Thua lỗ triền miên, thanh khoản èo uột, SJM, TTG và MEC vẫn là “sân chơi” đầy sôi động của nhóm cổ đông lớn liên quan Sông Đà 9

Kinh doanh thua lỗ triền miên, giao dịch èo uột song Sông Đà 19 (SJM), May Thanh Trì (TTG) và Cơ khí - lắp máy Sông Đà (MEC) vẫn là “sân chơi” đầy sôi động của các nhóm cổ đông lớn quen thuộc FINSTA và Hacotec Group.

Những giao dịch gần đây của các cổ đông lớn tại Sông Đà 9 làm gợi nhớ giai đoạn 2020-2021, tận dụng mua vào bán ra tại các điểm giao dịch mạnh thị giá TTG, SJM, MEC, nhóm cổ đông này có thể “bỏ túi” được khoản lợi nhuận từ chênh lệch giá.

Bắt đầu tại Sông Đà 19 (SJM) , quan sát những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu SJM thanh khoản đột biến khi liên tục xuất hiện giao dịch của những cổ đông lớn. Trong đó, bà Nguyễn Ngọc Kiều Trang đã bán toàn bộ 18,7% vốn của Công ty sau khi liên tục mua vào ít tháng trước đó. Ngược lại, cơ cấu vốn tại SJM xuất hiện hai cổ đông lớn mới là bà Nguyễn Thị Ngọc Tú (sở hữu 11,52%) và Công ty TNHH FINSTA (sở hữu 13,93%).

Đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn HNX đầu năm 2008. Thời gian đầu niêm yết, cổ phiếu SJM có nhịp tăng mạnh và tạo đỉnh ở 80.500 đồng/cp. Đây cũng là giai đoạn cả họ “Sông Đà” gây chú ý khi cùng giảm nhiệt. Cổ phiếu SJM lúc bấy giờ cũng lao dốc xuống dưới 10.000 đồng/cp sau chưa đầy nửa năm. Trong lịch sử giao dịch của mình Sông Đà 9 có 3 đợt sóng lớn. Cụ thể,

+ Giai đoạn 2009 – 2010: Đây cũng là thời điểm TTCK chứng kiến sự hồi phục đáng kể sau cú giảm sốc trước đó. Thị giá cổ phiếu SJM cũng tăng gấp 3 lần và tạo đỉnh quanh ngưỡng 30.000 đồng/cp. Lúc bấy giờ, bộ máy lãnh đạo của Sông Đà 9 có sự biến động, loạt cổ đông cá nhân mua vào bán ra lượng lớn cổ phiếu.

+ Giai đoạn 2020-2021: Những cái tên quen thuộc là Nguyễn Ngọc Kiều Trang và Hacotec Group chính thức xuất hiện với những giao dịch khối lượng lớn. Trong đó, Hacotec Group chính thức trở thành cổ đông lớn của Sông Đà 9 vào cuối năm 2021 và sau đó liên tục nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 22% vốn Công ty. Đến giữa tháng 6/2021, ngay “chân sóng” cổ phiếu, Hacotec Group đã bán ra và không còn là cổ đông lớn tại Sông Đà 9.

Tương tự tại May Thanh Trì : FINSTA và Sông Đà 9 không còn xa lạ khi cả hai cùng tham gia mua cổ phần của May Thanh Trì khi Tập đoàn Haprosimex thoái toàn bộ 54,36% vốn vào tháng 9 năm ngoái. Bên mua gồm có Sông Đà 9 (24,78%) và FINSTA (24,87%), còn lại là bà Lưu Thị Mai.

Mức giá mua thoái vốn cổ phần May Thanh Trì thời điểm đó là 4.400 đồng/cp. Tròn 1 năm sau đó, Sông Đà 9 có kế hoạch bán 83.200 cổ phiếu TTG (4,27% vốn) với giá khởi điểm 9.000 đồng/cp, tức công ty này lãi gấp đôi sau 1 năm.

Còn FINSTA được thành lập tháng 12/2008 có trụ sở tại Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội. Nười đại diện pháp luật là ông Bùi Văn Chuông, cá nhân này cũng là người đại diện của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tín An Phát.

Ngoài câu chuyện giá cổ phiếu tăng sau khi hai cổ đông lớn xuất hiện, TTG cũng có thay đổi lớn về bộ máy. Nhóm lãnh đạo cũ thoái lui và người mới được FINSTA và Sông Đà 19 đề cử nắm quyền điều hành doanh nghiệp. Ông Nguyễn Việt Dũng được bổ nhiệm làm chủ tịch May Thanh Trì từ ngày 9/11/2022. Bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh làm Giám đốc từ ngày 18/8/2022 và ông Lý Nam Ninh làm Phó Giám đốc kiêm Trưởng phòng kế toán.

Tại Cơ khí - lắp máy Sông Đà , 2021 cũng là năm cổ phiếu MEC dậy sóng. Khi thị giá MEC tăng mạnh thì Sông Đà 9 liên tục mua vào cổ phiếu, trở thành cổ đông lớn từ 19/6. Ngược lại, cổ đông lớn là Đầu tư Hacotec Group đã bán 560.000 cổ phiếu, không còn là cổ đông lớn từ 25/6/2021.

Điều đáng nói, ngoài lợi thế đã được niêm yết, Sông Đà 9, May Thanh Trì hay Cơ khí - lắp máy Sông Đà có thể nhận xét là không hấp dẫn khi kinh doanh èo uột, thanh khoản trên thị trường cũng lèo tèo, ít được chú ý.

Trong đó, Sông Đà 9 từ chỗ là một đơn vị xây lắp thì liên tục các năm gần đây gần như không có hoạt động kinh doanh cốt lõi. Ngoại trừ năm 2021, Công ty báo lãi hơn 8 tỷ đồng nhờ hoạt động tài chính thì gần như năm nào cũng lỗ. Tính đến cuối năm 2022, số lỗ lũy kế của Sông Đà 19 là 40,2 tỷ đồng, gần bằng vốn điều lệ 50 tỷ đồng.

May Thanh Trì cũng không khá khẩm hơn. Năm 2022, Công ty tiếp tục lỗ thêm gần 1,6 tỷ; nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 17 tỷ đồng, sát số vốn điều lệ 20 tỷ đồng.

Cơ khí - lắp máy Sông Đà cũng thua lỗ liên tục từ năm 2018 đến nay.

Sang năm 2023, các bên này cùng đặt kế hoạch kinh có lãi. Trong đó, May Thanh Trì lên kế hoạch doanh thu 35 tỷ đồng và lãi ròng 3,5 tỷ đồng. Sông Đà 19 cũng đưa chỉ tiêu lãi trước thuế 2,5 tỷ đồng.

Xem thêm tại cafef.vn