Sau nhiều năm kinh doanh bết bát, chủ đầu tư casino Royal Hạ Long ghi nhận lỗ luỹ kế lên đến 548 tỷ đồng

Sau nhiều năm kinh doanh bết bát, chủ đầu tư casino Royal Hạ Long ghi nhận lỗ luỹ kế lên đến 548 tỷ đồng- Ảnh 1.

Bên trong casino Royal Hạ Long - Ảnh: Royal Hạ Long Hotel.

CTCP Quốc tế Hoàng Gia (MCK: RIC) mới thông báo ngày 26/3 tới đây, doanh nghiệp này sẽ chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Thời gian họp dự kiến là ngày 26/4/2024 tại Trụ sở CTCP Quốc tế Hoàng Gia.

Theo tìm hiểu, CTCP Quốc tế Hoàng Gia hoạt động trong ngành kinh doanh khách sạn và kinh doanh trò chơi có thưởng cho người nước ngoài. Doanh nghiệp này được biết đến là chủ đầu tư khách sạn casino Royal Hạ Long (Quảng Ninh).

Theo báo cáo tài chính quý IV/2023 của RIC, doanh thu thuần quý cuối năm của doanh nghiệp này đạt gần 25 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, việc tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn vẫn khiến RIC lỗ gộp hơn 5 tỷ đồng

Về cơ cấu doanh thu, trong quý cuối năm 2023, RIC mang về gần 14 tỷ đồng từ câu lạc bộ, 10,8 tỷ đồng từ khách sạn - biệt thự.

Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng từ 1,6 tỷ đồng lên 2,3 tỷ đồng, nhờ đánh giá chênh lệch tỷ giá cuối kỳ. Nhưng chi phí tài chính cũng tăng lên 5,5 tỷ đồng. Điểm tích cực là RIC tiết giảm được chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, còn lần lượt 3,5 tỷ đồng và 6,6 tỷ đồng.

Kết quả, quý IV/2023, RIC lỗ ròng hơn 18 tỷ đồng, đánh dấu quý thua lỗ thứ 17 liên tiếp.

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của RIC giảm 5% về gần 112 tỷ đồng và lỗ ròng gần 73 tỷ đồng, đánh dấu 5 năm liên tiếp chìm trong thua lỗ.

RIC cho biết, tình hình kinh tế năm 2023 nói chung và thị trường du lịch nói riêng sau đại dịch vẫn còn gặp nhiều khó khăn, người dân trong nước hạn chế đi du lịch. Không chỉ khách hàng trong nước giảm, khách quốc tế của công ty chủ yếu là khách Trung Quốc đến Hạ Long qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng giảm mạnh do Trung Quốc vẫn áp dụng các biện pháp hạn chế người dân du lịch nước ngoài. Điều đó đã dẫn đến doanh thu ở tất cả các mảng kinh doanh của công ty đều giảm mạnh.

Được biết, RIC niêm yết trên HoSE vào năm 2007. Tuy nhiên, việc liên tiếp thua lỗ khiến cổ phiếu RIC bị hủy niêm yết trên HoSE kể từ tháng 5/2022 và hiện đang giao dịch trên UPCOM. Đặc biệt, cổ phiếu vẫn giữ nguyên diện kiểm soát từ tháng 4/2020 do lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối vẫn là số âm.

Theo tìm hiểu, kể từ khi niêm yết, RIC vẫn luôn có lãi đều đặn cho đến năm 2013 doanh nghiệp này bắt đầu báo lỗ. Kể từ năm 2013 trở đi, chỉ có 2 năm duy nhất doanh nghiệp này báo lãi là năm 2015 lãi sau thuế hơn 102 tỷ đồng; năm 2018 lãi sau thuế 17,4 tỷ đồng.

Sau 3 năm lỗ liên tiếp kể từ năm 2019-2021, tại báo cáo tài chính sau kiểm toán năm 2021, kiểm toán nhấn mạnh rằng công ty có khoản lỗ sau thuế 102,5 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc năm 2021, năm 2020 lỗ 81,54 tỷ đồng và tại ngày 31/12/2021, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn là 141,89 tỷ đồng. Những điều kiện này, cùng với các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của RIC.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của RIC đạt hơn 904,5 tỷ đồng, giảm gần 3% so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là tài sản cố định chiếm đến 88%, tương ứng giá trị hơn 795 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, RIC có tổng nợ phải trả ở mức 317 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ vay hơn 181 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Với việc thua lỗ triền miên, tại thời điểm kết thúc năm 2023, RIC đã lỗ luỹ kế lên đến 548 tỷ đồng.


Xem thêm tại cafef.vn