Sắc đỏ lan rộng, khối ngoại tiếp tục rút vốn mạnh

Thị trường lao dốc giảm rất sớm và khi không còn đột biến của TCB, thanh khoản sụt giảm mạnh 19% hai sàn. Không chỉ các cổ phiếu blue-chips quay đầu cả loạt mà độ rộng cho thấy tình trạng giảm giá xuất hiện ở diện rất rộng. Ngay cả nhóm vốn hóa nhỏ cũng khó chống đỡ.

VN-Index duy trì được sắc xanh trong khoảng 30 phút đầu tiên, mức tăng cao nhất cũng chưa tới 3 điểm. Càng về sau đà giảm càng nhanh, chốt phiên sáng chỉ số mất 6,16 điểm tương đương -0,48%. Độ rộng co hẹp rất nhanh, chỉ còn 124 mã tăng/314 mã giảm.

Dẫn đầu nhóm tạo áp lực dĩ nhiên là các blue-chips. VN30-Index đang giảm 0,37% với 7 mã tăng/20 mã giảm. Cổ phiếu ngân hàng gần như đỏ toàn bộ, sót lại NAB và LPB xanh. Các trụ giảm khá nhiều: VCB giảm 0,73%, BID giảm 0,76%, CTG giảm 1,12%. Đây cũng là 3 mã vốn hóa lớn nhất thị trường hiện tại. Ngoài ra HDB, MBB cũng giảm trên 1%.

TCB sáng nay giảm thanh khoản rất nhiều, chỉ còn 146,5 tỷ đồng, bằng 12% so với sáng hôm qua. Tuy nhiên TCB cũng không rớt giá quá nhiều, chỉ giảm 0,52%. Sau một ngày giao dịch đột biến kỷ lục, có vẻ cả bên mua lẫn bán ở TCB đều tạm nghỉ ngơi, cung cầu bấp bênh nhưng cũng chưa bên nào gây áp lực vượt trội hoàn toàn.

Hiện các blue-chips đang sụt giảm diện rộng nhưng cũng chỉ mới có 6 mã mất hơn 1% là MSN, HDB, MBB, BVH, SSI và CTG. Dù vậy biên độ trượt giá trong phiên vẫn khá rộng do đầu ngày nhóm này hầu hết tăng giá: Tới 12 mã giảm trên 1% chỉ trong buổi sáng, đặc biệt MSN, STB giảm trên 2%. Như vậy mức thiệt hại cho các nhà đầu tư đua giá vẫn khá rõ.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng đang điều chỉnh theo xu hướng chung, Midcap giảm 0,48%, Smallcap giảm 0,53%. Toàn sàn HoSE có tới 107 cổ phiếu giảm quá 1% và VN30 đóng góp 6 mã. Thanh khoản nhóm này chiếm khoảng 42% tổng khớp của sàn. Nhóm chứng khoán bất ngờ chịu áp lực rõ nét nhất, dẫn đầu là VND giảm 1,29% thanh khoản 419,9 tỷ, VIX giảm 2,14% với 387,7 tỷ và SSI giảm 1,15% với 297,8 tỷ. Trừ VCI và VFS tham chiếu, IVS tăng không đáng kể, toàn bộ các mã trong nhóm chứng khoán ở các sàn đều giảm, tới 20 mã giảm trên 1%.

Nhóm bất động sản cũng rất yếu, nhóm NVL, DIG, KBC, PDR, DXG đang giảm hơn 1% với thanh khoản cả trăm tỷ đồng mỗi mã. NVL dẫn đầu với giao dịch 452,9 tỷ đồng, giá rơi 1,98%; DIG giảm 1,68% với 235,1 tỷ đồng. Những mã nhỏ như QCG, ASM, CRE, NHA, KHG, DRH thậm chí giảm quá 2%.

Sắc đỏ lan rộng, khối ngoại tiếp tục rút vốn mạnh - Ảnh 1

Nhóm ngược dòng không chỉ ít về số lượng mà cũng rất ít các mã có thanh khoản tốt. Trong 124 mã đang xanh, 36 mã tăng hơn 1% với vài cổ phiếu đáng chú ý là DRC tăng 5,54% thanh khoản 103,4 tỷ; SZC tăng 3,37% thanh khoản 96 tỷ; DGW tăng 2,58% với 100,9 tỷ; PNJ tăng 1,43% với 182,5 tỷ; MWG tăng 1,18% với 223,7 tỷ.

Thị trường sáng nay không có thông tin gì xấu hơn hôm qua, thậm chí còn đón nhận dữ liệu vĩ mô khá tích cực. Tăng trưởng GDP tới 5,66% so với cùng kỳ, các hoạt động sản xuất, công nghiệp, xuất khẩu đều khởi sắc. Tuy nhiên giao dịch lại chùng xuống đáng kể và hoạt động bán ra lan rộng thay vì chỉ ép trụ.

Nhà đầu tư nước ngoài đang kiên trì rút tiền về quy mô lớn là yếu tố bất lợi về tâm lý duy nhất. Khối này xả ròng 650 tỷ đồng trên HoSE, thấp hơn một chút so với sáng hôm qua (-796,8 tỷ) chủ yếu do thiếu giao dịch của TCB. Các mã bị bán dữ dội là VND -121 tỷ, VHM -98,3 tỷ, STB -72,4 tỷ, VNM -39,9 tỷ, DGC -33,7 tỷ, GEX -32,4 tỷ, VRE -30,6 tỷ. Phía mua duy nhất MWG +43,4 tỷ là đáng kể.

Thực ra khối ngoại bán nhiều tổng thể nhưng ở từng mã áp lực cũng không phải quá lớn. Chỉ vài mã đáng chú ý là VND lượng bán của khối này chiếm gần 30% tổng giao dịch. VHM bị bán chiếm khoảng 54% tổng thanh khoản, VNM là gần 28%. Số lớn các mã khác khối ngoại không phải là bên chi phối áp lực. Tính chung sàn HoSE, tổng giá trị bán của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 10,9% sàn.

Xem thêm tại vneconomy.vn