Thương chiến Mỹ - Trung 'hạ nhiệt', thị trường chứng khoán bung nóc
Tín hiệu tích cực từ bàn đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã thổi luồng sinh khí mạnh mẽ vào thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Với quyết định đồng thuận tạm ngừng áp thuế trong 90 ngày, cả Washington và Bắc Kinh cùng nhất trí giảm thuế nhập khẩu đối ứng 115 điểm phần trăm – Mỹ giảm từ 145% xuống còn 30%, Trung Quốc hạ từ 125% về mức 10%.
Động thái “hạ vũ khí” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ tháo gỡ nút thắt địa chính trị, mà còn thổi luồng sinh khí vào các thị trường tài chính vốn đang khát thông tin tích cực. Chốt phiên, VN-Index tăng gần 16 điểm, lên mức 1.283,26 điểm.
Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 21.400 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD – mức cao đột biến so với mặt bằng các phiên giao dịch gần đây.

Tâm lý hưng phấn lan tỏa khắp thị trường với sắc xanh áp đảo cả ba sàn. Sàn HoSE có tới 200 mã tăng giá, áp đảo 111 mã giảm và 59 mã đứng giá. Tương tự, HNX ghi nhận 104 mã tăng, 56 mã giảm và 69 mã tham chiếu; trong khi UPCoM có 192 mã tăng, 92 mã giảm và 76 mã đi ngang.
Trong rổ VN30, TCB tiếp tục dẫn đầu khi tăng gần hết biên độ, đạt 29.400 đồng/cổ phiếu với thanh khoản vượt trội hơn 46,7 triệu đơn vị. Các cổ phiếu TPB, GVR, VIC, BCM cũng ghi nhận mức tăng tích cực từ 3% đến 5%.
Ở chiều ngược lại, HPG và MSN là hai mã duy nhất giảm giá trong nhóm VN30, lần lượt mất 0,97% và 1,27%. Đáng chú ý, HPG ghi nhận thanh khoản vượt trội với hơn 64,7 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, cao hơn nhiều so với mức trung bình 50 phiên gần nhất.
Lực cầu gia tăng rõ rệt trong phiên chiều cũng giúp nhóm chứng khoán chuyển mình ngoạn mục. APS tiếp tục giữ sắc tím đến cuối phiên, trong khi loạt mã lớn như SSI, VND, VIX, BVS… đều tăng trong khoảng 1% - 2%, cho thấy dòng tiền đang dò đáy nhóm cổ phiếu này sau nhiều phiên suy yếu.
Tại nhóm ngân hàng, diễn biến tích cực của TCB, TPB đã lan tỏa sang các mã khác như VPB, VIB, SHB, SSB, HDB, ABB với mức tăng ổn định 1%-2%. Nhóm cổ phiếu "vua" được xem là động lực quan trọng giúp chỉ số duy trì đà tăng bền vững trong cả phiên. Trong số 8 mã tác động tích cực nhất đến VN-Index, có tới 3 đại diện của nhóm này góp mặt.

Ở nhóm bất động sản, tình hình không có nhiều thay đổi so với phiên sáng. BCR tiếp tục là điểm sáng khi tăng gần 6%. Nhiều mã khác như DIG, HDC, CEO, DXG, TCH, QCG... cũng nối tiếp đà tăng trong khoảng 2% - 5%, cho thấy sự quan tâm của dòng tiền vẫn hiện hữu trong nhóm này. Tuy nhiên, nổi bật nhất phải kể đến VIC khi mã này đóng góp tới 2,64 điểm vào chiều tăng của chỉ số VN-Index, cao thứ hai toàn thị trường (chỉ sau TCB).
Một số ngành khác như khu công nghiệp, dầu khí, dệt may, thủy sản, điện, công nghệ… ghi nhận sự phân hóa rõ nét. Biên độ dao động từ tăng đến giảm trong khoảng 2% - 5% tùy từng cổ phiếu cụ thể.
Trái với đà hưng phấn chung, nhóm cổ phiếu thép vẫn chịu áp lực điều chỉnh. TLH là điểm sáng hiếm hoi khi tăng nhẹ, trong khi phần lớn các mã còn lại đứng giá hoặc giảm nhẹ.
Phiên tăng mạnh ngày 12/5 đưa chỉ số VN-Index tiến sát vùng kháng cự quan trọng quanh mốc 1.300 điểm. Chứng khoán ASEAN (ASEANSC) đánh giá, nhà đầu tư cần lựa chọn chiến lược phù hợp dựa trên khẩu vị rủi ro và mục tiêu đầu tư.
Cụ thể, với nhà đầu tư ngắn hạn, ASEANSC khuyến nghị hạn chế hành động mua đuổi trong thời điểm này, thay vào đó nên theo sát diễn biến liên quan đến chính sách thuế quan toàn cầu, đồng thời rà soát và cơ cấu lại các cổ phiếu yếu trong danh mục.
Đối với nhà đầu tư dài hạn, chuyên gia cho rằng có thể cân nhắc giải ngân từng phần trong các nhịp điều chỉnh, ưu tiên các mã ít chịu ảnh hưởng bởi biến động thuế quan, hưởng lợi từ xu hướng phục hồi kinh tế, có nền tảng tài chính vững chắc, định giá hợp lý và chính sách cổ tức tiền mặt hấp dẫn. Các nhóm ngành đáng quan tâm bao gồm ngân hàng, chứng khoán, đầu tư công và bán lẻ.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn