SSI Research: Hiệu ứng 'Sell in May' không đáng ngại, cổ phiếu midcap có thể hút tiền trong tháng 5

Theo báo cáo chiến lược thị trường tháng 5 của SSI Research, kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng tốt trong tháng 4 trên hầu hết các động lực tăng trưởng và nền tảng ổn định vĩ mô vẫn được duy trì.

Tỷ giá chưa có nhiều diễn biến tích cực, tuy cũng hồi phục trong thời gian gần đây. Các chính sách hỗ trợ tăng trưởng liên tục được công bố, tạo kỳ vọng tích cực trong bối cảnh bất ổn từ chiến tranh thương mại toàn cầu.

Nhìn chung, thị trường chứng khoán đã phục hồi trong 3 tuần cuối tháng 4 với mức tăng 12% trên VN-Index và VN30; 13,5% trên VNMidcap và 13,7% trên VNSmallcap.

Sau tuần bán mạnh trên diện rộng, tâm lý thị trường chuyển biến tích cực hơn nhờ hỗ trợ bởi tăng trưởng GDP quý I/2025 tăng 6,9% so với cùng kỳ, tăng trưởng kết quả kinh doanh quý I/2025 của các doanh nghiệp niêm yết lần lượt được công bố phần lớn trong xu hướng tích cực và căng thẳng thương mại dịu đi.

Tính đến ngày 5/5, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ quý I/2025 toàn thị trường vẫn duy trì tăng trưởng 23% so với cùng kỳ, dù chậm lại so với 29% so với cùng kỳ ở quý trước nhưng nối dài chuỗi tăng trưởng 6 quý liên tiếp.

Dù vậy, tăng trưởng lợi nhuận ở các quý tới vẫn là một ẩn số khi các doanh nghiệp niêm yết mặc dù vẫn tự tin khi đặt kế hoạch tăng trưởng 2025 nhưng đã thừa nhận các “bất ổn” xoay quanh thuế quan sẽ làm suy yếu tăng trưởng.

Nhà đầu tư có nên lo ngại hiệu ứng "Sell in May"?

Nguồn: SSI Research.

Dữ liệu quá khứ chỉ ra, tỷ lệ thị trường tăng trong tháng 5 đạt 70% trong 10 năm gần nhất, phản ánh tâm lý thị trường trong tháng 5 thường tích cực hơn, trong bối cảnh tháng 5 thường có khoảng trống thông tin sau khi phần lớn doanh nghiệp đã họp đại hội cổ đông cũng như hoàn thành công bố báo cáo tài chính quý I trong tháng 4.

Cũng theo các nhà phân tích của SSI Research, nhóm vốn hóa trung bình (VNMidcap) có thể được chú ý hơn trong tháng tới do: (1) thanh khoản tháng 5 thường thấp hơn trung bình của cả năm, dẫn đến thị trường phân hóa hơn và tìm đến nhóm cổ phiếu thanh khoản thấp hơn; (2) nhóm VNMidcap có xác suất diễn vượt trội hơn trong tháng 5 nếu nhìn vào dữ liệu 10 năm gần nhất; (3) nhóm VNMidcap có sự hồi phục ít hơn so với nhóm vốn hóa lớn (VN30) từ ngày 9/4.

Nguồn: SSI Research.

"Để có thể tiếp tục đà phục hồi ổn định, thị trường chứng khoán cần đón nhận chuyển biến tích cực cụ thể hơn trong quá trình đàm phán thương mại giữa các nền kinh tế lớn, cũng như quá trình đàm phán giữa Việt Nam - Mỹ bắt đầu từ ngày 7/5", báo cáo của SSI Research chỉ ra.

Trong quá khứ, định giá thấp là một trong các yếu tố nền tảng hỗ trợ thị trường trong các đợt biến động mạnh (chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lần 1, Covid-19, Fed tăng lãi suất, biến động tỷ giá và chính sách siết chặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước).

Hệ số định giá P/E hỗn hợp đã tăng 6,6% từ mức 10,5 lần ngày 9/4 lên 11,2 lần vào ngày 29/4, tuy nhiên hiện vẫn còn ở mức thấp hơn đáng kể so với bình quân 10 năm gần nhất (15,5 lần). Lợi suất ước tính 1 năm trên thị trường chứng khoán hiện ở mức 9,9% (dựa trên P/E ước tính 1 năm của VN-Index 10,1 lần) đang mở ra khoảng cách hấp dẫn so mức lãi suất huy động.

Các ngành ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan như truyền thông, bất động sản dân cư, bán lẻ, du lịch và giải trí đã diễn biến tích cực vượt trội trong giai đoạn phục hồi. Điều này cho thấy dòng tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán vẫn sẵn sàng tìm kiếm cơ hội trong các đợt biến động giảm sâu.

Xem thêm tại vietnambiz.vn