Rung lắc mạnh, VN-Index đánh rơi 20 điểm

Ngày đầu tuần, phiên giao dịch 18/3, thị trường chứng khoán chứng kiến dòng tiền bị rút ra mạnh mẽ. Sau khoảng 45 phút giao dịch lình xình quanh tham chiếu, chỉ số chung bắt đầu trượt điểm và tốc độ giảm càng nhanh hơn khi áp lực bán gia tăng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ.

Bên cạnh các cổ phiếu vốn hóa lớn điều chỉnh với biên độ lớn từ 3-5%, nhiều mã sau khi có diễn biến tăng ấn tượng các phiên trước thì phiên hôm nay chịu áp lực bán đến mức chạm giá sàn như DGC, DGW, CTD.

VN-Index bay ngay 20 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần (18/3).
VN-Index bay ngay 20 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần (18/3).

Có thời điểm, VN-Index giảm gần 40 điểm, mức giảm đã từ lâu không còn xuất hiện kể từ giai đoạn cuối năm 2022. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy cũng tích cực hoạt động, giúp chỉ số chung rút chân hơn 10 điểm và kết phiên ở mốc 1.243,56 điểm, giảm hơn 20 điểm (-1,6%) so với kết phiên thứ Sáu tuần trước (15/3).

Thanh khoản thị trường đạt hơn 43 nghìn tỷ đồng trên sàn HOSE, đạt mức cao nhất trong hơn 3 năm qua và cũng là một trong số ít phiên đạt con số trên 40 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, không giống như năm 2021, mức thanh khoản kỷ lục đã đưa VN-Index leo đỉnh 1.500 điểm, còn năm 2024, sự bùng nổ này không kéo được chỉ số lên được ngưỡng hỗ trợ 1.247 điểm.

Trong bối cảnh thị trường rung lắc mạnh, nhóm ngành Bất động sản (+1,04%) là điểm sáng khi nhiều mã vẫn duy trì được sắc xanh, tím và phần nào giúp kìm hãm được tốc độ giảm của chỉ số chung. Bên cạnh những “bông hoa tím biếc” đi kèm thanh khoản vượt trội như VRE (+6,99%), TCH (+6,77%), QCG (+6,88%), DIG (+6,84%), nhiều cổ phiếu khác cũng tăng tốt như DXG (+3,83%), CEO (+3,62%), EVG (+6,27%), ITC (+4,89%)…

Ngoài VRE, một cổ phiếu khác họ nhà Vin chung sức gánh đỡ chỉ số chung, đó là VIC (+3,83%). Hai mã này đi ngược thị trường trong bối cảnh Tập đoàn Vingroup muốn thoái vốn khỏi Vincom Retail.

Trong thông báo ngày 18/3, Vingroup cho biết Tập đoàn và các công ty con sẽ bán phần vốn góp lên tới 100% vốn điều lệ trong Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI. SDI là công ty đang sở hữu trên 99% vốn điều lệ của CTCP Kinh doanh Thương mại Sado - cổ đông lớn của Vincom Retail. Giao dịch dự kiến thực hiện từ tháng 3 đến hết quý III/2024.

Trái với sự sôi nổi của nhóm cổ phiếu Bất động sản, nhóm trụ Ngân hàng hôm nào nay giao dịch ảm đạm khi giảm tới 1,74%, khi chỉ có 2 mã xanh, gồm EIB (+3,1%), OCB (+0,68%) và BAB đứng giá, còn lại đều nhuộm màu đỏ. Dẫn đầu chiều giảm là CTG (-4,17%), MSB (-3,4%), TCB (-3,2%), HDB (-3,04%), LPB (-3,02%), TPB (-2,66%), VPB (-2,41%)...

Nhóm Chứng khoán còn giảm sâu hơn khi đánh mất 3,5% vốn hoá và không có mã nào giữ được sắc xanh, trong đó giảm sâu nhất phải kể đến PHS (-12,34%), AGR và BVS giảm hơn 6%; CTS, FTS, IVS, ORS, VIX giảm hơn 5%; SSI giảm hơn 3%, VCI giảm gần 4%, HCM giảm hơn 4%...

Góp phần không nhỏ trong việc đẩy lùi VN-Index là động thái bán ròng liên tiếp của khối ngoại. Hôm nay khối này lại bán ròng tới hơn 1.000 tỷ đồng trên sàn HOSE trong tổng số hơn 7.000 tỷ đồng giao dịch. Trong đó, chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị bán ròng mạnh nhất với gần 850 tỷ đồng. Danh sách bị bán ròng mạnh còn có VHM (-185 tỷ đồng), DGC (-143 tỷ đồng), VPB (-131 tỷ đồng), VNM (-107 tỷ đồng), HPG (-86 tỷ đồng); DCM, PVD, SSI cũng bị khối ngoại bán ròng trên 50 tỷ đồng...

Chiều ngược lại, VRE được mua ròng mạnh nhất với giá trị 141 tỷ đồng, kế đến là DIG (+132 tỷ đồng), FRT (+94 tỷ đồng), EIB (+80 tỷ đồng), MSN (+78 tỷ đồng), VIC (+73 tỷ đồng)…

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn