Thị trường chứng khoán hồi phục mạnh, nhà đầu tư vẫn chưa thể "về bờ"
Thị trường chứng khoán (TTCK) giao dịch khởi sắc, VN-Index đã vượt lên kháng cự quan trọng 1.300 điểm - mức cao nhất trong hơn 2 tháng qua, và đang áp sát vùng đỉnh cũ 1.340 điểm.
Nhiều nhà đầu tư vẫn “lênh đênh”
Từ mức giảm 87,99 điểm về 1.229,84 điểm của VN-Index vào ngày 3/4 (được gọi là "ngày thuế quan"), đến nay TTCK đã hồi phục về vùng đỉnh cũ. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu chưa phục hồi tương ứng, riêng trong rổ VN30, khoảng một nửa cổ phiếu chưa trở lại mức trước ngày 3/4.
Tính chung trên HoSE với hơn 600 mã cổ phiếu, số mã cổ phiếu giảm điểm lại áp đảo, hơn 60% vẫn chưa hồi phục. Nếu so về hiệu suất với chỉ số chung, có đến gần 300 mã thua thị trường từ đầu năm, trong đó có nhiều cái tên quen thuộc như VCB, BID, CTG, ACB, BVH, MSN, VNM, FPT, FRT, KBC, DCM,…
![]() |
VN-Index đang áp sát vùng đỉnh cũ 1.340 điểm. |
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này đến từ sự phân hoá rõ rệt trên TTCK. Dòng tiền lớn chủ yếu tập trung kéo cục bộ như cổ phiếu nhóm Vingroup, Gelex hay một số mã ngân hàng có câu chuyện riêng.
Thống kê cho thấy, top 10 cổ phiếu đóng góp lớn nhất vào VN-Index từ đầu năm 2025 cũng chủ yếu là những cái tên nằm trong 3 nhóm kể trên.
Lý giải việc dù TTCK phục hồi mạnh trong hơn 1 tháng qua nhưng nhiều tài khoản nhà đầu tư vẫn bị lỗ, ông Huỳnh Hữu Phước, Giám đốc Khách hàng cá nhân kiêm Giám đốc Chi nhánh Cần Thơ, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng dù VN-Index từ đáy đầu tháng 4 đã tăng hơn 235 điểm nhưng nhóm cổ phiếu họ Vingroup (VIC, VHM, VRE, VPL) đóng góp hơn 30% vào mức tăng này. Điều đó khiến chỉ số chung VN-Index "về mặt đất" nhưng nhiều tài khoản nhà đầu tư vẫn "lênh đênh" ngoài khơi, do sự phục hồi tập trung vào vài nhóm cổ phiếu nhất định.
"Sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành cổ phiếu khi thị trường chung phục hồi hình chữ V trong gần 2 tháng qua giải thích vì sao nhiều nhà đầu tư vẫn chưa về bờ", ông Phước nói.
Ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Chứng khoán SSI cho biết từ đầu năm đến nay, các nhóm cổ phiếu đã đóng góp khoảng 45 điểm vào đà tăng chung của TTCK, trong khi riêng "họ Vingroup" đã đóng góp tới 90 điểm. Đà phục hồi mạnh mẽ của cổ phiếu "họ Vingroup" được giải thích bởi kết quả kinh doanh tích cực quý I/2025, việc niêm yết cổ phiếu VPL của Vinpearl trên HoSE, cùng với tác động ít bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan.
Ngược lại, đa số các nhóm cổ phiếu khác như xuất khẩu, bất động sản khu công nghiệp, cảng biển do chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế quan nên chưa phục hồi như kỳ vọng.
Mua cổ phiếu “vượt đỉnh” hay “chưa về bờ”?
Theo giới phân tích, hiện mức định giá P/E của TTCK đang thấp hơn mức trung bình 10 năm qua, cho thấy vẫn còn nhiều cơ hội hấp dẫn, nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, Việt Nam còn có yếu tố hỗ trợ quan trọng khác là khả năng được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào cuối năm nay. Do đó, TTCK vẫn đang còn nhiều dư địa, nhà đầu tư cần biết lựa chọn cổ phiếu cho danh mục để có thể mang lại lợi nhuận tối ưu.
“VN-Index tiến gần tới đỉnh cũ nhưng khá nhiều mã cơ bản tốt vẫn nằm trong vùng giá tương đương khi chỉ số 1.100 điểm. Khi TTCK đang bước vào “uptrend” lớn, đây là cơ hội tốt để nhà đầu tư nắm bắt những cổ phiếu cơ bản tốt, có câu chuyện và giá ở gần nền hỗ trợ. Đoạn này khi chỉ số tiệm cận vùng đỉnh cũ 134x..., nhà đầu tư cần bình tĩnh quan sát và lựa hàng kỹ, tránh FOMO”, ông Trần Long Huân, Giám đốc cao cấp Khối khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Phân tích, Chứng khoán Phú Hưng nhận xét, cơ hội chọn được cổ phiếu hiệu suất tốt giai đoạn này sẽ khó, khi sự phân hóa đang diễn ra mạnh. Phần trăm số cổ phiếu trên MA50 vẫn ở dưới mức 50%, nghĩa là đa phần các mã chưa thể vượt lên được kháng cự trung hạn mà đang giao dịch ở kênh dưới, chỉ có số ít mã dẫn dắt vượt trội là giao dịch ở kênh trên. Tuy nhiên, nếu nắm bắt được cấu trúc vận động, và dựa vào các chỉ báo đáng tin cậy, cơ hội giao dịch ngắn hạn luôn có. Điển hình, nhóm Tiện ích (Điện), Đầu tư công đã có nhịp tăng khá tốt, mang lại một số khoản lợi nhuận tốt trong tuần giao dịch qua.
Theo ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, Chứng khoán VPBank, dư địa tăng của những cổ phiếu dẫn dắt vẫn còn, nhất là khi xem xét các chỉ báo kỹ thuật. Đơn cử, với VIC, khi nào cổ phiếu này mất đường MA50 thì mới có thể xác lập đỉnh. Hiện tại, mức giá 120.000 đồng/cp hay cao hơn hoàn toàn phụ thuộc vào xu thế thị trường.
Ông Đức dự báo, những cổ phiếu đã vượt đỉnh cũ có thể sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt thị trường trong nửa cuối năm nay, đặc biệt nhóm Bất động sản (VIC, VHM, VRE), Ngân hàng (TCB, ACB, HDB) và Bán lẻ (MWG, VNM).
Tất nhiên, vẫn có những nhà đầu tư sớm hiện thực hóa lợi nhuận. Mặc dù không bán được đúng đỉnh, nhưng cách làm này đảm bảo lợi nhuận, đồng thời có cơ hội tiếp tục hưởng lợi, mà không quá lo ngại sẽ mất lãi nếu cổ phiếu đảo chiều.
Với một số nhà đầu tư, họ nhìn vào chính sách vĩ mô và phản ứng vi mô của doanh nghiệp để phân tích xu hướng dòng tiền, tập trung vào những cổ phiếu nào. Theo đó, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, một trong những thông tin đáng chú ý là Việt Nam đặt mục tiêu có ít nhất 20 doanh nghiệp đạt quy mô khu vực và toàn cầu. Điều này có nghĩa, các doanh nghiệp tư nhân lớn có thể sẽ được trao cơ hội để phát triển, tạo ra tác động tích cực đến sự xuất hiện của các cổ phiếu dẫn dắt trên thị trường.
Sau giai đoạn VN-Index tăng hơn 200 điểm từ đáy tháng 4/2025, biến số lớn nhất mà giới đầu tư theo dõi sát sao là tiến trình đàm phán thuế quan Việt - Mỹ.
“Khi câu chuyện thuế quan qua đi, TTCK sẽ duy trì xu hướng tích cực. Nếu đánh giá thuế quan không ảnh hưởng nhiều đến bức tranh kinh tế, nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh của thị trường để mua vào cổ phiếu dẫn dắt, chẳng hạn nhóm Ngân hàng”, ông Nguyễn Việt Đức khuyến nghị.
Về dài hạn, yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới TTCK vẫn là tăng trưởng cung tiền M2. Tại Mỹ cũng như Việt Nam, biến động M2 luôn đi sát với diễn biến thị trường. Với việc Việt Nam tiếp tục mở rộng tín dụng và chính sách tài khóa, định giá P/E hiện tại của VN-Index quanh mức 12 - 13 lần là hợp lý, không quá thấp so với lịch sử, nhưng cũng chưa rơi vào vùng quá nóng (P/E 17 - 18 lần).
Hải Giang
Xem thêm tại vnbusiness.vn