Tiền gửi tiếp tục làm ‘vua’ trong danh mục tự doanh
Danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán (CTCK) tiếp tục thiết lập đỉnh mới sau quý I, đạt khoảng 310.000 tỷ đồng (xấp xỉ 12,4 tỷ USD). Riêng 10 đơn vị có quy mô lớn nhất đang nắm giữ khoảng 65% tổng giá trị đầu tư toàn ngành (8 tỷ USD).
Xét theo cơ cấu tài sản, giá trị đầu tư vào cổ phiếu/chứng chỉ quỹ, trái phiếu, tiền gửi/chứng chỉ tiền gửi và các khoản khác đều ghi nhận tăng trưởng tuyệt đối.
Trong đó, giá trị đầu tư cổ phiếu/chứng chỉ quỹ (không bao gồm cổ phiếu phục vụ phòng ngừa rủi ro cho chứng quyền – gọi chung là cổ phiếu) của nhóm Top 10 tăng 27%, lên 34.400 tỷ đồng; tỷ trọng tăng từ 14,9% lên 17,2%.
Tuy nhiên, mức tăng này phần lớn đến từ sự thay đổi thành phần trong nhóm dẫn đầu. Cụ thể, SHS thay thế MBS và phân bổ tới 65% danh mục tự doanh vào cổ phiếu, tương đương gần 6.300 tỷ đồng, trong khi MBS – bị loại khỏi Top 10 – chỉ nắm giữ vài trăm tỷ đồng cổ phiếu.

Tiền gửi tiếp tục chiếm hơn phân nửa danh mục tự doanh Top 10 CTCK. (Nguồn: X.N tổng hợp).
Việc phân bổ vào từng loại tài sản phản ánh chiến lược và khẩu vị rủi ro riêng của từng CTCK, nhằm mục tiêu đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro đầu tư. Dù vậy, phần lớn các công ty vẫn ưu tiên tài sản có thu nhập cố định như trái phiếu và tiền gửi để đảm bảo thanh khoản.
Dù không còn đóng góp gần 8.000 tỷ đồng từ MBS như quý trước, tổng giá trị tiền gửi/chứng chỉ tiền gửi/khác (gọi chung là tiền gửi) vẫn tăng 11% trong quý I, lên gần 102.000 tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD), chiếm 51% tổng danh mục Top 10 - tăng nhẹ so với mức 50,5% hồi đầu năm.
Các CTCK lớn tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt xu hướng này. SSI tăng giá trị tiền gửi thêm 17%, lên hơn 33.000 tỷ đồng, chiếm tới 65% danh mục. Trong khi đó, trái phiếu và cổ phiếu chiếm lần lượt 32% (gần 16.400 tỷ đồng) và 4% (hơn 1.900 tỷ đồng), đều ghi nhận tăng trưởng giá trị.
Tại cuộc họp thường niên vừa qua, bà Nguyễn Vũ Thùy Hương, Giám đốc Khối đầu tư SSI, cho biết mảng tự doanh của công ty luôn tuân thủ chiến lược đầu tư thận trọng: 63% danh mục dành cho chứng chỉ tiền gửi, 30% cho trái phiếu (chính phủ và doanh nghiệp), còn lại 7% cho cổ phiếu. Trong đó, khoản đầu tư trái phiếu Becamex chỉ hơn 200 tỷ đồng và có thể bán bất cứ lúc nào nhờ biện pháp phòng ngừa rủi ro.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị SSI, nhấn mạnh công ty không theo đuổi các khoản đầu tư rủi ro, do đó tỷ trọng đầu tư cổ phiếu sẽ duy trì ở mức thấp và đi kèm biện pháp kiểm soát rủi ro.
VNDirect tiếp tục xếp thứ hai về quy mô tự doanh với danh mục hơn 35.000 tỷ đồng, tăng 17% sau 3 tháng. Tăng trưởng chủ yếu đến từ tiền gửi – tăng từ hơn 12.100 tỷ đồng lên gần 17.000 tỷ đồng, tương đương 40%.

Thuyết minh FVTPL của VNDirect tại cuối quý I. (Nguồn: BCTC quý I của VNDirect).
VNDirect hiện đứng thứ hai toàn ngành về quy mô tiền gửi. Một số CTCK khác cũng đang nắm giữ lượng tiền gửi lớn như ACBS (gần 15.300 tỷ đồng) và VPS (gần 14.600 tỷ đồng). Trong khi đó, danh mục trái phiếu của VNDirect giảm nhẹ 2% về 14.700 tỷ đồng, còn cổ phiếu gần như đi ngang ở mức 3.400 tỷ đồng. Đáng chú ý, 78% danh mục trái phiếu của VNDirect là loại chưa niêm yết.
TCBS giảm 10% lượng trái phiếu nắm giữ trong quý I, còn 14.815 tỷ đồng – chiếm 78% danh mục tự doanh. Sau quý tăng đột biến và tạm dẫn đầu nhóm trái phiếu, TCBS đã nhường lại vị trí dẫn đầu cho SSI. Khoảng 95% trái phiếu của TCBS cũng thuộc loại chưa niêm yết.
VPBankS đứng thứ tư về quy mô danh mục trái phiếu với gần 9.500 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với đầu năm. Trái phiếu chiếm 57% danh mục đầu tư tự doanh, tiếp theo là tiền gửi (28%) và cổ phiếu (15%).

SSI, VNDirect, ACBS, VPS, Kafi phân bổ chủ yếu vào tiền gửi; TCBS, VPBankS chuộng trái phiếu; VIX, Vietcap, SHS rót mạnh vào cổ phiếu. (Nguồn: X.N tổng hợp).
Khác với đa số, SHS, Vietcap và VIX là ba đơn vị đầu tư cổ phiếu tích cực nhất, cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ trọng.
Vietcap hiện nắm giữ gần 8.200 tỷ đồng cổ phiếu, chiếm 85% danh mục tự doanh. Một số khoản đầu tư lớn gồm: KDH, IDP, MSN, MBB, STB, FPT, TDM, NAP01, VPB02, LTH01.
Ông Tô Hải, Tổng Giám đốc Vietcap, nhận định mảng tự doanh nhìn chung ổn định và không biến động nhiều trong quý I. Khoản đầu tư IDP mang tính chiến lược dài hạn nhưng vẫn sẵn sàng hiện thực hóa lợi nhuận nếu có đối tác phù hợp.
VIX đang quản lý danh mục cổ phiếu gần 7.500 tỷ đồng, trong đó 83% là cổ phiếu niêm yết và 17% chưa niêm yết.
SHS cũng phân bổ tới 65% danh mục tự doanh vào cổ phiếu, trị giá gần 6.300 tỷ đồng. Theo báo cáo quý I, các khoản đầu tư lớn gồm GEX, FPT, HPG, TCB, SHB, TCD. Trong đó, SHB chiếm tỷ trọng lớn nhất với 740 tỷ đồng, gấp gần ba lần giá gốc. Ngược lại, khoản đầu tư vào TCD – thuộc nhóm “Bamboo Capital” – đang lỗ nặng tới 83%, chỉ còn 35 tỷ đồng.

Thuyết minh tự doanh SHS tại cuối quý I. (Nguồn: BCTC quý I của SHS).
Tại cuộc họp thường niên, đại diện SHS cho biết công ty đã giải ngân vào một số mã thuộc rổ VN30 như FPT khi thị trường điều chỉnh. Các khoản đầu tư đều dựa trên phân tích nền tảng doanh nghiệp, không sử dụng đòn bẩy tài chính và hướng tới chiến lược nắm giữ dài hạn.
Theo SHS, giai đoạn hiện nay đòi hỏi sự thận trọng nhưng không thụ động, đặc biệt khi dòng tiền đang phân hóa mạnh và vai trò của nhà đầu tư tổ chức ngày càng rõ nét trên thị trường.
Diễn biến trong quý I cho thấy dòng tiền tự doanh của các công ty chứng khoán đang nghiêng mạnh về hướng an toàn với ưu tiên là tiền gửi và trái phiếu.
Dù vẫn có những đơn vị kiên định với chiến lược đầu tư cổ phiếu, sự thận trọng đang trở thành “kim chỉ nam” chung trong bối cảnh thị trường biến động, dòng vốn phân hóa và vai trò của nhà đầu tư tổ chức ngày càng lớn.
Xu hướng này nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn nếu không có yếu tố đột phá về thanh khoản hoặc kỳ vọng tăng trưởng rõ ràng hơn trên thị trường cổ phiếu.
Xem thêm tại vietnambiz.vn