SJS tiếp tục bị nhắc nhở vì ‘khất’ trả cổ tức nhiều lần 

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) nhắc nhở CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (HOSE: SJS) nhanh chóng chi trả cổ tức năm 2016 và 2017 để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.

SJS tiếp tục bị nhắc nhở vì ‘khất’ trả cổ tức nhiều lần 

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) nhắc nhở CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (HOSE: SJS) nhanh chóng chi trả cổ tức năm 2016 và 2017 để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.

Cụ thể, HOSE đã nhận được thông báo của SJS về việc thay đổi thời gian thanh toán cổ tức tiền mặt năm 2016 lần thứ 5 và năm 2017 lần 2 vào ngày 31/12/2021, thay vì 31/12/2020 như đã thông báo. Tuy nhiên, Công ty không giải thích cụ thể lý do vì sao tiếp tục hoãn chi trả cổ tức mà chỉ đưa ra giả định nếu thu xếp được nguồn tiền đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty mới xem xét thực hiện thanh toán cổ tức 2016 và 2017 bằng tiền mặt cho các cổ đông sớm hơn thời gian thay đổi trên.

Vì vậy, HOSE có công văn nhắc nhở SJS nhanh chóng thực hiện nghĩa vụ chi trả cổ tức cho cổ đông theo đúng quy định hiện hành. Đồng thời, HOSE cũng đề nghị SJS có công văn giải trình về việc đảm bảo nguồn tiền chi trả cổ tức cho cổ đông.

Đây không phải là lần đầu SJS thất hứa cổ tức 2016 và 2017 với cổ đông, khi HOSE từng nhắc nhở và đề nghị Công ty giải trình về nguồn tiền để chi trả cổ tức 2016 và 2017 vào giữa năm 2019. Theo đó, SJS cho biết nguồn vốn chi trả cổ tức 2016 và 2017 chủ yếu từ nguồn thu tại dự án Nam An Khánh và các dự án khác với tổng công nợ tại ngày 03/05/2019 là 285.5 tỷ đồng. Nhưng vì các đối tác chậm trễ thanh toán nên Công ty bị thiếu hụt nguồn vốn chi trả cổ tức.

Diễn biến giá cổ phiếu SJS từ năm 2016 đến phiên 25/12/2020

Hiện, giá cổ phiếu SJS đang được giao dịch tại mức 25,400 đồng/cp (9h54 phiên 25/12/2020), tăng hơn 49% so với đầu năm 2020 và tăng hơn 39% so với năm 2016. Khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 168,000 cp/ngày.

Lợi nhuận dần phục hồi?

Nguồn: VietstockFinance

Lợi nhuận trước thuế SJS bắt đầu hồi phục từ năm 2019 với 140 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với năm 2018 nhưng vẫn thấp hơn 39% của năm 2016.

Sau 9 tháng đầu năm 2020, SJS đạt 39 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước, nhưng mới chỉ thực hiện được 27% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tính đến ngày 30/09/2020, tổng tài sản của SJS đạt 7,056 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của SJS chủ yếu là hàng tồn kho giá trị hơn 3,852 tỷ đồng (55%) và các khoản chi phí sản xuất kinh doanh dở dang với quy mô gần 2,000 tỷ đồng (28%).

Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang đang được phân bổ cho một loạt dự án: Hòa Hải - Đà Nẵng (1,164 tỷ đồng), Văn La - Văn Khê (526 tỷ đồng), Tiến Xuân (153 tỷ đồng), Khu đô thị Nam An Khánh mở rộng (109 tỷ đồng), Thịnh Lang - Hòa Bình (12 tỷ đồng), Bắc Châu Giang, Phù Lý, Hà Nam (21 tỷ đồng).

Khang Di

FILI