“Soi” Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đến năm 2025

Chuyến tàu liên vận quốc tế đầu tiên khởi hành từ ga Kép. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)
Chuyến tàu liên vận quốc tế đầu tiên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khởi hành từ ga Kép hôm 18/2/2023. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Tờ trình số 1648/TTr – UBQLV về việc phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đến năm 2025 vừa được Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp gửi lãnh đạo Chính phủ.

Ngoài các ngành nghề kinh doanh được xác định tại Nghị định số 11/2018/NĐ-CP ngày 16/1/2018 về việc ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cơ quan chủ sở hữu phần vốn đề nghị Chính phủ cho phép Tổng công ty được bổ sung một số ngành, nghề kinh doanh như: Cho thuê, điều hành, quản lý nhà và đất không để ở; dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch; kinh doanh, cung cấp dịch vụ hạ tầng viễn thông.

“Tùy nhu cầu sản xuất, kinh doanh Tổng công ty có thể bổ sung ngành, nghề kinh doanh khác sau khi được đại diện chủ sở hữu chấp thuận”, Tờ trình số 1648 đề xuất.

Cùng với việc trong giai đoạn 2021-2025, không tiến hành cổ phần hóa Công ty mẹ và các công ty thành viên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ thực hiện hợp nhất Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn thành 1 Công ty cổ phần vận tải đường sắt; giữ nguyên tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An là 86,85% và Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm là 77,37%.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tiếp tục giữ nguyên mô hình tổ chức và duy trì tỷ lệ phần vốn góp mà Tổng công ty nắm giữ tỷ lệ cổ phần chi phối trên 51% vốn điều lệ đối với 15 Công ty cổ phần đường sắt và 5 Công ty cổ phần Thông tin tín hiệu đường sắt; giữ nguyên tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của Công ty cổ phần Đá Đồng Mỏ là 51%, Công ty cổ phần Đá Mỹ Trang là 44,44% và Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt là 18,45%; không thực hiện thoái vốn đối với các Công ty liên kết: Công ty TNHH hai thành viên Khách sạn thương mại Sài Gòn và Công ty cổ phần Mặt trời - Đường sắt Việt Nam.

Tại Tờ trình số 1648, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước kiến nghị cho phép Tổng công ty thoái hết vốn nhà nước nắm giữ tại 13 Công ty cổ phần theo Quyết định số 198/QĐ- TTg ngày 21/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2012 – 2015.

Các đơn vị sẽ tiếp tục thoái hết vốn Nhà nước gồm: Dịch vụ đường sắt khu vực 1; Hải Vân Nam;Tư vấn đầu tư và xây dựng công trình 1; Viễn thông - tín hiệu đường sắt; Đầu tư kinh doanh Thống Nhất; Xây dựng công trình Đà Nẵng; Tư vấn đầu tư và xây dựng Giao thông vận tải; Công trình 6; Đầu tư và xây dựng công trình 3; Tư vấn đầu tư và xây dựng Đường sắt; Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Đường sắt; Đầu tư và xây dựng giao thông vận tải, In đường sắt Sài Gòn.

Liên quan đến tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại 2 Công ty cổ phần vận tải đường sắt sau hợp nhất, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết là đang khẩn trương chỉ đạo người đại diện phần vốn góp của Tổng công ty tại 2 Công ty cổ phần vận tải đường sắt nghiên cứu phương án xin ý kiến cơ quan chủ sở hữu về các nội dung hợp nhất.

Dự kiến tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của Công ty cổ phần vận tải đường sắt sau hợp nhất dự kiến sẽ lớn hơn 80%.

Về lộ trình hình thành Công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt, Tổng công ty xác định: Sau khi hợp nhất, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt (doanh nghiệp đã được hợp nhất) thực hiện việc phân chia, bóc tách về tổ chức, lao động, vốn, tài sản để thành lập công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt.

Như vậy, kết thúc năm 2025, trong điều kiện cho phép sẽ thực hiện xong việc hợp nhất 7 Công ty cổ phần vận tải đường sắt, ổn định tổ chức để hoạt động. Việc hình thành Công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa sẽ được VNR nghiên cứu và xin ý kiến Ủy ban, Thủ tướng Chính phủ vào thời điểm phù hợp của giai đoạn sau.

Xem thêm tại baodautu.vn