đã hoàn thành 23% kế hoạch doanh thu và 21,6% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Quý kinh doanh kém sắc của doanh nghiệp thủy sản: Lợi nhuận "bốc hơi" quá nửa ảnh 1

Tương tự, CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (mã MPC) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận "đi lùi" trong quý đầu năm. Theo báo cáo tài chính riêng công ty mẹ, trong quý 1, doanh thu thuần của “vua tôm” đạt 979 tỷ đồng, giảm hơn 54,4% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 11,8% xuống 9,6%.

Trong kỳ dù doanh thu tài chính tăng hơn 16 lần lên 143 tỷ đồng (phần lớn nhờ khoản cổ tức 121,4 tỷ đồng từ hai công ty con là Minh Phú Hậu Giang và Ebisumo Logistics). Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng tăng hơn 9 lần lên 126 tỷ đồng, trong đó, trích lập dự phòng tổn thất đầu tư vào hai công ty con (Công ty Minh Phú Kiên Giang và Công ty nuôi trồng Thủy sản Minh Phú - Lộc An) gần 98,7 tỷ đồng. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến lợi nhuận của công ty sụt giảm mạnh.

Kết quả, quý 1 Minh Phú báo lãi sau thuế giảm hơn 60% so với cùng kỳ, xuống 38 tỷ đồng - mức lợi nhuận sau thuế (LNST) thấp nhất trong 8 quý gần đây của doanh nghiệp này.

Ngoài các “ông lớn” thủy sản trên, một số doanh nghiệp thủy sản khác cũng ghi nhận doanh thu, lợi nhuận thụt lùi trong quý 1/2023. Trong đó, CTCP Thủy sản Mekong (mã AAM) cho biết, trong quý đầu năm, doanh thu thuần của công ty chỉ đạt 30,3 tỷ đồng, giảm 45,6% so với cùng kỳ, kéo LNST giảm gần một nửa, còn vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng.

Thậm chí, với CTCP XNK Thủy sản Cửu Long An Giang (mã ACL), LNST quý 1 còn giảm hơn 33 lần so với cùng kỳ, chỉ còn gần 1,9 tỷ đồng, trong khi doanh thu giảm 2,3 lần xuống 140 tỷ đồng. Tương tự, CTCP XNK Thủy sản Cần Thơ (mã CCA) cũng chứng kiến doanh thu quý 1 giảm 40% xuống 270 tỷ đồng và LNST chỉ bằng 1/8 so với cùng kỳ, đạt 3,2 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) dù ghi nhận doanh thu thuần quý 1 giảm 24%, đạt 1.010 tỷ đồng, song LNST vẫn tăng 15,2% so với cùng kỳ, đạt 48,6 tỷ đồng. Lợi nhuận của công ty tăng chủ yếu là nhờ tiết giảm được chi phí bán hàng, giảm 66% so với cùng kỳ, xuống 23,8 tỷ đồng, trong khi các chi phí khác biến động không đáng kể.

Một doanh nghiệp Thủy sản khác là CTCP XNK Thủy sản Bến Tre (mã ABT) cũng ghi nhận LNST tăng trưởng trong quý 1, đạt 9,2 tỷ đồng, tăng 19,2% so với quý 1 năm ngoái dù doanh thu giảm 7% về 124 tỷ đồng. Công ty cho biết, LNST tăng là do lãi tiền gửi có kỳ hạn tăng và chi phí vận chuyển giảm.

Kỳ vọng thị trường hồi phục từ quý 2

Nhận định xu hướng thị trường của một số sản phẩm thủy sản chủ lực trong nửa đầu năm 2023, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, xuất khẩu thủy sản có thể sẽ hồi phục dần từ quý 2 sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Mỹ và EU thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam.

Theo đó, VASEP dự báo mặt hàng tôm sẽ hồi phục chậm vì cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia. Cá tra sẽ khả quan hơn trong bối cảnh lạm phát, kinh tế suy giảm ở nhiều thị trường và có thêm cơ hội lớn sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn sau COVID-19. Các loài cá biển tiếp tục tăng, trong đó có đóng góp ngày càng lớn của hàng gia công xuất khẩu từ nguyên liệu nhập khẩu như cá hồi, cá tuyết, cá minh thái.

Tại các thị trường lớn như EU, Mỹ đang có xu hướng tăng tiêu thụ các sản phẩm truyền thống cho người tiêu dùng châu Á và xuất khẩu hàng khô (cá, tôm, mực), nước mắm, chả cá, đồ hộp sẽ tăng.

“Trung Quốc sẽ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất, nhưng áp lực cạnh tranh cũng gay gắt hơn vì các nước cũng tập trung vào thị trường này sau mở cửa. Xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc khó bứt phá vì lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và giá nhập khẩu trung bình giảm so với năm trước”, bà Hằng phân tích.

Xem thêm tại nhipsongkinhdoanh.vn