Thiếu vắng đơn hàng, ngành dệt may ‘bước hụt’ trong năm 2020

Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến ngành dệt may trong năm 2020 chủ yếu đến từ việc đối tác cắt giảm đơn hàng, nhà sản xuất liên tục giảm giá bán nhưng lượng hàng xuất ra vẫn èo uột.

Thiếu vắng đơn hàng, ngành dệt may ‘bước hụt’ trong năm 2020

Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến ngành dệt may trong năm 2020 chủ yếu đến từ việc đối tác cắt giảm đơn hàng, nhà sản xuất liên tục giảm giá bán nhưng lượng hàng xuất ra vẫn èo uột.

Theo dữ liệu của VietstockFinance, trong tổng số 20 doanh nghiệp dệt may công bố BCTC năm 2020 có 12 doanh nghiệp báo lãi giảm, 3 doanh nghiệp ôm lỗ và 5 doanh nghiệp có lãi tăng. Tổng doanh thulợi nhuận của doanh nghiệp dệt may công bố kết quả 2020 đạt hơn 43,142  tỷ đồng và 1,337 tỷ đồng, lần lượt giảm 20% và 37% so với năm trước.

Đứng trong bối cảnh chung đầy “trầy trật” của doanh nghiệp dệt may, Tổng CTCP May Việt Tiến (UPCoM: VGG) đại diện báo lãi ròng giảm mạnh nhất với mức giảm 65% so với năm trước, xuống còn 143 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây của doanh nghiệp dệt may này. Theo VGG, nguyên nhân là do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Nhật Bản, Mỹ và EU (đây là thị trường xuất khẩu chủ yếu của Tổng Công ty). Các đối tác nhập khẩu tại các nước này đã giảm 1 phần đơn hàng dẫn đến doanh thu giảm.

Doanh nghiệp dệt may báo lãi đi lùi và lỗ trong năm 2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Đơn hàng giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là nguyên nhân chính yếu dẫn đến lãi ròng của Garmex Sài Gòn (HOSEGMC) giảm 56%, xuống còn 46 tỷ đồng. EPS của doanh nghiệp dệt may này cũng giảm mạnh từ hơn 6,000 đồng xuống còn 1,660 đồng.

Trong năm 2020, GMC lên kế hoạch doanh thu đạt 1,300 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 23 tỷ đồng, lần lượt giảm 26% và 83% so với thực hiện năm trước. Đặt kế hoạch khá thấp so với cùng kỳ, ông Bùi Tuấn Ngọc - Chủ tịch HĐQT GMC chia sẻ tại ĐHĐCĐ 2020: “Về đặt hàng, năm 2020 các khách hàng lớn đều gặp những vấn đề lớn khiến cho Công ty cũng bị ảnh hưởng theo. Đối thủ của chúng ta là Tập đoàn Dệt may Việt Nam có vốn điều lệ 5,000 tỷ đồng nhưng họ cũng chỉ đặt kế hoạch 130 tỷ đồng. Trong khi đó, GMC có vốn điều lệ hơn 267 tỷ đồng thì việc đặt kế hoạch lãi trước thuế 23 tỷ đồng là hợp lý trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19”.

So với chỉ tiêu đề ra trước đó, GMC đã hoàn thành vượt 13% kế hoạch doanh thu và vượt 78% kế hoạch lãi trước thuế. Được biết, các năm trước đó, GMC đặt kế hoạch kinh doanh ở mức thấp nên kết quả thực hiện luôn vượt kế hoạch đề ra.

Không chỉ ghi nhận lãi ròng giảm so với cùng kỳ, May Sông Hồng (HOSEMSH) còn trích lập dự phòng phải thu với đối tác phá sản 154 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2020, các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận hơn 396 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm (dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn gần 182 tỷ đồng trong khi đầu năm chỉ ghi nhận 20 tỷ đồng. Khoản phải thu đối tác nộp đơn phá sản New York & Company hơn 218 tỷ đồng. Trong đó, giá trị có thể thu hồi là 64 tỷ đồng và MSH đã trích lập dự phòng gần 154 tỷ đồng cho khoản phải thu này.

Tương tự, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (UPCoM: VGT) cũng tuột dốc cả về doanh thu (giảm 26%) và lãi ròng (giảm 46% so với cùng kỳ).

Xót xa hơn, Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HOSEFTM) báo lỗ ròng 200 tỷ đồng do doanh thu không đủ bù đắp chi phí. Doanh thu thuần cũng tuột dốc 92%, xuống còn 81 tỷ đồng.

Năm 2020, FTM đặt mục tiêu mang về 799 tỷ đồng doanh thu và gần 4.5 tỷ đồng lãi sau thuế. Như vậy, FTM mới chỉ thực hiện được 10% kế hoạch doanh thu. Cũng trong năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của FTM âm 47 tỷ đồng (cùng kỳ dương 203 tỷ đồng).

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm cho một số đơn hàng khách đã yêu cầu giảm giá bán từ 1-2% so với giá ký ban đầu. Bên cạnh đó, các khoản dự phòng tăng và các khoản chi phí đầu vào Công ty vẫn phải duy trì thanh toán đúng theo quy định. Từ đó dẫn đến doanh thu và lãi ròng Đầu tư và Thương mại TNG (HNXTNG) lần lượt giảm 3% và 34% so với cùng kỳ, xuống còn 4,484 tỷ đồng và 152 tỷ đồng. Như vậy, khép lại năm 2020, TNG thực hiện được 97% kế hoạch doanh thu và 66% kế hoạch lãi sau thuế.

Điểm sáng toàn ngành

Nhờ giá bán thành phẩm sợi cotton tăng và ghi nhận thêm nguồn thu từ nhượng bán, thanh lý tài sản cố định đã giúp lãi ròng của Damsan (HOSEADS) tăng vọt lên 23 tỷ đồng, gấp 2.9 lần năm trước.

Doanh nghiệp dệt may báo lãi ròng tăng trưởng. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, tuy nhiên, Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSETCM) đã đầu tư từ trước để sản xuất các đơn hàng khẩu trang, đồ bảo hộ y tế và phát triển vải kháng khuẩn, vải có tính năng vượt trội để đáp ứng yêu cầu cao và thời gian giao hàng gấp rút. Nhờ đó đã giúp lãi ròng của TNG tăng 28%, đạt 275 tỷ đồng.

Thời gian tới, TCM dự kiến đẩy mạnh đầu tư mở rộng các nhà máy May - Đan - Nhuộm để phục vụ đơn hàng xuất khẩu, đồng thời đáp ứng các đơn hàng sợi và vải ngày càng cao cho các doanh nghiệp dệt may trong nước để hưởng lợi từ Hiệp định CPTPP và EVFTA. Về mặt hàng thời trang, Công ty lên kế hoạch phát triển theo hướng online thay vì mở chuỗi bán lẻ để bắt kịp xu hướng mua sắm hiện đại.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dự báo giá trị xuất khẩu năm 2021 có thể phục hồi về mức năm 2019, đạt 39 tỷ USD, tương đương với mức tăng trưởng 10.6% so với cùng kỳ, cao hơn so với CAGR giai đoạn 2015-2019 là 9.9%.

Bộ Công Thương cũng nhận định, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết, đặc biệt là tiềm năng mở rộng xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới. Trong thời gian tới, ngành dệt may cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp phụ trợ. Cùng với đó, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong tình hình mới, cần tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, vận hành doanh nghiệp dệt may, đưa doanh nghiệp dệt may tiếp cận với không gian chung của ngành thời trang thế giới.

Năm 2021, tận dụng lợi thế cạnh tranh các hiệp định FTA, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành may nói riêng cần xác định rõ mục tiêu trong bối cảnh mới”, ông Nguyễn Trọng Phi - Ủy viên BCH LEFASO, Chủ tịch Giovanni Group, chia sẻ tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên 2021.

Ngoài ra, trong bối cảnh mới, việc tiếp tục xuất khẩu như hiện nay, về gia công thì ta cần có thêm định hình, chuyển đổi mô hình từ sản xuất gia công sang xây dựng thương hiệu trong thời trang dệt may da giày để xuất khẩu được thông qua các hiệp định đã ký. Hưởng lợi từ nguyên phụ liệu từ việc giảm thuế thông qua các hiệp định. Đây là điều kiện để ta mạnh dạn chuyển đổi. Sang năm 2021, các hiệp định mang lại lợi thế cho ngành, các thương hiệu cao cấp sẽ hưởng lợi nhiều.

Doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi, có mô hình quản trị kinh doanh linh hoạt, dễ thích ứng với các thay đổi, hội nhập. Sự thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam rất quan trọng trong giai đoạn Covid-19 vừa qua và cần duy trì trong thời gian tới.

Tiên Tiên

FILI