Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán tiếp tục lùi bước

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 15/11 giảm 500.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 80,00 – 83,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 8,1 USD xuống 2.564,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,55 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.290 đồng/USD, 24.298 đồng/USD, tăng 8 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.190 – 25.512 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ 92.300 USD xuống 89.200 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục giảm và lùi về gần 87.000 USD, trước khi bật lên 89.200 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,81 USD (-1,18%), xuống 67,89 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,84 USD (-1,16%), xuống 71,72 USD/thùng.

VN-Index giảm thêm hơn 13 điểm

Sắc đỏ lan rộng từ sớm khiến VN-Index lùi sâu và may mắn bật hồi đôi chút để lấy lại mốc 1.220 điểm khi kết phiên sáng.

Bước sang phiên chiều, nỗ lực tìm lại mốc 1.230 điểm khá khó khăn khi dòng tiền tham gia chưa đủ mạnh, trong khi áp lực bán luôn thường trực, khiến chỉ số thêm một lần về dưới mốc 1.220 điểm khi đóng cửa.

Kết thúc phiên giao dịch 15/11: VN-Index giảm 13,32 điểm (-1,08%), xuống 1.218,57 điểm; HNX-Index giảm 2,28 điểm (-1,02%), xuống 221,53 điểm; UPCoM-Index giảm 0,53 điểm (-0,58%), xuống 91,33 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Năm (14/11), sau khi Chủ tịch Fed khiến giới đầu tư bất an với phát biểu cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ không cần phải vội vàng nới lỏng chính sách tiền tệ.

Tại một sự kiện của Fed Dallas, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell cho rằng với việc nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng tốt, thị trường việc làm vững chắc và dù lạm phát vẫn trên mục tiêu 2% nhưng Fed vẫn phải cân nhắc cẩn thận hơn về việc cắt giảm lãi suất.

Kết thúc phiên 14/11: Chỉ số Dow Jones giảm 207,33 điểm (-0,47%), xuống 43.750,86 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 36,21 điểm (-0,60%), xuống 5.949,17 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 123,07 điểm (-0,64%), xuống 19.107,65 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng khi đồng yên suy yếu đã nâng đỡ cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô, cũng như cổ phiếu tài chính tăng sau khi nâng dự báo triển vọng lợi nhuận trong năm.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,28% lên 38.642,91 điểm và mất hơn 2,6% trong tuần. Chỉ số Topix tăng 0,39% lên 2.724,35 điểm và giảm 1,8% trong tuần.

Đồng yên giảm hơn 0,1% ở mức 156,38 yên/USD mỗi đô la, gần với khu vực từng nhận được sự can thiệp từ chính quyền Nhật Bản trong quá khứ.

Đồng yên yếu hơn có xu hướng thúc đẩy cổ phiếu của các nhà xuất khẩu, với những cái tên lớn như Toyota Motor tăng 1,4% và Honda Motor tăng 2,2%.

Trong khi đó, ba ngân hàng lớn của Nhật Bản đã tăng sau khi họ nâng dự báo lợi nhuận hàng trong năm tài chính lên mức cao kỷ lục mới, được thúc đẩy bởi nhu cầu cho vay và tỷ suất lợi nhuận cao hơn sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng lãi suất vào tháng 7.

Theo đó, cổ phiếu Mizuho Financial Group tăng 6,6%, Mitsubishi UFJ Financial Group và Sumitomo Mitsui Financial Group tăng lần lượt 1,45% và 0,6%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, ngay cả khi doanh số bán lẻ cho thấy tín hiệu tích cực.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,45% xuống 3.330,73 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,75% xuống 3.968,83 điểm.

Cục Thống kê Quốc Trung Quốc cho biết doanh số bán lẻ, một chỉ số chính về lực cầu tiêu dùng đã tăng 4,8% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2 và vượt qua tất cả các dự đoán từ khảo sát của Bloomberg.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế vẫn còn những mảng tối đáng lo ngại, với sản lượng công nghiệp chỉ tăng 5,3%, thấp hơn dự báo 5,6% và chậm hơn tháng trước đó.

Một báo cáo khác được công bố cho thấy giá nhà mới tại 70 thành phố Trung Quốc đã giảm 0,5% trong tháng 10, mức giảm thấp nhất trong bảy tháng.

Sự cải thiện trong dữ liệu kinh tế của Trung Quốc có thể mang lại kỳ vọng hồi phục cho thị trường, trong bối cảnh đà phục hồi nền kinh tế chậm lại, do thất vọng về việc Bắc Kinh không đưa ra biện pháp kích thích tài chính mạnh mẽ và việc Donald Trump tái đắc cử.

Chứng khoán Hồng Kông giằng co và đóng cửa gần như không đổi, khi đón nhận báo cáo từ Đại lục cho thấy doanh số bán lẻ trong tháng 10 tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2 và đà giảm giá nhà chậm lại, cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hồi phục nền kinh tế đang phát huy tác dụng.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,05% xuống 19.426,34 điểm và giảm khoảng 6% trong tuần. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,10% lên 6.980,06 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc thu hẹp đà giảm sau khi chỉ số chuẩn lùi xuống ngưỡng 2.400 điểm lần đầu tiên kể từ sự kiện “'thứ Hai đen' vào đầu tháng 8.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 2 điểm, tương đương 0,08% xuống 2.416,86 điểm.

Chỉ số thu hẹp đà giảm nhờ đà tăng tới 7,2% của cổ phiếu lớn Samsung Electronics khi giới đầu tư mạnh tay bắt đáy sau năm phiên giảm liên tiếp. Trong khi một cổ phiếu chip khác là SK hynix cũng tăng hơn 3%.

Kết thúc phiên 15/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 107,21 điểm (+0,28%), lên 38.642,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 49,11 điểm (-1,45%), xuống 3.330,73 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 9,47 điểm (-0,05%), xuống 19.426,34 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 2,00 điểm (-0,08%), xuống 2.416,86 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lợi nhuận ngân hàng nhỏ phân hóa mạnh

Đến thời điểm này, các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2024 và một điểm chung dễ nhận thấy là có sự phân hóa rõ nét về lợi nhuận, kể cả với nhóm ngân hàng nhỏ..>> Chi tiết

- Cơ hội cho doanh nghiệp niêm yết mới

Sau một năm im ắng thương vụ IPO cũng như niêm yết mới, doanh nghiệp và các bên tư vấn đều kỳ vọng sẽ có những chuyển động tích cực trong năm 2025..>> Chi tiết

- Nên nới điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng

Để bù đắp sự thiếu hụt thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, các chuyên gia kiến nghị phải có giải pháp mạnh hơn để khuyến khích phát hành trái phiếu ra công chúng..>> Chi tiết

- Chủ tịch Fed: Không cần phải vội vàng giảm lãi suất

Hôm thứ Năm (14/11), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Mỹ sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách có thời gian để quyết định hạ lãi suất ở mức nào và nhanh như thế nào..>> Chi tiết

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn