'Sợi dây' Angimex – APG – Khang Minh Group

agm-khang-minh

Angimex bán các nhà máy để thu hồi vốn trong khi Khang Minh Group huy động vốn xây nhà máy gạo. Nguồn: AGM

Công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang – Angimex (mã: AGM) là doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn tại miền Tây, có thời gian hình thành và phát triển gần nửa thế kỷ.

Tuy nhiên, sau sự kiện liên quan đến cựu Chủ tịch HĐQT Đỗ Thành Nhân bị bắt vì tội thao túng thị trường chứng khoán vào tháng 4/2022, cổ đông lớn Louis Holdings rút vốn, Angimex như “rắn mất đầu”, liên tục có nhiều sự thay đổi trong bộ máy lãnh đạo và cơ cấu tổ chức.

Phải đến sau cuộc họp ĐHCĐ bất thường diễn ra đầu tháng 11/2023, các phương án tái cấu trúc Angimex mới dần được thực thi như dùng quỹ đầu tư phát triển và quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu để bù đắp lỗ lũy kế tránh hủy niêm yết; bán loạt công ty con, liên kết thu hồi vốn…

Nhóm chủ mới tại Angimex bắt đầu tham gia sâu hơn vào quản trị doanh nghiệp. Tại kỳ họp ĐHCĐ thường niên 2023, nhóm cổ đông sở hữu 2 triệu cổ phiếu, tương đương 11,12% vốn công ty, dẫn đầu là Chứng khoán APG (mã: APG) đã đề cử ông Đỗ Minh Đức vào HĐQT. Nhóm cổ đông khác sở hữu 12,7% vốn Angimex với hạt nhân là Công ty cổ phần APG Capital đề cử ông Nguyễn Đoàn Mạnh Hiếu vào HĐQT.

Đến kỳ họp ĐHCĐ bất thường 2023 diễn ra tháng 11, nhóm APG Capital đã tăng sở hữu lên 20% vốn, do ông Nguyễn Hồ Hưng – Chủ tịch Chứng khoán APG đại diện đề cử ông Nguyễn Hữu Phú vào HĐQT.

Như vậy, đến nay nhóm APG đã có 3 người trong HĐQT Angimex. 2 người còn lại ông Lê Tiến Thịnh (Chủ tịch HĐQT) và ông Võ Kim Nguyên vào HĐQT từ giữa 2022 và từng làm thành viên HĐQT của Louis Holdings.

Mặt khác, cả ông Nguyễn Hữu Phú và Đỗ Minh Đức cùng được bầu vào HĐQT của Công ty cổ phần Khang Minh Group (mã: GKM) vào tháng 10/2023. Ông Phú kiêm luôn Tổng Giám đốc, người phụ trách quản trị công ty; ông Đức kiêm Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán.

Khang Minh Group được thành lập 2010, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gạch và đá thạch anh. Trong quý cuối năm 2023, Chứng khoán APG liên tục “lướt sóng” cổ phiếu GKM. Tại thời điểm công bố giao dịch gần nhất (thực hiện cuối 2023), Chứng khoán APG sở hữu hơn 6 triệu cổ phiếu GKM, tương đương 19,12% vốn – cổ đông lớn nhất của công ty. Công ty này cũng là đơn vị tư vấn niêm yết cho Khang Minh Group lên sàn vào 2017.

Công ty chứng khoán của ông Nguyễn Hồ Hưng từng là cổ đông lớn Angimex nhưng đã thoái toàn bộ gần 1,5 triệu cổ phiếu AGM vào tháng 9/2023.

Chứng khoán APG tiền thân là Chứng khoán An Phát thành lập 2007. Công ty đổi tên thành Chứng khoán APG vào 2019. Doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi ông Nguyễn Hồ Hưng – Chủ tịch HĐQT và ông Trần Thiên Hà – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Ông Hưng sở hữu 7,02% vốn công ty. Ông Hà vừa bán bớt 800.000 cp APG giảm sở hữu xuống 1 triệu đơn vị vào cuối tháng 2 vừa qua trong bối cảnh mã chứng khoán này tăng giá mạnh.

Nhu cầu vốn lớn

Về hoạt động kinh doanh, Angimex lỗ 2 năm liên tiếp 2022 và 2023 với lần lượt 234 tỷ đồng và 208 tỷ đồng sau sự kiện cựu Chủ tịch HĐQT Đỗ Thành Nhân.

Không chỉ tình hình kinh doanh đi xuống mà sức khỏe tài chính cũng kém khả quan. Tại cuối 2023, doanh nghiệp chỉ còn 29 tỷ đồng vốn chủ sở hữu trong khi nợ phải trả 1.230 tỷ đồng, riêng nợ vay 987 tỷ đồng bao gồm 560 tỷ đồng vay trái phiếu.

Để vực dậy, lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra phương án thanh lý tài sản (bán công ty con, liên kết, liên doanh, các nhà máy) và tăng vốn lớn. Doanh nghiệp muốn tăng vốn từ 182 tỷ đồng lên 892 tỷ đồng thông qua phát hành 71 triệu cổ phiếu. Trong đó, 56 triệu đơn vị là để hoán đổi nợ hoặc chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp lấy nguồn trả nợ; chào bán 15 triệu cổ phiếu riêng lẻ huy động vốn mở rộng kinh doanh.

Tại Khang Minh Group cũng có sự thay đổi lớn từ sau cuộc họp ĐHCĐ bất thường 2023 vào tháng 10. Doanh nghiệp tiến hành tái cấu trúc theo mô hình holdings, lấy hoạt động đầu tư tài chính làm trọng tâm và đổi tên thành GKM Holdings.

Mặt khác, Khang Minh Group muốn lấn sân vào lĩnh vực kinh doanh nông sản, trong giai đoạn đầu 2023 - 2028 sẽ chú trọng kinh doanh gạo. 

Lãnh đạo GKM đưa ra phương án chào bán 25,7 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 571 tỷ đồng. Trong đó, công ty chào bán 15,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu giá 10.000 đồng/cp và 10 triệu riêng lẻ giá 13.500 đồng/cp. Nguồn tiền thu được để bổ sung vốn lưu động, đầu tư nhà máy sản xuất gạo Bình Thành và đầu tư dự án điện sinh khối.

Ngay trong quý IV/2023, công ty công bố bán một phần vốn 2 công ty con chủ chốt đem lại doanh thu lớn là Công ty cổ phần Đá thạch anh Khang Minh và Công ty cổ phần Nhôm Khang Minh, đồng thời, mở rộng thêm ngành kinh doanh buôn bán gạo. Theo đó, chốt năm 2023, doanh nghiệp báo cáo doanh thu giảm mạnh từ 67 tỷ về 27 tỷ đồng. Song, lợi nhuận gần gấp đôi lên 44,2 tỷ đồng.

Vào tháng 11/2023, Chứng khoán APG thông báo triển khai kế hoạch chào bán tối đa 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ giá 11.000 đồng/cp. Số tiền thu được dùng để bổ sung cho hoạt động tự doanh, đầu tư kinh doanh các loại giấy tờ có giá ngắn hạn trên thị trường và hoạt động đầu tư dài hạn khác. Danh sách nhà đầu tư mua gồm 1 tổ chức là Quỹ đầu tư FPT Capital và 9 cá nhân như Nông Văn Khánh, Nông Văn Cường, Chu Thị Quyết Anh, Nguyễn Thị Vân Anh, Nguyễn Hữu Phú…

Xem thêm tại nhadautu.vn