Thanh khoản tỷ đô, thị trường chứng khoán bùng nổ

Đà hưng phấn phiên hôm qua được nối tiếp tới phiên hôm nay (13/3) khi VN-Index mở cửa trong sắc xanh với độ rộng tăng giá áp đảo. Nhóm vốn hóa lớn VN30 tuy không có diễn biến tăng ấn tượng nhưng vẫn đóng vai trò kéo thị trường chung.

VN-Index lấy lại vùng đỉnh từ tháng 9/2022.
VN-Index lấy lại vùng đỉnh từ tháng 9/2022.

Điểm nổi bật trong phiên thuộc về nhóm mid-cap với thanh khoản mua chủ động gia tăng tốt và có các mã tăng kịch trần đóng góp vào điểm số chung. Theo ghi nhận, DGC, VGC, và CTD đều có diễn biến tăng trần xấp xỉ 7% và được duy trì xuyên suốt phiên giao dịch.

Mặc dù áp lực chốt lời bất ngờ gia tăng đầu phiên chiều khiến VN-Index thu hẹp mức tăng đôi chút, đà phục hồi vẫn được cũng cố nhờ dẫn dắt của nhóm cổ phiếu trụ Ngân hàng, Chứng khoán, Bán lẻ. Thanh khoản mua chủ động cũng đồng thời tăng trở lại sau nửa giờ giao dịch phiên chiều.

Kết phiên, VN-Index tăng 25,51 điểm (+2,05%), lên 1.270,51 điểm, thiết lập đỉnh mới kể từ giữa tháng 9/2022. Độ rộng thị trường nghiêng về hướng tích cực, với 433 mã tăng (17 mã trần), trong khi chỉ có 64 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 982,2 triệu đơn vị, giá trị 26.292,4 tỷ đồng, tăng 17% về khối lượng và 26,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 91,9 triệu đơn vị, giá trị 2.709,6 tỷ đồng.

Các cổ phiếu nổi bật ngày hôm nay vẫn là những cái tên quen thuộc trong rổ VN30, được nhắc đến nhiều trong thời gian qua như VCB (+1,7%), FPT (+4,6%), VPB (+2,7%), MBB (+3,3%), ACB (+3,4%) SSI (+4,6%), MWG (+3,9%), MSN (+2,8%)…

Xét về nhóm ngành, Chứng khoán (+4,77%) tăng nổi trội với 4 sắc tím tại VIX, VDS, ORS và VCI. Mã tăng thấp nhất là FTS cũng tăng hơn 2,1%. Chiều giảm duy nhất có VUA (-4%).

Không chỉ khởi sắc về giá, nhóm công ty chứng khoán còn dẫn đầu về thanh khoản khi 3 mã có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE đều là nhóm này. Trong đó, VIX là mã có thanh khoản tốt nhất với 37,29 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần (20.100 đồng). Tiếp đến là SSI với 35,79 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,55% lên 37.950 đồng; VND khớp 35,1 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,2% lên 23.550 đồng. Ngoài ra, VCI khớp 13,48 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức trần 51.600 đồng và còn dư mua giá trần gần 0,8 triệu đơn vị; ORS khớp 11,55 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần (17.900 đồng) hơn 112.000 đơn vị.

Tăng nóng còn có nhóm Công nghệ thông tin (+4,18%), với mức tăng ấn tượng của FPT, CMG (+3,33%), ICT (+6,81%),  CTR (+2,63%), ELC (+1,26%)…

Nhóm Ngân hàng (+1,86%) chỉ có EIB đứng tham chiếu, còn lại đều tăng giá. Dẫn đầu là các bluechip ACB, MBB, VIB tăng hơn 3%. VPB, TPB, SHB, OCB tăng hơn 2%.

Tương tự tại nhóm xây dựng và bất động sản. Tăng trần có CTD, trong khi NLG (+4,7%), HDG (+3,7%), LCG (+3,4%), DXG (+3,7%); NVL, PDR, DIG, PC1, KBC, REE, VRE… đều tăng 2-3%; VIC, CEO, BCM, VCG… tăng 1-2%.

Một vài nhóm vẫn giao dịch khá trầm lắng so với bối cảnh chung, như Du lịch giải trí, Y tế, Bảo hiểm.

Thông tin đáng chú ý trên thị trường tài chính trong nước tuần này là động thái hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong 3 phiên liên tiếp đầu tuần qua kênh tín phiếu. Cuối giờ giao dịch hôm nay, NHNN công bố phát hành thêm 15.000 tỷ đồng tín phiếu, nâng lượng tiền hút về lên 45.000 tỷ đồng.

Trái với diễn biến thị trường trong những đợt phát hành tín phiếu của NHNN hồi tháng 11/2023 và phiên giao dịch ngày 11/3, VN-Index hôm nay không bị tác động, tâm lý nhà đầu tư cũng không bị ảnh hưởng.

Về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, khối này nâng giá trị bán ròng lên mức 460 tỷ đồng trong phiên hôm nay, áp lực bán tập trung tại VNM (-243 tỷ đồng) và VHM (-121 tỷ đồng). Trong khi đó, giá trị mua ròng ghi nhận nhiều nhất ở MWG (+68 tỷ đồng), DCM (+42 tỷ đồng), HPG (+31 tỷ đồng).

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn